Connect with us

Social

Tìm hiểu về Baby Boomers, Gen X, Gen Y, Gen Z và Gen Alpha

Published

on

Sự khác biệt lớn giữa các thế hệ (Gen) Baby Boomers, Gen X, Gen Y, Gen Z và Gen Alpha đang tạo ra vô số những thách thức cho người làm marketing.

Gen X Gen Y Gen Z
Tìm hiểu về các thế hệ Baby Boomers, Gen X, Gen Y, Gen Z và Gen Alpha

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những sự khác biệt của các thế hệ (Generation) như Baby Boomers, Gen X, Gen Y, Gen Z và Gen Alpha.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Philip Kotler và đồng nghiệp, hiện có 5 thế hệ hay còn được gọi tắt là Gen mà người làm Marketing cần nghiên cứu và tìm hiểu đó là Gen X, Gen Y, Gen Z, Gen Alpha và Baby Boomers.

  • Baby Boomers – được sinh ra từ năm 1946 đến 1964.
  • Gen X – sinh năm từ 1965 đến 1980.
  • Gen Y – những người được sinh ra từ giữa những năm 1981 và 1996.
  • Gen Z – những người sinh giữa những năm 1997 và 2009.
  • Gen Alpha – bao gồm những người sinh từ năm 2010 đến 2025.

Dưới đây là những insights thú vị từ các thế hệ Baby Boomers, Gen X, Gen Y, Gen Z và Gen Alpha.

Thế hệ gen X, Y, Z, Alpha có gì khác nhau?

Thế hệ Gen X Gen Y (Millennials) Gen Z Gen Alpha
Thời gian 1965 – 1980 1981 – 1996 1997 – 2012 2013 – 2025
Sự kiện lịch sử Bùng nổ dân số sau Thế chiến II, Chiến tranh Lạnh, Sự sụp đổ của tường Berlin Sự sụp đổ của Liên Xô, Sự phát triển của internet Sự phát triển của công nghệ, Mạng xã hội, Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thực tế ảo, Đại dịch COVID-19
Tiếp cận thông tin Truyền thông truyền thống (TV, báo giấy) Internet, truyền thông kỹ thuật số Truyền thông kỹ thuật số, nền tảng trực tuyến Truyền thông kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo
Giao tiếp Điện thoại cố định, thư từ Email, tin nhắn văn bản Tin nhắn, video call, mạng xã hội Ứng dụng nhắn tin, video call, trí tuệ nhân tạo
Quan niệm xã hội Làm việc với sự ổn định, tận hưởng thành quả cá nhân Đa dạng, công việc có ý nghĩa, sống cân bằng Thể hiện cá tính bản thân rõ ràng, quan tâm đến cộng đồng, hành động tích cực Môi trường đa văn hóa, quan tâm đến tương lai, kỹ năng kỹ thuật số
Giáo dục Truyền thống, hướng nghiệp truyền thống Đại học, học trực tuyến, tự học Học trực tuyến, học theo yêu cầu, trải nghiệm thực tế Học trực tuyến, trải nghiệm tương tác, trí tuệ nhân tạo
Tư duy Đóng cửa, tập trung vào công việc, sự riêng tư Đa nhiệm, linh hoạt, sáng tạo Đa nhiệm, súc tích, khả năng tự học Đa nhiệm, sử dụng công nghệ, tư duy sáng tạo, tò mò về thế giới

Lưu ý: Đây chỉ là một số điểm khác nhau chung và có thể có sự chồng chéo giữa các thế hệ. Sự khác biệt cụ thể cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào các cá nhân trong từng thế hệ.

Các thế hệ Gen X, Y, Z hay Alpha đã chứng kiến những cuộc cách mạng công nghệ và xã hội đáng kinh ngạc trong thế kỷ 21. Từ Gen X, người đã trải qua sự thay đổi từ thế giới analog sang kỷ nguyên số, đến Gen Y (hay còn gọi là Millennials), những người đã trở thành những nhà lãnh đạo kỹ thuật số và đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội.

Hay Gen Z, thế hệ trẻ đã trở thành những người tiêu dùng thông minh, sáng tạo và đam mê công nghệ. Họ đã chứng kiến sự bùng nổ của di động, mạng xã hội và truyền thông kỹ thuật số, tạo ra một thế giới kết nối liên tục và thông tin nhanh chóng. Mới đây nhất là gen Alpha, thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trong một thế giới hoàn toàn số hóa. Đây là những đứa trẻ thông minh, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng với công nghệ. Với sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, Gen Alpha đặt ra một tiềm năng tuyệt vời cho tương lai với những cơ hội và thách thức mà trước đây không ai có thể tưởng tượng được.

Mỗi thế hệ Gen mang đến những đóng góp độc đáo và tạo ra những thay đổi to lớn trong xã hội và kinh tế. Từ việc thay đổi cách thức làm việc, giao tiếp, mua sắm và giải trí, các thế hệ Gen đã thúc đẩy sự tiến bộ và sáng tạo trong nhiều lĩnh vực.

1. Baby Boomers.

Thế hệ hay Gen đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu đó là Baby Boomers, vậy Baby Boomers là Gen gì và họ có gì đặc biệt.

Theo thứ tự Baby Boomers, Gen X, Gen Y, Gen Z và Gen Alpha, Baby Boomers là những người lớn tuổi nhất, họ được sinh ra từ năm 1946 đến 1964.

Thuật ngữ baby boom liên quan đến tỷ lệ sinh đẻ cao ở Mỹ – và nhiều nơi khác trên thế giới – được theo sau bởi sự kết thúc của thế chiến 2 (World War II).

Với nền kinh tế và an ninh hậu chiến tranh, nhiều cặp đôi đã quyết định có em bé, những người đã trở thành thị trường mục tiêu trọng yếu cho những người làm marketing hiện tại.

Những người đầu tiên của thế hệ, họ là những thanh thiếu niên vào những năm 1960, được nuôi dưỡng trong những gia đình tương đối sung túc.

Tuy nhiên, tuổi thanh xuân của họ đã được trải qua dưới những căng thẳng của các vấn đề chính trị xã hội trong suốt cả thập kỷ. Kết quả là, họ thường liên quan với các phong trào phản văn hoá tại Mỹ và những quốc gia phương Tây khác.

Nhiều khái niệm không chính thống như hoạt động xã hội (social activism), chủ nghĩa môi trường (environmentalism), và lối sống hyppie (hippie lifestyle) cũng đã được nổi lên trong thời kì này. Phong trào phản văn hoá đã được khuếch đại hơn nữa bởi sự nổi lên của Tivi và quảng cáo cũng như làn sóng Hollywood mới.

Không giống như những người sinh ra trong thời kì đầu của thế hệ (early Boomers), những người được sinh ra cuối cùng trong thế hệ (late Boomers) – còn được biết đến là Gen Jones (Generation Jones) – phải sống trong một thời kì kiệt quệ của nền kinh tế.

Có bố mẹ đang trong độ tuổi làm việc, họ đã sống một cách độc lập và làm việc chăm chỉ hơn trong những sự nghiệp đầu đời của họ. Thế hệ phụ trong Baby Boomers này chính là tiền thân của Gen X – Họ có nhiều đặc điểm tính cách tương đồng với nhau.

Bởi vì quy mô tuyệt đối của nó và sự bùng nổ của nền kinh tế hậu chiến tranh của Mỹ trong quá trình họ được nuôi dạy, Baby Boomers đã trở thành một trong những nguồn lực kinh tế trọng yếu.

Trong nhiều thập kỷ, Baby Boomers là mục tiêu của các Marketer trước khi Gen Y đông hơn họ. Ngày nay, khi họ được sống trong một môi trường khoẻ mạnh hơn và sống lâu hơn, nhiều Baby Boomers đã trì hoãn quá trình nghỉ hưu và tiếp tục mở rộng sự nghiệp của họ đến năm ngoài 65 tuổi.

Hiện vẫn giữ các vai trò điều hành trong các tổ chức, Baby Boomers thường bị chỉ trích bởi những thế hệ trẻ hơn do sự thiếu thiện chí trong việc thích nghi những công nghệ mới và phá vỡ những sự khôn ngoan trong kinh doanh.

2. Gen X là thế hệ thứ 2 Sau Baby Boomers, trước Gen Y, Gen Z và Gen Alpha.

Gen X là một nhóm nhân khẩu học của những người sinh năm từ 1965 đến 1980, vậy Gen X là Gen gì?

Bị lu mờ và kẹp giữa bởi tính đại chúng của Baby Boomers và Gen Y, Gen X đã rơi khỏi tầm ngắm của những người làm marketing và do đó họ được mệnh danh là “đứa trẻ ở giữa bị quên lãng”.

Nhóm Gen X trải nghiệm những sóng gió kinh tế của những năm 1970 và sự bất ổn của năm 1980 trong suốt tuổi thơ và tuổi thanh xuân của họ nhưng lại gia nhập lực lượng lao động trong một vị thế kinh tế tốt hơn.

Họ liên quan mật thiết với khái niệm “bạn bè và gia đình”. Lớn lên trong những gia đình ly hôn hoặc hai nguồn thu nhập, những đứa trẻ Gen X sử dụng ít thời gian hơn với gia đình của họ và tương tác nhiều hơn với bạn bè.

Mối quan hệ đồng lứa mạnh mẽ trong Gen X đã tăng lên thành chân dung tình bằng hữu trong các chương trình truyền hình ăn khách của những năm 1990, chẳng hạn như Beverly Hills 90210 và Friends.

Là nhóm những đứa trẻ ở giữa (middle-child cohort), Gen X trải nghiệm những sự chuyển đổi công nghệ trọng yếu, điều đã khiến họ có khả năng thích nghi tốt hơn. Trong thời niên thiếu của họ, Gen X đã lớn lên cùng với việc xem các video âm nhạc trên kênh MTV và nghe nhạc từ thiết bị Walkman của họ.

Khi trưởng thành hơn, họ trải nghiệm cách sử dụng CDs và MP3s cũng như các dịch vụ phát audio để nghe nhạc. Họ chứng kiến sự tăng lên và thoái trào của dịch vụ cho thuê DVD và chuyển đổi đến việc phát trực tuyến video.

Điều quan trọng nhất, sự gia nhập của họ vào lực lượng lao động đã được đánh dấu bằng sự tăng trưởng của internet – khiến họ trở thành những người thích nghi sớm nhất của sự kết nối.

Cho dù bị bỏ qua bởi hầu hết những người làm marketing, Gen X đã trở thành một trong những thế hệ có sức ảnh hưởng nhất trong nguồn lực lao động ngày nay.

Với trung bình 20 năm kinh nghiệm làm việc, đạo đức công việc tốt, Gen X đã giữ hầu hết các vai trò lãnh đạo trong doanh nghiệp.

Vốn cảm thấy rất khó khăn trong việc dịch chuyển nấc thang doanh nghiệp khi Baby Boomers nới rộng quá trình nghỉ hưu của họ, nhiều người Gen X đã rời bỏ ông chủ của họ vào những năm 40 tuổi để bắt đầu sự nghiệp riêng, và họ đã trở thành những doanh nhân thành công.

3. Gen Y.

gen y hay thế hệ y
Gen Y là Gen gì?

Là thế hệ thứ 3 sau Baby Boomers và Gen X, Gen Y là những người được sinh ra từ giữa những năm 1981 và 1996 – đã trở thành nhóm được bàn tán nhiều nhất trong một vài thập kỷ.

Đến độ tuổi trong một thiên niên kỷ mới (new milllennium), họ còn được biết đến với tên gọi rất thông dụng, Millennials.

Được sinh ra trong một thời kỳ bùng nổ dân số khác, hầu hết Gen Y là con cái của Baby Boomers.

Đó là lý do tại sao họ còn được biết đến với một cái tên khác nữa là thế hệ Echo Boomer. Nói chung, họ được giáo dục tốt hơn và đa dạng hơn về văn hoá so với các thế hệ cha anh.

Họ còn là thế hệ đầu tiên kết nối với cách sử dụng của các phương tiện truyền thông mạng xã hội (social media).

Không giống như Gen X, những người đầu tiên sử dụng internet tại nơi làm việc với các mục đích chuyên nghiệp cho doanh nghiệp, Gen Y đã học về internet ở một độ tuổi trẻ hơn nhiều. Do đó, ban đầu, Gen Y chủ yếu tận dụng các phương tiện truyền thông mạng xã hội và các công nghệ liên quan đến internet khác cho mục tiêu cá nhân.

Trên phương tiện truyền thông mạng xã hội, họ rất cởi mở để thể hiện bản thân họ và thường xuyên so sánh họ với các bạn đồng trang lứa của mình. Họ cảm thấy cần thiết để nhận được sự ủng hộ và chấp thuận từ những người này.

Kết quả tất yếu, họ bị ảnh hưởng một cách nặng nề bởi những gì mà những người bạn đồng trang lứa của họ đang nói và mua.

Họ tin tưởng những người này hơn cả những thương hiệu lâu đời. Gen Y nghiên cứu và mua hàng trực tuyến rất nhiều, chủ yếu trên thiết bị di động của họ.

Nhưng họ không mua những sản phẩm như cách các thế hệ cũ thường làm, vì họ thích sự trải nghiệm hơn là sở hữu. Họ không tập trung vào việc tích luỹ tài sản và sự giàu có, thay vào đó, họ sưu tầm những câu chuyện và gia vị của cuộc sống.

Vì họ được giáo dục cao hơn, đa dạng hơn, và tiếp xúc với nhiều thứ hơn, Gen Y thường cởi mở và duy tâm hơn.

Gen Y đặt câu hỏi cho tất cả mọi thứ, điều đã khiến họ dễ bị xung đột hơn với những thế hệ cũ tại nơi làm việc, những người vốn kỳ vọng họ sẽ luôn tuân theo những chuẩn mực cũ.

Giống như cha mẹ Baby Boomers của họ, Gen Y hay Millennials thường được phân loại thành 2 thế hệ phụ (sub-generation).

Những Gen Y đầu đời – những người được sinh ra từ những năm 1980 – gia nhập lượng lượng lao động trong khoảng thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 với nhiều hậu quả nghiêm trọng, và từ đó họ phải tồn tại trong một thị trường việc làm đầy khó khăn.

Một vài người trong số họ phải kết thúc sự nghiệp xây dựng doanh nghiệp riêng. Bởi vì những kinh nghiệm làm việc rất cạnh tranh, họ có xu hướng tách biệt rõ ràng giữa cuộc sống cá nhân và công việc.

Những Gen Y trẻ hơn – được sinh ra trong những năm 1990 – lại ở một khía cạnh khác, họ được trải nghiệm một thị trường việc làm thuận lợi hơn.

Họ có xu hướng hoà trộn giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Nói một cách khác, họ chỉ muốn những việc làm mà họ thích – công việc sẽ được hoàn thành.

Thế hệ phụ đầu đời là một “thế hệ cầu nối” bởi vì họ học để thích nghi được với cả thế giới số lẫn thế giới thực tại – giống như Gen X trước đó.

Tuy nhiên, thế hệ phụ trẻ hơn, lại giống với Gen Z nhiều hơn. Bởi vì họ đã thích nghi internet ở một độ tuổi rất trẻ, họ xem thế giới số như là một sự mở rộng liền mạch của thế giới thực tại.

4. Gen Z là thế hệ cận hiện đại nhất sau Baby Boomers, Gen X và Gen Y.

gen x gen y gen z
Tìm hiểu về các thế hệ Baby Boomers, Gen X, Gen Y, Gen Z và Gen Alpha

Là một trong những thế hệ năng động nhất với thế giới internet, Gen Z được kỳ vọng là thế hệ của tương lai với nhiều sự thay đổi.

Vậy Gen Z hay Thế hệ Z (generation z) là gì?

Những người làm marketing hiện đang tập trung mọi sự chú ý tới Gen Z. Những người con của Gen X, Gen Z – còn được biết đến với tên gọi Centen-nials – là một nhóm người sinh giữa những năm 1997 và 2009.

Nhiều Gen Z đã chứng kiến những sự khó khăn về tài chính của bố mẹ và những người anh chị em ruột của họ, và từ đó họ có ý thức về tài chính tốt hơn Gen Y.

Họ có xu hướng tiết kiệm tiền và xem sự ổn định về kinh tế là một yếu tố thiết yếu trong sự lựa chọn nghề nghiệp của họ.

Được sinh ra khi internet đã thực sự phát triển, họ được xem là những người bản địa số đầu tiên của nhân loại.

Không có trải nghiệm của cuộc sống nếu thiếu internet, họ xem các công nghệ kỹ thuật số là một phần không thể thay thế trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Họ luôn luôn kết nối internet thông qua các thiết bị số của họ để học tập, cập nhật tin tức, mua sắm, và cả kết nối với mọi người.

Họ tiêu thụ nội dung liên tục thông qua nhiều màn hình, ngay cả khi họ đang trong quá trình giao tiếp với những người khác. Kết quả tất yếu, họ hầu như không có biên giới giữa thế giới online và offline.

Được trao quyền bởi các phương tiện truyền thông mạng xã hội, Gen Z lưu lại cuộc sống hàng ngày của họ trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội dưới hình thức là ảnh và video. Nhưng không giống như Gen Y, những người theo chủ nghĩa duy tâm, Gen Z khá thực dụng.

Trái ngược với Gen Y, những người thích đăng tải những hình ảnh tươm tất và chuyên nghiệp của họ như là cách để thể hiện thương hiệu cá nhân, Gen Z thích đăng những hình ảnh bình dị và miêu tả chân thực chính bản thân họ.

Từ đó, Gen Z ghét những thương hiệu truyền tải những hình ảnh được tô điểm quá nhiều và không đúng với sự thật.

Bởi vì thiện chí để chia sẻ các thông tin cá nhân đối với Gen Z là cao hơn so với các thế hệ khác, họ muốn các thương hiệu cũng có thể truyền tải những nội dung, khuyến mãi, và trải nghiệm khách hàng được cá nhân hoá hơn.

Họ cũng kỳ vọng các thương hiệu có thể cung cấp cho họ những khả năng để kiểm soát và tuỳ chỉnh cách họ tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ.

Bởi vì dung lượng tuyệt đối của những nội dung đang nhắm mục tiêu tới họ, Gen Z thực sự coi trọng sự tiện lợi của việc cá nhân hoá và các tuỳ chỉnh.

Cũng như Gen Y, Gen Z quan tâm nhiều đến sự thay đổi của xã hội và sự bền vững của môi trường. Bởi vì chủ nghĩa thực dụng của họ, Gen Z tự tin hơn trong vai trò của họ để thúc đẩy sự thay đổi thông qua các quyết định hàng ngày của họ.

Họ ưa thích các thương hiệu tập trung mạnh mẽ vào việc giải quyết các vấn đề về môi trường và xã hội. Họ tin tưởng rằng sự lựa chọn thương hiệu của họ buộc các doanh nghiệp phải cải thiện các hoạt động nhằm hướng tới sự bền vững.

Gen Z cũng thích việc tạo ra sự khác biệt thông qua các hoạt động tình nguyện và kỳ vọng các ông chủ của họ cung cấp các nền tảng cần thiết để điều đó được xảy ra.

Gen Z tìm kiếm sự gắn bó lâu dài thông qua các mối quan hệ với thương hiệu. Họ kỳ vọng các thương hiệu cũng tạo ra được sự kích thích giống như các thiết bị trò chơi và điện thoại di động của họ.

Do đó, họ hy vọng các doanh nghiệp luôn luôn làm mới các đề xuất hay chương trình của chính họ. Họ muốn các doanh nghiệp cung cấp những trải nghiệm khách hàng đầy sức hút mới tại tất cả các điểm chạm trong hành trình khách hàng.

Các doanh nghiệp thất bại trong việc đáp ứng những sự kỳ vọng này của họ thường nhận được một kết quả tất yếu là sự trung thành thương hiệu thấp. Các doanh nghiệp nhắm mục tiêu đến Gen Z phải đối phó được với các chu kì sống của sản phẩm bị rút ngắn này.

Ngày nay, Gen Z đã đông hơn Gen Y và trở thành thế hệ đông nhất toàn cầu. Tới năm 2025, họ sẽ là lực lượng lao động chính và do vậy họ trở thành thị trường trọng yếu cho các sản phẩm và dịch vụ.

Sau khi tìm hiểu cụ thể về Gen Z, một câu hỏi được nhiều người đặt ra là “sau gen z là gen gì“, câu trả lời đó chính là Gen Alpha, bên dưới là những gì bạn cần hiểu về Gen Alpha.

5. Gen Alpha.

Gen Alpha bao gồm những người sinh từ năm 2010 đến 2025, điều này khiến họ trở thành những đứa con đầu đời của thế kỷ 21.

Được đặt ra bởi Mark McCrindle, tên chữ cái được đặt theo tiếng Hy Lạp biểu thị một thế hệ mới hoàn toàn, thế hệ được định hình bởi sự hội tụ của các yếu tố công nghệ.

Họ không chỉ là những người bản địa số (digital natives), mà còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hành vi số (digital behaviors) của bố mẹ của họ (Gen Y) và anh chị của họ (Gen Z). Như một điều phù hợp, sự ra mắt của chiếc iPad đầu tiên – thiết bị mà hầu hết những đứa trẻ đều bị dính vào – đánh dấu sự nổi lên của thế hệ này vào năm 2010.

Tính cách của Gen Alpha bị định hình và ảnh hưởng rất nhiều bởi phong cách nuôi dưỡng của bố mẹ Gen Y của họ. Kết hôn ở một độ tuổi lớn hơn, Gen Y rất quan tâm đến việc nuôi dưỡng và giáo dục của con cái.

Họ còn dạy con cái của họ về tiền bạc và tài chính từ rất sớm. Thêm vào đó, họ đã phát triển con cái của họ trong một môi trường đô thị rất đa dạng và thay đổi nhanh.

Từ đó, Gen Alpha không chỉ được giáo dục tốt và thuần thục về công nghệ mà còn toàn diện và mang đậm yếu tố xã hội.

Được nuôi nấng bởi Gen Y và ảnh hưởng bởi Gen Z, Gen Alpha đã tiêu thụ nội dung trên các thiết bị di động từ thời con thơ bé. Sử dụng thời gian trên màn hình nhiều hơn tương đối so với các thế hệ trước đó.

Gen Alpha xem video trực tuyến và chơi game trên các thiết bị di động hàng ngày. Một vài người trong số họ còn có kênh YouTube và tài khoản Instagram riêng – được xây dựng và quản lý bởi bố mẹ của họ.

Gen Alpha khá cởi mở với các nội dung có thương hiệu (branded content), chẳng hạn như các kênh đánh giá sản phẩm trên YouTube. Phong cách học tập của họ mang đậm yếu tố thực hành và thử nghiệm.

Họ rất thoải mái khi vui chơi với các đồ công nghệ, các thiết bị thông minh, và các đồ vật có thể đeo được.

Họ xem công nghệ không chỉ là một phần liên đới của cuộc sống của họ mà còn là sự mở rộng của chính bản thân họ.

Gen Alpha sẽ tiếp tục lớn lên, thích nghi và sử dụng các công nghệ bắt chước con người chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, điều khiển bằng giọng nói, và cả robots.

Ngày nay, Gen Alpha chưa có được động lực chi tiêu mạnh mẽ, nhưng họ có một sự ảnh hưởng lớn trên cách chi tiêu của những người khác.

Nghiên cứu của Google tiết lộ rằng 74% bố mẹ Gen Y coi trọng ý kiến của những đứa con Gen Alpha trong các quyết định mua hàng trong gia đình.

Thêm vào đó, một vài đứa con của Gen Y cũng đã trở thành những người có ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội (social media influencers), những người đóng vai trò là hình mẫu cho những đứa trẻ khác.

Theo một báo cáo của Wunderman Thompson Commerce cho thấy rằng 55% những đứa trẻ tại Mỹ và Vương Quốc Anh thích mua sắm những thứ mà những người có ảnh hưởng của họ sử dụng. Từ đây, chỉ còn là vấn đề thời gian để họ trở thành trọng tâm của những người làm marketing toàn cầu.

Ver2Solution
Tư duy đúng, giá trị thật

Continue Reading

Social

Threads không còn chỉ là ‘vũ trụ Gen Z’: Tỷ lệ người dùng Gen Y tăng vọt, các thương hiệu đứng trước cơ hội mới

Published

on

Theo số liệu mới được công bố, mạng xã hội Threads đang phát triển vượt bậc tại Việt Nam, nhanh chóng mở rộng tệp người dùng vượt ra ngoài đối tượng Gen Z.

Threads không còn chỉ là 'vũ trụ Gen Z': Tỷ lệ người dùng Gen Y tăng vọt, các thương hiệu đứng trước cơ hội mới

Công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab vừa phát hành báo cáo định kỳ “The Connected Consumer” cho quý II/2024, phản ánh các xu hướng tiêu dùng số mới nhất. Số liệu trong quý vừa qua ghi nhận những chuyển dịch đáng kể trong thói quen sử dụng các nền tảng mạng xã hội của người Việt.

Theo đó, mạng xã hội Threads của Meta, ra mắt hồi tháng 7/2023, đang cho thấy tốc độ phát triển vượt bậc tại thị trường Việt Nam. Báo cáo quý II/2024 chỉ ra rằng Threads đang nhanh chóng mở rộng tệp người dùng của mình vượt ra ngoài đối tượng Gen Z (sinh từ năm 1997 – 2012), khi Gen Y (sinh từ năm 1981 – 1996) ngày càng tăng cường sử dụng nền tảng này.

Cụ thể, trong quý II vừa qua, tỷ lệ người dùng Threads tại Việt Nam đạt 10%, tăng 5 điểm phần trăm so với quý trước. Sự tăng trưởng đến từ việc nền tảng này đang được đón nhận tích cực bởi nhiều nhóm tuổi: Gen Z tăng 6% tỷ lệ sử dụng, Gen Y có mức tăng ấn tượng 7%.

Decision Lab nhận định mức tăng trưởng đáng kể ở Gen Y cho thấy Threads đã vươn ra khỏi phạm vi người dùng chủ chốt là Gen Z và đang dần chinh phục các nhóm đối tượng khác.

Nhìn từ quý 3/2023 đến nay, có thể thấy tỷ lệ người dùng Threads tại Việt Nam liên tục tăng, đặc biệt với Gen Y và Gen Z. Đối với Gen X (sinh từ năm 1965 – 1980), tỷ lệ chỉ bị chững lại ở mức 4% tại quý 2/2024, không thay đổi so với quý trước đó.

Threads không còn chỉ là 'vũ trụ Gen Z': Tỷ lệ người dùng Gen Y tăng vọt, các thương hiệu đứng trước cơ hội mớiTỷ lệ thâm nhập của Threads liên tục tăng tại Việt Nam.

Gen Z thường đi tiên phong trong việc đón nhận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội mới. Xu hướng này được thể hiện rõ nét trên nhiều ứng dụng như TikTok hay YouTube, nơi thế hệ người dùng trẻ hào hứng khám phá và định hình các trào lưu.

“Sự thâm nhập của Threads tại Việt Nam cũng mang đặc điểm tương tự. Khi Gen Z bắt đầu sáng tạo nội dung, tương tác với các tính năng và chia sẻ tiếng nói của mình trên nền tảng này, họ vô tình tạo nên một làn sóng mới và từ từ thu hút sự chú ý của các thế hệ lớn tuổi hơn.

Bên cạnh đó, sự phát triển của Threads sang Gen Y cũng có thể một phần xuất phát từ bản chất của nền tảng này như một trang mạng xã hội microblogging (viết blog ngắn gọn). Gen Y là những người đầu tiên sử dụng internet và rất quen thuộc với các nền tảng blog trực tuyến. Sự thân thuộc này khiến Threads, với tính chất của một mạng xã hội dựa trên văn bản, trở nên dễ tiếp cận hơn với họ”, Decision Lab phân tích.

Cũng theo công ty nghiên cứu thị trường này, việc Threads tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng sẽ mang đến cơ hội lớn cho các thương hiệu và nhà tiếp thị trong việc kết nối với người tiêu dùng trên không gian số. Tuy nhiên, tính bền vững lâu dài của đà tăng trưởng này vẫn cần thời gian để kiểm chứng.

Trong bối cảnh các nền tảng khác đang liên tục đổi mới để giữ chân người dùng, Threads cần tiếp tục phát triển các tính năng và dịch vụ để tạo thêm động lực và duy trì tiến độ phát triển.

Khả năng thích ứng với sự thay đổi trong sở thích của người dùng, giải quyết các thách thức tiềm ẩn và tạo sự khác biệt so với đối thủ sẽ là những yếu tố then chốt quyết định thành công trong tương lai của Threads trên thị trường mạng xã hội của Việt Nam.

Continue Reading

Social

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội học

Published

on

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội học

1 phẫn nộ bằng 5 lượt thích, Facebook rất thích bạn phẫn nộ.

Những ngày này trên Facebook, thi thoảng, chúng ta lại thấy một làn sóng những người đổ dồn vào trang cá nhân của ai đó. Họ thả icon “phẫn nộ” trên tất cả các dòng trạng thái, các tấm ảnh và cả nội dung của người khác nhưng chủ nhân trang đó được gắn thẻ.

Nhân vật nổi tiếng thì bị kêu gọi tẩy chay. Những người không nổi tiếng thì bị lên án. Nhưng câu chuyện của họ đều được “viral” (lan truyền) trên tất cả các hội nhóm, nhảy sang cả nền tảng mạng xã hội khác và xuất hiện trên mặt báo.

Sức mạnh của những làn sóng phẫn nộ này là thứ không thể bị xem thường. Quay trở lại 10 năm trước, không ai có thể tưởng tượng được Facebook sẽ trở thành một miền đất như vậy.

Bởi thế, nhiều người đã vô tư phát ngôn mọi thứ, từ góc nhìn cá nhân cho tới quan điểm chính trị, không biết rằng 10 năm sau, chính những phát ngôn này sẽ bị lục lại và biến họ trở thành nạn nhân của những làn sóng phẫn nộ.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội họcẢnh minh họa.

Nhìn vào lịch sử của Facebook, icon “phẫn nộ” chỉ được Facebook giới thiệu từ năm 2015, bên cạnh nút “thích” vốn đã tồn tại từ năm 2010, và các biểu tượng cảm xúc mới khác là “trái tim”, “haha”, “wow”, “buồn” và “yay”.

“Yay” sau này bị khai tử vì nó là tiếng lóng của “cacaine”. Facebook đã thử nghiệm một số biểu tượng cảm xúc mới khác trước khi thay thế nó bằng “thương thương”, hình một icon ôm trái tim nhỏ.

Ra mắt vào năm 2020, đúng mùa dịch COVID-19, icon “thương thương” đã tạo nên một cơn sốt vì sự đáng yêu của nó. Người người, nhà nhà mong chờ bản cập nhật mới, để có thể thả “thương thương”, để có thể trao đi những cái ôm online trong mùa dịch.

Nhưng thời gian cuối cùng đã chứng minh, sức hút của những cái ôm yêu thương chỉ là nhất thời. Thay vào đó, “phẫn nộ” mới là biểu tượng trường tồn nhất của Facebook, đằng sau nút “thích” của họ.

Bởi như một định lý trên mạng xã hội, mọi người sẽ không bao giờ ngừng phẫn nộ.

Điều gì khiến chúng ta phẫn nộ?

Có một sự thật là không phải chờ đến năm 2016, khi Facebook giới thiệu biểu tượng cảm xúc mới trên nền tảng của họ, loài người mới biết phẫn nộ.

Các nhà tâm lý học định nghĩa “phẫn nộ” là một sự tức giận dữ hội không thể kiểm soát. Và họ cho rằng cảm xúc này xuất phát từ một khái niệm chuyên môn gọi là “ác cảm với bất công”.

Đúng vậy, loài người chúng ta phẫn nộ khi nhìn thấy sự bất công và chúng ta bắt đầu nhận biết được thứ gì đó là bất công ngay từ năm 3 tuổi.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội họcCảm xúc “phẫn nộ” được Facebook giới thiệu từ năm 2015,

Hiểu một cách đơn giản, bất công xảy ra khi bạn đầu tư cùng một lượng công sức so với người khác, nhưng lại nhận được ít phần thưởng hơn người đó. Hoặc khi các phần thưởng trả về cho tỷ lệ cống hiến của mỗi người không tương xứng với công sức mà họ bỏ ra.

Hai người tiền sử cùng đi săn một đàn hươu nhưng một người lại nhận được nhiều thịt hươu hơn. Hai đứa trẻ cùng học một lớp nhưng một đứa trẻ lại nhận được nhiều kẹo hơn. Hai nghệ sĩ có tài năng nhưng người có thái độ xấu hơn cuối cùng lại nổi tiếng hơn…

Đó là những ví dụ cho những sự bất công tồn tại từ thời tiền sử cho tới tận bây giờ. Nhưng các nhà tâm lý học cho rằng “ác cảm với bất công” còn có tuổi đời lâu hơn thế. Cụ thể, các thí nghiệm trên khỉ, chó và chim cho thấy những loài động vật này cũng biết phẫn nộ.

Frans de Waal, nhà linh trưởng học người Mỹ gốc Hà Lan từng giới thiệu một thí nghiệm kinh điển chứng minh cho dạng thức đơn giản nhất của sự phẫn nộ trên động vật. Trong thí nghiệm này, ông bắt 2 con khỉ làm cùng một nhiệm vụ, bỏ cùng một mức độ công sức và rồi thưởng cho chúng cùng một phần thưởng – mỗi con được một miếng dưa chuột.

Mọi thứ đến đây đều tuyệt vời. Những con khỉ sẽ ngấu nghiến miếng dưa mà chúng nhận được. Nhưng sau đó, De Waal cố tình thay đổi cách trao thưởng. Vẫn những nhiệm vụ đó, nhưng bây giờ, một con khỉ được thưởng một quả nho – ngọt hơn nhiều – còn con khỉ còn lại vẫn nhận được dưa chuột.

De Waal đề xuất rằng tính ác cảm với bất công nảy sinh ở con người và các loài động vật để củng cố sự hợp tác trong xã hội. Tất cả các xã hội dù là động vật hay con người, dù là tiền sử hay hiện đại đều hoạt động dựa trên sự hợp tác. Và nền tảng của sự hợp tác là mọi người phải nhận được phần thưởng công bằng.

Nếu hợp đồng công bằng đó trong xã hội bị phá vỡ, sự bất công sẽ bị đáp trả bằng một hình phạt để ngăn chặn sự sụp đổ của khế ước cơ bản giữ cho xã hội đó tồn tại – đó là sự công bằng.

Do đó, bất cứ ai gây ra sự bất công đều sẽ phải bị trừng phạt. Và người ta thậm chí còn trừng phạt cả những người đã gây ra bất công cho người khác, dù họ không phải là nạn nhân.

Các nhà thần kinh học đã tìm thấy một vùng trong não bạn có thể bị kích hoạt để nhận diện sự bất công và phản ứng với nó. Đảo não trước và hạch hạnh nhân, vùng xử lý những cảm xúc phức tạp của con người, sẽ sáng lên dưới máy cộng hưởng từ khi bạn nhìn thấy một sự bất công.

Những mạch cảm xúc này trong não bộ sẽ được kích hoạt ngay tức thì khi bạn đọc được một câu chuyện hàm chứa sự bất công trên Facebook. Và bạn sẽ chiến đấu vì sự bất công đó, bằng cách trừng phạt người tạo ra bất công, đầu tiên chính là bằng icon “phẫn nộ”.

1 phẫn nộ bằng 5 lượt thích: Facebook rất thích bạn phẫn nộ

Quay trở lại thời điểm năm 2015, khi Facebook giới thiệu bộ biểu tượng cảm xúc mới của mình, họ đã không làm điều đó một cách ngẫu nhiên. Ý tưởng phải thay thế nút “thích”- được cho là đã quá già cỗi và nhàm chán trên nền tảng – đã được Chris Cox, giám đốc sản phẩm của họ, nhen nhóm.

Thời điểm đó, hơn 1 tỷ người dùng Facebook đang nhấn vào nút “thích” trung bình 6 tỷ lượt mỗi ngày – nhiều hơn cả số lượt tìm kiếm trên Google được thực hiện trong vòng 24 giờ.

Nút “thích” vẫn là trái tim của Facebook, nó quyết định đến thuật toán, doanh số và hàng nghìn tỷ USD mỗi quý đổ về công ty. Nút “thích” là biểu tượng của nền văn minh Facebook mà nếu ai đó nói nền tảng xã hội này là một quốc gia lớn nhất hành tinh, quốc kỳ của nó hẳn phải là nút “thích.

Sự thật là Facebook đã cho dựng một biểu tượng nút “thích” khổng lồ ngay ngoài lối vào trụ sở của mình tại Menlo Park, California.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội họcNếu ai đó nói Facebook là một quốc gia lớn nhất hành tinh, quốc kỳ của nó hẳn phải là nút “thích.

Cox là người đầu tiên nhận ra thực tế rằng nút “thích” vẫn là một công cụ quá thô sơ và vụng về trên Facebook. Khi một người dùng đăng một bài viết, tấm ảnh hay ghi chú nào đó, những người khác chỉ có thể lựa chọn “thích” hoặc bỏ qua không thích bài viết.

Nhưng khao khát thể hiện cảm xúc của người dùng mạng xã hội vượt ra ngoài hai lựa chọn đó. Và thế là Cox đã tổ chức một cuộc họp với 6 giám đốc điều hành của Facebook ở Four Seasons Silicon Valley, cách trụ sở chính 10 phút lái xe và nói rằng họ phải cải tiến nút “thích”.

Cuộc cách mạng được ví như Coca-Cola cải tiến công thức bí mật của mình. Và khi Mark Zuckerberg nhận được báo cáo về cuộc họp, anh ấy đã nói với Cox đại loại: “Được cứ làm đi”, và “Chúc may mắn, Cox”.

Để cải tiến nút “thích”, Chris Cox đã tập hợp một nhóm các nhà tâm lý học và xã hội học hàn lâm để quét qua toàn bộ các cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của con người. Một trong số đó có cả sự tham gia của giáo sư tâm lý học Dacher Keltner đến từ Đại học California, người từng làm cố vấn cho bộ phim “Inside Out” của Pixar.

Keltner và các cộng sự của ông đã liệt kê ra tổng cộng 25 cung bậc cảm xúc tất cả của con người – từ sự sung sướng tột độ, cảm giác sợ hãi, sự tự tin, xấu hổ, cảm giác trung tính cho đến một cái thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng vì sự giới hạn của nền tảng, Cox biết mình không thể nhé toàn bộ 25 icon bên cạnh nút “thích” được. Thế là những cuộc bỏ phiếu liên miên trong nội bộ Facebook và tổ tư vấn xã hội của họ đã được thực hiện. Danh sách dần dần được rút xuống chỉ còn 6 biểu tượng: “trái tim”, “haha”, “yay”, “wow”, “buồn” và “phẫn nộ”.

Ý tưởng được Mark Zuckerberg thông qua và Facebook chính thức ra mắt bản cập nhật 6 biểu tượng cảm xúc nào vào năm 2015.

Mark Zuckerberg và Chris Cox, người đã thêm nút “phẫn nộ” vào Facebook.

Tại thời điểm đó, các biểu tượng đã tạo ra một cơn địa chấn trên nền tảng. Kể từ bây giờ, người dùng Facebook có thể mở rộng lựa chọn tương tác của mình. Họ có thả tim, cười haha, thể hiện sự ngạc nhiên hoặc phẫn nộ với bài đăng của người khác.

Đổi lại, Facebook cũng thu được một kho dữ liệu cảm xúc khổng lồ từ phía người dùng. Họ phân tích số lượt thả cảm xúc của người dùng để đề xuất trang “News Feed” cho họ, mục đích bên ngoài họ nói là để phục vụ người dùng tốt hơn, nhưng mục tiêu ẩn giấu cuối cùng vẫn là giữ chân người dùng trên nền tảng để bán quảng cáo.

Tại đây, các phân tích kỹ thuật cho thấy mỗi lượt thả phẫn nộ có giá trị gấp 5 lần lượt “thích”. Nói cách khác, các bài viết tạo ra phẫn nộ đang giữ chân người dùng Facebook gấp 5 lần. Con số chỉ là 2 lần khi nói đến biểu tượng cảm xúc “trái tim”, thứ mà cố vấn xã hội học Keltner của Facebook từng tự tin rằng nó sẽ phải chiếm trọng số cao nhất.

Sự thật hóa ra không phải vậy, cảm xúc phẫn nộ mới là thứ giữ chân người dùng trên nền tảng lâu hơn và đem về doanh số cao hơn cho công ty. Có thời điểm, chính Mark Zuckerberg cũng công khai khuyến khích người dùng thả phẫn nộ nhiều hơn mỗi khi họ không thích bài đăng nào đó. Dù điều này sẽ khiến các dạng bài tương tự xuất hiện trên bảng tin của họ nhiều hơn.

Khi sự phẫn nộ trên mạng xã hội trở nên mất kiểm soát

Quay trở lại với cảm xúc phẫn nộ của con người. Tâm lý học nói rằng những cơn phẫn nộ được kích hoạt bởi cảm giác đối mặt với bất công, và thêm vào đó là sự bất công “có thể kiểm soát được”.

Nhưng thế nào là sự bất công có thể kiểm soát? Hãy tưởng tượng một người tiền tử đang đi săn linh dương thì cũng bắt gặp một con sư tử cũng đi săn con linh dương đó.

Người tiền sử đã dành cả một ngày trời để đuổi theo con linh dương cho tới khi nó mỏi mệt, chỉ để bị con sư tử vồ lấy, cuỗm mất con mồi ngon lành đáng ra là của người tiền sử.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội họcẢnh minh họa.

Lúc này, anh ấy có phẫn nộ không? Câu trả lời là: Có! Chúng ta nhìn thấy một sự không công bằng rõ ràng ở đây. Nhưng cơn phẫn nộ của anh anh ấy có thể kiểm soát không? Câu trả lời là: Không! Anh ta sẽ không thể làm gì con sư tử, bởi nếu làm gì nó, anh ấy có thể sẽ phải trả giá đắt.

Sự bất công cộng với sợ hãi sẽ không khiến người tiền sử có bất kỳ hành động gì với con sư tử ở ngoài đời thật. Nhưng hãy tưởng tượng nếu anh ta trở về hang động, bật máy tính và viết “status” kể về câu chuyện đi săn ngày hôm nay. Tất cả những người dùng Facebook ở các bộ tộc khác sẽ thả icon “phẫn nộ” và đồng cảm với anh ấy.

Họ sẽ tràn vào tường nhà của con sư tử để thả “phẫn nộ”, lên án nó và tẩy chay nó.

Có thể thấy, mạng xã hội đang cung cấp cho loài người một môi trường trực tuyến rất an toàn để thể hiện sự phẫn nộ của mình. Không ngạc nhiên khi một nghiên cứu trên tạp chí Science Advances kết luận rằng mạng xã hội đang khiến loài người phẫn nộ nhiều hơn bao giờ hết.

Sử dụng phần mềm học máy, các nhà nghiên cứu đã phân tích 12,7 triệu tweet từ 7.331 người dùng Twitter thu thập được trong một số sự kiện gây tranh cãi ngoài đời thực, từ tranh chấp về tội ác thù hận đến xô xát trên máy bay.

Họ đánh giá cách hành vi của người dùng mạng xã hội theo thời gian và kiểm tra xem các thuật toán mạng xã hội thưởng cho người dùng thế nào khi họ thể hiện sự phẫn nộ.

Kết quả cho thấy: “Sự khuếch đại của sự phẫn nộ về mặt đạo đức là hậu quả rõ ràng của mô hình kinh doanh của phương tiện truyền thông xã hội, mô hình này tối ưu hóa cho sự tham gia của người dùng”, đồng tác giả Molly Crockett, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Yale cho biết.

Điều đó có nghĩa là càng có nhiều câu chuyện phẫn nộ trên mạng xã hội thì nó càng giữ chân được người dùng.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội học
Các tài liệu nội bộ của công ty bị lộ cho thấy trong giai đoạn từ năm 2017, Facebook đã chủ động đẩy hàng loạt nội dung phẫn nộ lên bảng tin của người dùng để câu kéo cảm xúc và thời gian sử dụng của họ.

Mặc dù nghiên cứu này tập trung vào Twitter, hiện đã được đổi tên thành X, nhưng nó cũng đúng với Facebook với biểu tượng cảm xúc “phẫn nộ” của nền tảng của mình. Các tài liệu nội bộ của công ty bị lộ cho thấy trong giai đoạn từ năm 2017, Facebook đã chủ động đẩy hàng loạt nội dung phẫn nộ lên bảng tin của người dùng để câu kéo cảm xúc và thời gian sử dụng của họ.

Đến nỗi, Frances Haugen, một nhà khoa học dữ liệu đã đứng giữa Quốc Hội Anh và tuyên bố rằng: “Sự tức giận và thù hận là cách dễ nhất để đưa Facebook phát triển”.

Đối mặt với những áp lực yêu cầu Facebook phải sửa đổi thuật toán, công ty này đã án binh bất động cho tới khi chính họ phát hiện ra rằng việc đề cao sự phẫn nộ đang gây hại cho nền tảng.

Việc Facebook ủng hộ các bài đăng gây phẫn nộ đã khiến hoạt động spam, lạm dụng và clickbait (mồi nhử nhấp chuột) xảy ra tràn lan trên nền tảng. Đến năm 2019, chính những nhà khoa học dữ liệu của công ty xác nhận các bài đăng nhiều lượt phẫn nộ thường có chất lượng thấp, chứa thông tin sai lệch và độc hại.

Do đó, họ đã điều chỉnh lại trọng số của cảm xúc “phẫn nộ” từ 5 về 1 để bảo vệ nền tảng của mình.

Nhưng làn sóng phẫn nộ vẫn không biến mất

Có thể coi việc Facebook giới thiệu biểu tượng cảm xúc “phẫn nộ” giống như một thanh kiếm của Samurai, mà một khi nó đã được rút ra thì sẽ phải nhuốm máu. Nó cũng có thể được coi là một chiếc hộp Pandora, mà một khi đã được mở ra sẽ đem đến rất nhiều tai ương trên nền tảng.

Vốn là một cảm xúc mạnh mẽ, sự phẫn nộ thúc đẩy con người trừng phạt những kẻ vi phạm chuẩn mực đạo đức. Mặc dù phẫn nộ có thể đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự hợp tác và giữ cho các hành vi xấu bị trừng phạt, nó cũng mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực, làm trầm trọng thêm xung đột xã hội và có thể dẫn đến những cuộc chiến đòi công lý dựa trên thông tin sai lệch.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội họcInternet làm gia tăng các vụ việc gây phẫn nộ so với ngoài đời thực và các nền tảng truyền thông khác.

Trước khi Internet xuất hiện, thông tin về các vi phạm chuẩn mực đạo đức thường được lan truyền thông qua lời đồn đại trong các mạng xã hội nhỏ lẻ, nhằm củng cố sự tin tưởng và hợp tác trong cộng đồng.

Tuy nhiên, các nền tảng trực tuyến hiện nay đã thay đổi sâu sắc động lực của việc chia sẻ thông tin. Với sự xuất hiện của các thuật toán tối ưu hóa việc thu hút sự chú ý để tạo ra doanh thu quảng cáo, nội dung gây phẫn nộ dễ dàng được lan truyền rộng rãi tới một số lượng lớn công chúng bất kể lợi ích của người chia sẻ hay thậm chí là độ chính xác của thông tin đó.

Chỉ với một vài cú nhấp chuột, người ta có thể lan truyền sự phẫn nộ của mình đến một lượng lớn người khác, thông qua những câu chuyện cá nhân. Điều này không chỉ dễ dàng mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người chia sẻ, chẳng hạn như tăng cường danh tiếng cá nhân trên mạng hay cảm giác tự hào vì đã góp phần bảo vệ các chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Thế nhưng, việc đơn giản hóa hành vi phẫn nộ trên mạng xã hội có thể làm giảm chính chức năng tiến hóa của sự phẫn nộ ngoài đời thực.

Bởi bây giờ, phẫn nộ chỉ đơn giản là thả một icon trên điện thoại, vào lục tung trang cá nhân của ai đó và chia sẻ các nội dung kích thích “chiến tranh” trên mạng, nó có thể gây chia rẽ cộng đồng và khiến mọi người ít tham gia vào các hoạt động thiết thực hơn.

Chẳng hạn, nhiều người cho rằng mình đã thể hiện sự yêu nước bằng cách tấn công một ai đó trên mạng xã hội, thay vì tham gia các hoạt động thiện nguyện, đóng thuế hay hiến máu.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội họcSự phẫn nộ không đáng có sẽ gây ra hậu quả cho những người có hành vi không thực sự bất công, hoặc thậm chí là nạn nhân của tin giả hoặc thông tin sai lệch.

Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội còn có thể khuyến khích việc thể hiện sự phẫn nộ một cách thường xuyên và mất kiểm soát. Nó tạo ra một hiện tượng gọi là “giảm ngưỡng” cho các hành vi đáng phải nhận sự phẫn nộ.

Một số hành vi của một số người trên mạng xã hội không đáng bị lên án, nhưng bởi phần thưởng tiềm năng mà một số người có thể nhận được là quá lớn, chẳng hạn như củng cố hình ảnh cá nhân của họ trên mạng xã hội, những người này sẽ khuếch đại một số hành vi quá mức tạo ra những cơn “phẫn nộ ảo” và kêu gọi mọi người cùng tham gia vào với mình.

Vòng phản hồi tích cực của mạng xã hội khiến ngưỡng phẫn nộ giảm xuống đến một mức nào đó, nó có thể kích hoạt những sự phẫn nộ không đáng có, gây ra hậu quả không đáng có cho những hành vi không thực sự là bất công, hoặc thậm chí dựa trên tin giả hoặc thông tin sai lệch.

Tóm lại, mặc dù sự phẫn nộ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chuẩn mực xã hội, một khế ước về sự công bằng, chúng ta cũng cần phải nhận thức rõ về những rủi ro mà nó mang lại trong bối cảnh của kỷ nguyên số.

Các nền tảng trực tuyến như Facebook không chỉ khuếch đại các kích thích gây phẫn nộ mà còn thay đổi cách mà chúng ta trải nghiệm và thể hiện cảm xúc này. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn có thể gây ra những hệ lụy rộng lớn đối với toàn xã hội.

Continue Reading

Social

Cách kháng nghị tài khoản facebook bị hạn chế quảng cáo 2023

Published

on

Đối với người chạy quảng cáo Facebook thì tài khoản quảng cáo bị vô hiệu hóa là chuyện thường ngày. Vì thế chúng ta luôn cần chuẩn bị các cách kháng nghị tài khoản facebook để đảm bảo quảng cáo không bị ngắt quãng. 

Bài viết sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về vấn đề khiến tài khoản quảng cáo facebook bị vô hiệu hóa và cách kháng nghị tài khoản quảng cáo facebook khác nhau.

Vì sao tài khoản facebook bị hạn chế quảng cáo?

Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến tài khoản Facebook của bạn bị vô hiệu hóa quảng cáo. 

  • Vi phạm chính sách quảng cáo của Facebook

Facebook không cho phép quảng cáo những sản phẩm liên quan đến vũ khí, thuốc/ thực phẩm chức năng, chất kích thích, chính trị, phân biệt tôn giáo/ chủng tộc… Vì thế nếu bài viết có chứa các nội dung trên, tài khoản của bạn có thể bị Facebook liệt vào “danh sách đen” và bị vô hiệu hóa quảng cáo. 

  • Tài khoản quảng cáo có các hành vi bất thường

Facebook đánh giá việc dùng chung IP với tài khoản khác, chạy quảng cáo không thường xuyên, ngân sách tăng hoặc giảm đột ngột,… là hành vi bất thường. Khi xuất hiện những hành vi này, tài khoản của bạn có thể bị hạn chế hoặc khóa chức năng quảng cáo ngay lập tức.

  • Do các vấn đề liên quan đến thanh toán

Đối với tài khoản quảng cáo trả trước, khi hết ngân sách thì sẽ bị Facebook vô hiệu hóa tạm thời. Còn với với tài khoản quảng cáo trả sau, nếu thanh toán không thành công thì cũng có thể bị vô hiệu hóa như trên. 

  • Vô hiệu hóa do nhầm lẫn

Đôi khi Facebook có thể khiến tài khoản quảng cáo bị vô hiệu hóa do nhầm lẫn. Trong đó, những tài khoản mới, chưa chạy quảng cáo lần nào rất dễ gặp tình trạng này. Vì thế nếu tài khoản bị vô hiệu hóa do nhầm lẫn, bạn hãy hãy kháng cáo đến Facebook để được giải quyết. 

Hướng dẫn kháng tài khoản quảng cáo facebook

Nếu chẳng may tài khoản bị khóa mà bạn xem xét không vi phạm các chính sách thì hãy khiếu kiện để lấy lại tài khoản. Hiện nay, rất nhiều tài khoản mới chạy bị khóa oan. Vì vậy kháng tài khoản qc là rất cần thiết.

Cách kháng tài khoản qc facebook bị hạn chế quảng cáo

Có 2 cách để bạn kháng tài khoản qc, nhưng dù cách nào thì cũng hãy chuẩn bị đầy đủ các thông tin, giấy tờ này trước nhé: chứng minh nhân dân, ID tài khoản quảng cáo và nhớ mô tả thật chân thật để facebook tin vào bạn.

Cách 1: Kháng cáo từ trình quản lý tài khoản

  • Bạn vào trình quản lý tài khoản quảng cáo và truy cập vào phần chất lượng tài khoản. Hoặc có thể ấn vào link: https://www.facebook.com/accountquality/
  • Bấm vào yêu cầu xem xét lại
  • Gửi các giấy tờ cần thiết như CMT, Hộ chiếu hay giấy tờ tùy thân nếu facebook yêu cầu.
  • Mô tả chính xác những gì tài khoản bạn đang gặp phải. bạn phải mô tả chân thật để facebook biết đó là một nhầm lẫn của họ còn bạn luôn tuân thủ chính sách.
  • Chờ kết quả phản hồi từ facebook

Cách 2: Kháng nghị thông qua link truy cập

  • Bước 1: Bạn cần truy cập vào link: https://business.facebook.com/business/help sau đó đi đến mục “Liên hệ với chúng tôi”.
  • Bước 2: Nhập thông tin về tài khoản
  • Bước 3: Mô tả về tình trạng bạn gặp phải cũng như trên mô tả chi tiết chân thật.
  • Kháng tài khoản quảng cáo không phải lúc nào cũng chỉ cần kháng 1 lần là được.
  • Có khi bạn sẽ phải thực hiện nhiều lần. Hãy kiên trì với việc đó để lấy lại được tài khoản nhé.

Cách khôi phục tài khoản facebook khi tài khoản đã bị vô hiệu hóa

Cũng như phía trên điều đầu tiên bạn phải xem xét lại xem liệu mình có vi phạm các chính sách của facebook không. Nếu bạn trong sạch hãy làm theo các cách sau đây nhé!

Cách 1: Khôi phục ngay trên trình duyệt

  • Ngay tại màn hình trình duyệt hiển thị thông báo tài khoản bị vô hiệu hóa bạn hãy nhập vào ô “yêu cầu xem xét lại” sau đó mô tả tình hình và yêu cầu mở lại tài khoản.

Cách 2: khôi phục qua link

  • Bạn hãy truy cập vào link https://www.facebook.com/help/contact/391647094929792
  • Điền các thông tin cần thiết và chọn tài khoản bạn đã bị vô hiệu hóa muốn kháng nghị
  • Hãy ghi rõ thông tin thanh minh vào mục “Bạn có thể bổ sung thông tin về lý do bạn cho rằng chúng tôi cần khôi phục tài khoản của bạn” và nhấn gửi.
  • Sẽ mất 1-2 ngày để facebook hồi đáp lại cho bạn.
  • Còn với loại khóa tài khoản mà yêu cầu xác minh danh tính thì dễ hơn nhiều. Với loại này hầu như chúng ta chỉ cần up lên giấy tờ tùy thân là sẽ lấy lại được.

Lưu ý: nếu trước đó bạn đã từng bị xác minh danh tính rồi mà đã dùng chứng minh thư thì lần này hãy dùng bằng lái xe nhé.

Bạn vào chất lượng tài khoản nhấn yêu cầu xem xét lại chọn xác minh danh tính và up giấy tờ là xong.

Lưu ý khi sử dụng tài khoản quảng cáo

Để hạn chế việc tài khoản quảng cáo bị cấm quảng cáo hay vô hiệu hóa thì trong quá trình sử dụng tài khoản hay chạy quảng cáo chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không nên tạo nhiều nick trên cùng 1 máy tính: Nếu nick facebook trùng địa chỉ IP họ sẽ phát hiện ra bất thường và thường sẽ khóa tài khoản.
  • Xem xét thật kỹ chính sách và tuyệt đối đừng để vi phạm.
  • Không nên dùng tài khoản visa ảo hoặc visa đã sử dụng cho tài khoản bị khoá.
  • Không đăng nhập tài khoản ở nhiều nơi với thời gian ngắn. Cũng không nên đăng nhập 1 tài khoản ở hai địa chỉ cách xa nhau.
  • Các tài khoản chạy quảng cáo nên bắt đầu bằng ngân sách nhỏ rồi tăng dần: Đừng tăng giảm ngân sách đột ngột và đảm bảo số tiền trong thẻ không bị hết khi quảng cáo đang chạy.

Chuẩn bị các phương án dự phòng

Ngoài ra, để dự phòng việc tài khoản đột ngột bị vô hiệu hóa bạn phải dừng việc chạy quảng cáo thì phải có các phương án thay thế nhanh chóng bằng cách:

  • Luôn có sẵn một tài khoản quảng cáo dự phòng: Khi tài khoản chính chết có ngay tài khoản mới để tạo quảng cáo. Đây gần như là điều bắt buộc phải nhớ với người chạy add để đảm bảo cho kế hoạch quảng cáo không bị ngắt quãng ảnh hưởng đến chiến dịch truyền thông, marketing hay bán hàng.
  • Tận dụng tài khoản facebook của người thân: Một tài khoản facebook chỉ có thể tạo được 1 tài khoản quảng cáo cá nhân và 2 tài khoản Business Manager. Vì thế bạn hãy huy động tài khoản của người thân bạn bè sẽ rất uy tín.
  • Mua qua nick clone: Via tức là những tài khoản facebook hack từ những người dùng thực. Chúng khá uy tín nên bạn có thể mua để chạy. Tuy nhiên khi mua chọn cá nhân uy tín và có lượt tương tác cao để đảm bảo chất lượng tài khoản quảng cáo facebook
  • Nuôi một vài nick clone: hãy duy trì nó giống như nick chính của bạn. Sau một vài tháng có thể sử dụng chạy quảng cáo nhé.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thuê tài khoản quảng cáo hay thuê đơn vị khác chạy quảng cáo trọn gói vd như tại Fchat.vn chúng tôi. Tuy nhiên vấn đề này bạn nên xem xét kỹ để phù hợp với ngân sách của mình.

Kết luận: Trên đây hướng dẫn kháng tài khoản quảng cáo facebook cũng như một số lưu ý để hạn chế việc tài khoản bị khóa và các kế hoạch dự phòng. Đây thực sự là những thông tin vô cùng cần thiết mà bất cứ người chạy ads nào cũng nên tìm sâu để nhắm rõ.

Continue Reading

Trending

Copyright © 2024 Ver2solution.com .