Connect with us

Thị trường

Influencer kiếm tiền thế nào?

Published

on

Các influencer có thể không đến từ ngành công nghiệp giải trí, nhưng nhiều người trong số họ có hàng triệu người hâm mộ và có thu nhập hàng triệu đô-la mỗi năm.

Đều gọi chung là người có sức ảnh hưởng, nhưng influencer và KOL không phải lúc nào cũng là một.

Một bác sĩ da liễu, nghệ sĩ trang điểm, hay nhà thiết kế được gọi là KOL (người dẫn dắt dư luận chủ chốt) khi họ được chính người trong ngành đánh giá cao bởi kiến thức chuyên môn và thường được tìm đến khi cần nhận định một vấn đề. Nói cách khác, họ không nhất thiết phải có đông đảo người hâm mộ và hiện diện trên các nền tảng online.

Một influencer, ngược lại, thường phải sở hữu lượng người theo dõi thuộc hàng ngàn trở lên trên mạng xã hội, dù có thể không chuyên hoá trong một lĩnh vực học thuật nhất định. Thay vào đó, sức hút của họ đến từ cái duyên ăn nói, phong cách sống, hay tài năng giải trí, vân vân.

Dựa trên định nghĩa đó, bài viết này tập trung vào bóc tách các nguồn thu chủ yếu có thể tạo ra nhờ khả năng tác động đến suy nghĩ, hành vi tiêu dùng qua các kênh truyền thông xã hội. Không phân biệt các influencer có đang đồng thời là KOL hay celebrity (như diễn viên, ca sĩ, vận động viên…).

Tiếp thị liên kết

Đây có thể được xem là một trong những cách cơ bản nhất để các influencer tạo nguồn thu. Họ đề xuất một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó cho khán giả của mình và đính kèm thêm đường link dẫn đến trang mua hàng.

Nếu khán giả quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ đó và sử dụng đường link được cung cấp để mua sắm thì với mỗi đơn hàng, influencer sẽ nhận được một khoản hoa hồng từ đối tác. Tỷ lệ hoa hồng điển hình thường dao động từ 5 đến 30%.

Marques Brownlee, một trong những YouTuber review công nghệ quyền lực nhất thế giới, cũng sở hữu cho mình một “cửa hàng” Amazon, bao gồm các đường link tiếp thị.

Đối tác liên kết phổ biến nhất là các trang thương mại điện tử như Amazon, Shopee… Họ có hệ thống cung cấp đường link tự động cho bất kỳ người tiếp thị nào. Mức hoa hồng thường cố định.

Với các thương hiệu, nhãn hàng cụ thể có chương trình liên kết riêng, các influencer thường có khả năng thương lượng, ra giá tuỳ vào tầm ảnh hưởng của mình. Mức hoa hồng vì vậy cũng có thể cao hơn.

Quảng cáo hiển thị

Đây là nguồn thu nhập hoàn toàn thụ động, mà tại Việt Nam hiện chỉ có riêng đối với các influencer sở hữu trang blog cá nhân hoặc kênh YouTube.

Với trang blog, đối tác quảng cáo ở đây cũng được chia thành hai nhóm:

  • Nhà cung cấp dịch vụ quản lý quảng cáo (ví dụ như Google AdSense, Mediavine, AdThrive): Các blogger chỉ cần đăng ký dịch vụ, việc quảng cáo nào xuất hiện trên trang web, thời gian hiển thị bao lâu đều được xử lý tự động. Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn thu của blog có thể rất ổn định, nhưng nhiều hay ít thì tuỳ vào thuật toán đề xuất quảng cáo và chất lượng các nhà quảng cáo mà bên cung cấp dịch vụ liên kết.
  • Nhãn hàng, thương hiệu: Các blogger có thể chủ động thương lượng về vị trí đặt banner quảng cáo trên website, thời gian hiển thị banner và mức giá tương ứng.

Số tiền kiếm được có thể được tính bằng một trong hai cách phổ biến sau:

  • Cost per click (CPC): Chi phí quảng cáo trả theo từng lượt người đọc nhấp chuột vào quảng cáo.
  • Cost per mille (CPM): Chi phí trả mỗi khi quảng cáo hiển thị được 1000 lần (impression), người xem không nhất thiết phải bấm vào quảng cáo.

Với YouTube, các nhà sáng tạo nội dung có thể kiếm tiền qua chương trình YouTube Partner Program, tức là cho phép dịch vụ AdSense (Google) đề xuất quảng cáo tự động và đặt chúng trong các video.

Để được chấp thuận vào chương trình, YouTuber cần có đủ 1000 người đăng kí theo dõi, 4000 giờ thời lượng xem video và đồng ý chia 45% doanh thu cho YouTube. Trong đó, doanh thu quảng cáo tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ví dụ như thời gian xem video, độ dài, loại video và thông tin nhân khẩu học của người xem.

Chia sẻ tài khoản Patreon, nhận tiền ủng hộ từ người theo dõi

Thông qua Patreon, các influencer thường cung cấp trải nghiệm độc quyền cho những người hâm mộ sẵn sàng trả một khoản phí nhỏ.

Trang Patreon của chị Thủy Đào – Her 82m2 (https://www.patreon.com/her86m2).

Trải nghiệm có thể là bất cứ điều gì, từ quyền truy cập sớm vào nội dung, xem các nội dung chuyên sâu hơn so với bài/video miễn phí trên các nền tảng khác, đến trò chuyện, giao lưu.

Ngoài chi phí cố định cho từng cấp trải nghiệm mà influencer đặt ra, người theo dõi còn có thể tùy tâm mà ủng hộ.

Theo dữ liệu của Patreon và TechCrunch, những người sáng tạo tại đây kiếm được tổng cộng hơn 1 tỷ đô-la mỗi năm. Tổng thu nhập này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2019.

Tạo nội dung được tài trợ bởi các chiến dịch thương hiệu

Nội dung được tài trợ trên mạng xã hội đến nay đã quen thuộc với hầu hết khán giả. Thế nhưng các hình thức sáng tạo của nó vẫn liên tục thay đổi, từ đánh giá (review) sản phẩm/dịch vụ, tham gia sự kiện của nhãn hàng, đến đơn thuần đưa sản phẩm vào một video mà không cần giới thiệu (product placement),…

Theo Influencer Marketing Hub, Khaby Lame, có thể kiếm được từ 50.000 – 84.000 USD (tương đương khoảng 1 – 2 tỷ đồng) cho một bài đăng châm biếm trên TikTok. Các nhãn hàng thường được anh lồng ghép khéo léo vào những video ngắn của mình.

Trong trường hợp này, mức tài trợ thường cố định theo thỏa thuận trước, tuỳ thuộc vào tính chất thị trường và phạm vi tiếp cận khán giả của influencer.

Các bên cung cấp dịch vụ du lịch còn có gói tài trợ chi phí tour, bảo hiểm du lịch cho các blogger/vlogger. Đổi lại các influencer này tạo nội dung giới thiệu/review trên blog, ra video và các bài đăng trên mạng xã hội tương ứng. Đó là một trong những nền tảng giúp một số YouTuber có thể đi du lịch quanh năm suốt tháng.

Trở thành đại diện/đại sứ thương hiệu

Các hợp đồng đại diện/đại sứ thương hiệu thường kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm, thay vì chỉ là quan hệ đối tác một lần.

Đầu năm nay, các travel blogger như Lê Hà Trúc và Trần Quang Đại đều trở thành đại sứ cho các thương hiệu (kem chống nắng Skin Aqua/đồng hồ Citizen).

Các đại diện/đại sứ sẽ nhận được các sản phẩm miễn phí từ thương hiệu. Đổi lại, họ sẽ phải quảng cáo những sản phẩm này trên mạng xã hội.

Một số thương hiệu có thể trả một khoản phí bổ sung cho từng loại nội dung mà đại sứ của họ tạo ra. Hoặc cũng có thể trích lại phần trăm hoa hồng hoặc một số tiền cố định cho mỗi đơn hàng influencer tạo ra.

Tạo sản phẩm liên kết độc quyền với các thương hiệu/nhãn hàng

Đây có thể được xem là hình thức hợp tác thuộc “hạng top” giữa một thương hiệu và influencer. Bởi lúc này người tiêu dùng không chỉ quyết định dựa vào gợi ý/review nữa, mà là trực tiếp thể hiện niềm tin với người mình theo dõi (và hâm mộ).

Ví dụ, nhiều công ty sản xuất đồ thể thao sẽ hợp tác với các vận động viên để cải thiện một sản phẩm, sau đó gắn tên họ vào sản phẩm đó. Những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực làm đẹp có thể thiết kế bảng phấn mắt hoặc son môi.

Tuỳ vào mức độ tham gia vào quá trình sáng tạo của họ và các thoả thuận hợp đồng khác, mà influencer có thể được trả một số tiền lớn cùng phần trăm lợi nhuận.

Thương hiệu trang sức Ana Luisa hợp tác với các mid-tier influencer (Souryaz, Caricakes) để tạo dòng sản phẩm độc quyền.

Cuối năm 2019, Air Force 1 Para-noise – đôi giày Nike do trưởng nhóm Big Bang G-Dragon thiết kế có giá 200 USD đã cháy hàng trên toàn cầu sau 40 phút mở bán.

Bán các sản phẩm mang thương hiệu bản thân

Nếu các influencer có kiến ​​thức chuyên môn cụ thể, đặc biệt lại ở top người có tiếng nói trong lĩnh vực mình đang làm, thì kiến thức được đóng gói thành các sản phẩm như sách hay khoá học từ họ luôn có một sức nặng nhất định.

Ví dụ, các huấn luyện viên thể hình nổi tiếng trên YouTube có thể bán gói đăng ký tập luyện tại chính trung tâm họ sở hữu, hoặc tạo ứng dụng điện thoại của riêng mình. Những người viết blog về ẩm thực thì có thể bán sách công thức nấu ăn.

Với tệp người theo dõi có sẵn, họ gần như không mất quá nhiều thời gian và trí lực để tạo đà doanh thu ở giai đoạn đầu.

Marie Kondo, chuyên gia dọn dẹp – nhà tư vấn sắp xếp nội thất người Nhật, mở cửa hàng trực tuyến bán đồ gia dụng từ cuối năm 2019.

Li Ziqi (Lý Tử Thất), nữ YouTuber nổi tiếng với các video về cuộc sống nông thôn tại Trung Quốc, mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên Tmall (https://liziqi.world.tmall.com).

Kết

Sức kết nối của mạng xã hội đang tạo ra một sân chơi sáng tạo và kinh doanh mới, mà ở đó bất kỳ ai cũng có thể trở thành người ảnh hưởng.

“Anh công nhân 21 tuổi mất việc trở thành triệu phú đô-la sau một năm làm TikTok”, “nữ sinh 10x kiếm chục tỷ mỗi năm nhờ sở hữu kênh YouTube triệu view”… Dù mô hình nguồn thu nhập của họ có thể rất khác nhau, nhưng chung quy lại cách họ kiếm tiền là tạo giá trị cho cộng đồng, bên cạnh việc tận dụng được thế mạnh của nền tảng xã hội mà mình xuất hiện.

Thị trường

Diễn biến mới trong thương mại điện tử Việt Nam

Published

on

Ở màn hình chính, sàn thương mại điện tử 1688 đề xuất các sản phẩm bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, nhiều người dùng cho biết họ gặp khó khi mua hàng do nền tảng này chỉ mới hỗ trợ 1 phần tiếng Việt.

Mới đây, sàn thương mại điện tử 1688 (chuyên buôn hàng sỉ hàng đầu của Trung Quốc và do tập đoàn Alibaba quản lý) – phiên bản trên iOS – đã hỗ trợ thêm ngôn ngữ tiếng Việt.

Cụ thể, khi truy cập vào ứng dụng 1688, ở phần màn hình đăng nhập thể hiện ngôn ngữ tiếng Việt, bao gồm phần đăng ký tài khoản, điều khoản, xác minh thông tin… Do đó, người dùng dễ dàng truy cập hoặc đăng ký tài khoản cá nhân/bán hàng của mình.

Ở màn hình chính, 1688 đề xuất các sản phẩm bằng tiếng Việt, chẳng hạn: Dép cross, thời trang nữ, mỹ phẩm, dép da, máy tính….

Các danh mục khác như thanh toán, khuyến mãi, sắc đẹp…cũng thể hiện tiếng Việt, giúp người dùng tìm kiếm ngành hàng muốn mua dễ hơn, tương tự như tìm kiếm trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Diễn biến mới trong thương mại điện tử Việt NamSàn 1688 cảnh báo bằng tiếng Trung, người dùng không biết nội dung là gì

Tuy nhiên, nhiều người dùng cho biết gặp khó khi mua hàng do nền tảng này chỉ mới hỗ trợ 1 phần tiếng Việt, còn đến công đoạn chọn sản phẩm, chốt đơn đang hoàn toàn bằng tiếng Trung nên chưa biết cách chốt đơn thế nào và hiện thanh toán chưa hỗ trợ loại tiền VNĐ.

Nếu nền tảng 1688 hỗ trợ toàn bộ bằng tiếng Việt và thanh toán dễ dàng hơn nữa, thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ tiếp tục có sự biến động lớn và cuộc chiến giữa các sàn sẽ càng khốc liệt hơn khi ngày càng có thêm nền tảng tham gia cuộc chơi này.

Trước đó, hãng tin Reuters đã thông tin người dùng Indonesia sắp tới có thể mua hàng trên YouTube thông qua các đường link Shopee gắn kèm. YouTube Shopping đã hoạt động tại Hàn Quốc, Mỹ và có kế hoạch mở rộng sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tính năng này hoạt động tương tự hình thức gắn giỏ hàng của TikTok Shop nhưng chỉ chấp nhận sản phẩm từ sàn Shopee.

Tính đến nay, tại Việt Nam đang có 4 sàn thương mại điện tử lớn, gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki.

Báo cáo của Công ty Phân tích tư vấn và phát triển kênh TMĐT YouNet ECI cho thấy trong quý II/2024, Shopee giữ ngôi vương khi chiếm tới 71,4% thị phần, xếp sau là TikTok Shop chiếm 22% thị phần. Phần ít ỏi còn lại thuộc về Lazada và Tiki.

Tính chung, Shopee và TikTok Shop nắm 93,4% thị phần trong quý II/2024, tăng so với mức 91,25% hồi quý I. Hiện tại, cuộc đua song mã trên thị trường chỉ dành cho TikTok Shop và Shopee.

Continue Reading

Thị trường

Hết rồi cái thời Shopee, Lazada là “thiên đường”: Người bán kiệt sức, phải đóng cửa gian hàng vì phí cao

Published

on

Sau quá trình ưu đãi để thu hút người dùng, các nền tảng Shopee, Lazada, TikTok Shop bắt đầu tăng phí để bù lỗ.

Các nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á như Shopee, Lazada, TikTok Shop đang yêu cầu người bán hàng phải trả phí cao hơn do đối mặt với áp lực tăng lợi nhuận trong môi trường ngày càng cạnh tranh.

Tăng phí hoa hồng đối với các thương nhân là trọng tâm chính để tăng doanh thu tại các nền tảng khu vực như Shopee và Lazada, đặc biệt khi tốc độ tăng trưởng doanh số chậm lại sau dịch bệnh, khi người mua sắm quay trở lại các cửa hàng truyền thống.

 - Ảnh 1.

Vào ngày 16/9, Tokopedia của Indonesia đã tăng phí hoa hồng cho đơn vị bán hàng lên tới 10% giá bán, tùy thuộc vào danh mục sản phẩm và loại người bán, tăng so với mức tối đa trước đó là 6,5%.

Cũng trong tháng này, Shopee thuộc Sea của Singapore đã tăng phí hoa hồng cho một số người bán tại Indonesia lên mức từ 4,25% đến 8%, tăng so với mức trước đó là 3,5% đến 6,5%, theo HSBC Global Research.

Tokopedia và Sea không giải thích chi tiết về quyết định của mình.

“Các thương nhân sẽ không vui khi thấy biên lợi nhuận của họ giảm bớt, nhưng có thể không có lựa chọn nào khác”, Kai Wang, nhà phân tích cấp cao tại Morningstar, cho biết.

Trong những tháng gần đây, các nền tảng đã liên tục điều chỉnh cấu trúc phí. Khi Shopee tăng phí hoa hồng tại Malaysia vào tháng 7, Lazada cùng dịch vụ thương mại điện tử TikTok Shop cũng nhanh chóng làm theo.

Trang Tom’s Guide đã thực hiện một màn “thượng đài” kéo dài 7 vòng giữa Galaxy S24 Ultra và iPhone 16 Pro Max để chọn ra đâu là mẫu smartphone tốt nhất hiện nay.

Nhưng động thái trên đã thúc đẩy một số người bán tìm kiếm các giải pháp thay thế. Một thương nhân người Malaysia bán hạt rang trên Shopee và Lazada trong hai năm và một năm trên TikTok Shop cho biết anh đã quyết định đóng cửa tất cả các cửa hàng trực tuyến của mình ba tháng trước, với lý do phí cao hơn và khung thời gian giao hàng nghiêm ngặt hơn.

Người này cảm thấy “kiệt sức” do biên lợi nhuận giảm và chi phí vốn cao hơn. Anh hiện đang có kế hoạch mở cửa hàng trực tuyến của riêng mình.

Tại Singapore, một người bán quần áo 35 tuổi trên TikTok Shop cho biết anh sẽ tiếp tục ở lại nền tảng này vì “có thể tốn kém ” và “mất nhiều thời gian” hơn để thiết lập kênh riêng, xử lý tiếp thị và giao sản phẩm. “Đó là cái giá chúng tôi phải trả nếu muốn được biết đến”, anh nói.

 - Ảnh 2.

Có ảnh hưởng nhiều?

Bất chấp một số người bán bất mãn, các nhà phân tích hy vọng mức phí tăng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tình hình chung.

Jianggan Li, CEO của công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Chúng ta có thể thấy các nền tảng thay đổi chiến thuật trong bối cảnh cạnh tranh thay đổi, nhưng trong ngắn hạn, việc tăng hoa hồng sẽ không ảnh hưởng đến các giao dịch hoặc sự sống còn của các thương nhân trên nền tảng”.

Kể từ những năm 2010, các công ty như Tokopedia, Lazada và Shopee đã cạnh tranh bằng các mức chiết khấu, khuyến mãi hấp dẫn và phí hoa hồng thấp để giành được sức hút trên thị trường đông đúc, nhanh chóng trở thành những công ty thống trị trong khu vực.

Sự thay đổi do dịch bệnh hai năm trước cùng với môi trường lãi suất cao hơn buộc các nhà điều hành phải nhanh chóng cắt giảm chi tiêu cũng như số lượng nhân viên. Điều này là để cải thiện lợi nhuận ròng trong thời điểm các nhà đầu tư bắt đầu tránh xa các công ty công nghệ đốt tiền sau nhiều năm mà vẫn thua lỗ.

Sự cạnh tranh cũng gia tăng khi vào năm 2021, TikTok ra mắt dịch vụ thương mại điện tử riêng tại Đông Nam Á, tận dụng chức năng phát trực tiếp phổ biến và lượng khách hàng lớn trong khi cung cấp mức hoa hồng thấp hơn, tiến tới phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong ngành sản phẩm làm đẹp và thời trang.

Hết rồi cái thời Shopee, Lazada là "thiên đường": Người bán kiệt sức, phải đóng cửa gian hàng vì phí cao - Ảnh 4.
Câu hỏi lớn nhất cho người mua ô tô điện lúc này: Hãng mà chẳng may phá sản thì xe chạy tiếp kiểu gì?

Được ví như “điện thoại thông minh lắp bánh xe”, ô tô điện phụ thuộc vào phần mềm để hoạt động nhiều hơn là phần cứng như xe truyền thống.

Sự xuất hiện mới buộc Shopee, công ty lớn nhất trong khu vực, phải phản công, đầu tư vào các chức năng phát trực tiếp tương tự để giữ thị phần. Tokopedia, công ty theo sau Shopee và Lazada của Alibaba, ở trong tình thế khó khăn hơn khi cố gắng theo kịp đã phải tuyên bố bán 75% cổ phần cho TikTok vào tháng 12 năm ngoái. Việc mua lại đã hoàn tất trong năm nay.

Theo Momentum Works, năm 2023, Shopee vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu với 48% thị phần xét về tổng khối lượng hàng hóa trong khu vực, tiếp theo là Lazada với 16,4%, TikTok và Tokopedia mỗi bên chiếm 14,2%.

Trong một động thái gần đây, Shopee đã hợp tác với YouTube để ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Indonesia, nơi người dùng có thể mua hàng hóa được xem trên trang web phát trực tuyến thông qua các liên kết của Shopee.

Hai công ty có kế hoạch mở rộng mối quan hệ hợp tác này sang các thị trường khác như Thái Lan và Việt Nam.

“Vì nhiều sản phẩm giống nhau nên không có nhiều sự khác biệt giữa các đối thủ cạnh tranh”, Wang của Morningstar nói với Nikkei Asia.

“Cạnh tranh có thể dễ dàng bùng nổ trở lại khi nền tảng có mức phí cao, khi đó các đối thủ sẽ mang đến những ưu đãi giá thấp, áp lực cứ thế liên tục”.

Theo Soha.

Continue Reading

Kinh Doanh

Bán lẻ thời trang chuyển trạng thái trong thời khó

Published

on

Hơn 10.000 nhà bán lẻ mảng thời trang rời các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) hay nhiều thương hiệu lớn trong ngành dần trả mặt bằng truyền thống cho thấy lĩnh vực này đang có sự chuyển dịch. Theo các chuyên gia, cuộc chơi bán lẻ hàng thời trang không còn dành cho tất cả nhà bán hàng nghiệp dư.

Rời sàn TMĐT ‘xây’ cửa hàng online riêng

Dữ liệu từ báo cáo doanh thu các sàn TMĐT quí 2-2024 của YouNet ECI cho thấy số lượng nhà bán hàng có doanh thu trong ngành hàng thời trang và phụ kiện trên bốn nền tảng Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki đã giảm đi 10.600 trong thời gian từ quí 4 – 2023 đến quí 2 – 2024 (không tính nhà bán quốc tế). Sự sụt giảm diễn ra ở nhóm gian hàng không chính hãng (non-Mall), ngược lại nhóm gian hàng chính hãng (Mall) vẫn tăng về cả số lượng và tổng giá trị hàng hóa.

Chị Trần Thu Thảo, nhà sáng lập của thương hiệu thời trang The Peachy vừa thông báo rời các nền tảng TMĐT sau hai năm kinh doanh bởi chính sách của sàn không còn phù hợp với định hướng của thương hiệu. Chẳng hạn, các chính sách trả hàng hoàn tiền của sàn TMĐT gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp khi nhiều người mua trục lợi, đổi trả sản phẩm không còn nguyên vẹn hoặc bị đánh tráo sản phẩm rẻ tiền. Trong khi đó các mặt hàng của shop không phải hàng giá rẻ hay hàng thời trang nhanh tiêu thụ số lượng lớn.

Bán lẻ thời trang chuyển trạng thái trong thời khóHoạt động livestream bán hàng diễn ra mỗi ngày với sự tham gia của nhiều thương hiệu. Ảnh: Hoàng An

Chia sẻ về hướng đi mới sau khi rời các nền tảng TMĐT, chị Thu Thảo cho biết cửa hàng đã tạo riêng một nền tảng bán hàng khác là website thay vì bán hàng thông qua các page như trước. Website sẽ tối ưu hoá trở thành một kênh mua hàng chính thức, có nhiều mã ưu đãi giảm giá dành cho khách hàng, ngoài ra khách có thể để lại các đánh giá sau khi mua hàng và trải nghiệm.

Hay như chị Bạch Nhã, chủ gian hàng thời trang trên TMĐT ở TPHCM cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Từ đầu năm đến nay, các chính sách mới của sàn thay đổi liên tục cộng với chi phí trên sàn tăng lên, sản phẩm giá rẻ nhiều hơn, có giá “xả kho” trên các phiên livestream, hàng hóa quốc tế thâm nhập vào thị trường Việt Nam đã làm kênh bán hàng của chị sụt giảm 30-40% doanh thu.

Chị Nhã kể, đến hiện tại shop chịu lượng đơn giảm khoảng 100-150 đơn/tháng, tỷ lệ hàng hoàn tăng lên 10-20% so với trước đây. Trung bình mỗi đơn hàng có lợi nhuận từ 20-30% sau các chi phí sàn, quảng cáo, nhân sự… mới có thể vận hành trơn tru, riêng hàng thời trang phải đẩy nhanh, tránh hàng tồn vì xu hướng người tiêu dùng thay đổi liên tục, chị nói thêm.

Hiện nay, không ít nhà xưởng làm hàng sỉ lên bán hàng trực tiếp qua sóng livestream giá rẻ hơn đến 10-15%/sản phẩm. “Khách so sánh giá rồi chọn mua bên rẻ hơn làm các nhà bán lẻ như tôi phải cạnh tranh áp lực về giá với xưởng. Biên lợi nhuận ngày càng mỏng, chính sách mới ưu tiên khách hàng nên người bán càng chịu rủi ro tiền hàng hoàn, hàng lỗi…”, chị chia sẻ.

Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường của YouNet ECI cho rằng, xu hướng này phản ánh một thực tế chung của TMĐT Việt Nam, không chỉ riêng trong ngành thời trang và phụ kiện, thị trường đang dần chắt lọc, tập trung hơn. Số lượng nhà bán nhỏ lẻ, doanh thu thấp, thiếu lợi thế cạnh tranh đang dần bị loại bỏ. Ngược lại, thị trường ngày càng đòi hỏi sự chuyên nghiệp, kinh doanh lâu dài, đồng thời đề cao uy tín và chất lượng dịch vụ.

Theo báo cáo Vietnam E-commerce Intelligence 2025 của YouNet ECI sắp công bố, Gen Z được chỉ ra là chìa khóa cho tăng trưởng của ngành thời trang và phụ kiện trên các sàn TMĐT Việt Nam. Nhãn hàng có thể tăng mức chi tiêu của nhóm người tiêu dùng này lên gấp 2,3 lần trong 4 năm tới nếu đáp ứng đúng nhu cầu của họ.

Nỗ lực thoát tồn kho và chi phí mặt bằng

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ kiêm Trưởng ngành hàng thời trang tại PMax, cho hay khảo sát từ Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho thấy trên 50% doanh nghiệp nói thách thức lớn nhất đến từ “thiếu đơn hàng mới” và “nhu cầu tiêu dùng giảm”.

Báo cáo còn cho biết mức tồn kho và dư nợ đang tăng lên xấp xỉ 40%. Tình hình kinh doanh các chuỗi lớn và các cửa hàng offline cũng ảm đạm khi mặt bằng liên tục được trả, nhiều chuỗi thời trang lớn từ nhiều năm trước tuyên bố đóng cửa hoặc đóng bớt cửa hàng.

Bán lẻ thời trang chuyển trạng thái trong thời khóNhững ngày hoạt động cuối cùng của thương hiệu thời trang Catsa. Ảnh: Fanpage Catsa

Theo ông Thanh Tùng, đặc thù của ngành thời trang Việt Nam là có số lượng thương hiệu nội địa tầm vừa và nhỏ chiếm 80% thị trường. Các thương hiệu này thường sẽ gặp vấn đề về dòng tiền với lượng tồn kho lớn, chi phí vận hành nhân sự, mặt bằng cao dẫn đến thường xuyên rơi vào trạng thái “gồng lỗ” ở những mùa thấp điểm giữa năm.

Đây cũng là thách thức lớn cho các chủ thương hiệu khi luôn đối diện với bài toán cân đối chi phí, cần cẩn trọng trong tốc độ phát triển mô hình kinh doanh.

Mới đây, các thương hiệu thời trang Việt như Catsa, Mieu’s store… thông báo đóng toàn bộ cửa hàng. Đầu năm 2023 đến nay, anh Nguyễn Tiến Hải cũng đóng cửa từ 12 điểm xuống còn 3 điểm bán cố định. Với hai thương hiệu Giian và Juliette Luxury, anh chuyển hướng xây dựng doanh nghiệp trên kênh online và cho doanh thu tăng lên so với trước đây.

Anh cho biết sau một thời gian chịu nhiều chi phí cố định như tiền nhà, nhân sự vận hành, thuê kho bãi mất tiền tỷ mỗi tháng mà doanh thu có cửa hàng giảm 50-70%, có điểm bán huề vốn. “Tôi nhìn lại thế mạnh của thương hiệu ở đâu và quyết định đóng 9 điểm để tập trung chuyển hướng khai thác online, giảm gánh nặng”, anh nói.

Sau khi tái cấu trúc công ty, cắt giảm nhân sự, tập trung xây dựng nền tảng, thiết kế nhóm sản phẩm phù hợp với kênh bán online, trung bình mỗi tháng anh ghi nhận tăng trưởng từ 10-15% dù đây là giai đoạn ngành đang ở điểm trũng.

Theo anh Tiến Hải, khi chuyển hướng từ offline sang mô hình online, việc tư duy về sản phẩm phải khác nhau. Không ít thương hiệu đem các mặt hàng ở cửa hàng lên kênh online bán và điều này không mấy hiệu quả vì hành vi mua sắm, giá cả cho sản phẩm khác nhau.

Ở nền tảng online, anh đã tập trung làm nhiều chương trình riêng, thêm đội ngũ làm hình ảnh cho sản phẩm, chiến dịch xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường mẫu sản phẩm có đặc điểm giá rẻ, dễ sử dụng, mẫu mã không quá cầu kỳ, nắm bắt xu hướng nhanh.

Để cạnh tranh trên thị trường online, việc tạo ra sự khác biệt không chỉ nằm vào chuyện giá cả. Doanh nghiệp phải tạo ra ưu thế như dịch vụ chăm sóc khách hàng, có các chính sách đổi trả ưu tiên quyền lợi người tiêu dùng, tạo ra các cách bán hàng mới có khả năng lan tỏa như phối hợp với người làm sáng tạo nội dung, nhà sáng lập Giian và Juliette Luxury nói thêm.

Theo thống kê từ báo cáo của Cốc Cốc, hơn 70% mức độ chi tiêu của người dùng vẫn xoay quanh mảng quần áo, 30% dành cho giày và phụ kiện cho thấy tính ưu tiên cho các mảng quần áo thiết kế vẫn rất cao trong nhu cầu mua sắm của khách hàng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, đại diện PMax chỉ ra các chủ thương hiệu cần tối ưu kỹ về các dạng chi phí cố định như mặt bằng, kho bãi, để tránh bị ảnh hưởng nặng vào dòng tiền.

Ngoài ra các chi phí vận hành cũng cần đánh giá lại từng khâu đảm bảo tinh gọn, song song đó cần dành thời gian xây dựng chiến lược thương hiệu phù hợp.

Continue Reading

Trending

Copyright © 2024 Ver2solution.com .