Gần đây, TikTokshop đang nổi lên như một nền tảng bán hàng mạnh mẽ, chiếm lĩnh thị trường livestream bán hàng của các “ông lớn” như Shopee, Lazada, và Facebook. Để tăng doanh số và thu hút nhiều hợp tác, các Tiktoker đã không ngần ngại khoe doanh thu bán hàng tiền tỉ. Tuy nhiên, phía sau những buổi livestream hào nhoáng là những hệ lụy khó lường.
Những buổi livestream “khủng”
Từ giữa năm 2023, mạng xã hội TikTok chứng kiến sự bùng nổ của các buổi livestream được đầu tư kỹ lưỡng và chiến dịch truyền thông rầm rộ. Với sự góp mặt của những người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên, và các “chiến thần” livestream, các buổi bán hàng này đã giúp lượt xem và doanh số tăng lên đáng kể.
Các buổi livestream bán hàng quy mô lớn trên TikTok, hay còn gọi là Megalive, đạt doanh số từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng mỗi phiên, tương đương doanh thu của một công ty trong một năm. Phạm Thoại, một Tiktoker nổi tiếng, đã nhiều lần được tung hô với doanh thu hàng chục tỷ đồng chỉ trong vài giờ livestream. Tháng 4 vừa qua, KOL Phạm Thoại đã hoàn thành buổi livestream đạt mốc 50 tỷ đồng sau 24 giờ.
Quyền Leo Daily khoe quà tặng khách hàng trong phiên Megalive 150 tỷ.
Quyền Leo và “chiến thần” livestream Võ Hà Linh cũng không kém cạnh. Kênh TikTok Quyền Leo Daily từng công bố doanh thu phiên livestream kéo dài 17 giờ với trung bình hơn 30.000 người xem đạt 100 tỷ đồng. Anh đã tự phá kỷ lục phiên livestream bán hàng 75 tỷ đồng trước đó. Không dừng lại ở đó, TikToker này tiếp tục tổ chức phiên Megalive ngày 5/6 với mục tiêu doanh số lên đến 150 tỷ đồng, tặng quà khủng như ôtô và 100 máy tính bảng cho khách hàng đăng ký tham gia. Sau 40 giờ livestream, doanh số đạt khoảng 80 tỷ đồng, thấp hơn mục tiêu nhưng vẫn là con số ấn tượng.
“Chiến thần” livestream Võ Hà Linh cũng có buổi bán hàng bùng nổ với lượng người xem lên đến 130.000 người. Chỉ sau 1 tiếng 45 phút livestream, Võ Hà Linh đã đạt 85% doanh thu cam kết với các nhãn hàng, có thể kết thúc sớm hơn dự kiến. Trước đó, Võ Hà Linh cũng lập kỷ lục với buổi livestream có tới 58.000 người mua hàng cùng lúc, đạt doanh thu 1,5 triệu USD, khiến TikTok Shop Đông Nam Á “sập”.
Những con số triệu đô từ các buổi livestream khủng đã thu hút sự tham gia của không ít người nổi tiếng khác. Dư luận choáng váng trước những màn ăn mừng hoành tráng khi các TikToker đăng tải hình ảnh doanh thu hàng tỷ đến trăm tỷ đồng trên trang cá nhân và truyền thông. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ nghi ngờ về tính xác thực của những con số này, đặt ra các nghi vấn về đơn ảo và chiêu trò marketing. Các nhãn hàng cam kết giá trên phiên live là độc quyền và rẻ nhất, cộng thêm voucher giảm giá và miễn phí vận chuyển, đã đặt ra vấn đề về bán phá giá và cạnh tranh không lành mạnh.
Quyền Leo Daily ăn mừng doanh số 100 tỉ đồng
Hệ lụy khó lường
Không thể phủ nhận rằng những phiên live mang lại doanh số “khủng” nhờ công sức của ekip bài bản và chiến lược truyền thông rõ ràng. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi để níu giữ người dùng “chốt đơn” vẫn là mức giá. Các chủ kênh TikTok này không cần đăng ký kinh doanh hay nhập hàng về bán như đại lý mà làm trung gian giới thiệu sản phẩm của nhãn hàng đến người mua, nhận hoa hồng từ phần trăm tổng doanh số bán được. Nhiều người chấp nhận hưởng hoa hồng ít để có sản phẩm giá tốt, giảm sâu nhằm thu hút khách hàng. Do đó, sản phẩm trên livestream thường có giá rẻ hơn thị trường.
Hình thức phổ biến mà các nhà bán hàng hay dùng là tung ra deal 1K, 10K, 50K, cùng hàng loạt voucher giá trị lên đến hàng triệu đồng cho những người đăng ký theo dõi sự kiện. Mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1, deal độc quyền, combo sản phẩm… liên tục được tung ra để thu hút người tiêu dùng với tâm lý không đâu rẻ bằng mua ở đây. Cùng với đó, sự tiện lợi của giao hàng miễn phí tận nhà đã khiến hiệu ứng “săn sale” bùng nổ, tăng lượt xem và mua của khách hàng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu các nhãn hàng chỉ đưa ra chiết khấu khủng trong các phiên livestream của các TikToker nổi tiếng, người tiêu dùng sẽ dồn cơ hội mua hàng vào những phiên livestream này, vô hình trung tước đi cơ hội bán hàng của nhiều người bán nhỏ lẻ. Điều này làm giảm sự cạnh tranh lành mạnh và sức hút của nền tảng thương mại điện tử. Thực tế, nhiều người tiêu dùng hiện nay mua hàng bằng voucher, mã khuyến mại giảm giá trên thương mại điện tử và không còn mặn mà với việc mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng truyền thống.
Nhiều người lo lắng việc các TikToker nổi tiếng khoe khoang doanh thu khổng lồ và sự giàu có sẽ ảnh hưởng đến thế hệ trẻ. Thời buổi kim tiền, giới trẻ dễ mơ mộng và ảo tưởng về những hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội. Thay vì chú tâm học hành, nhiều bạn trẻ mơ tưởng trở thành người nổi tiếng và kiếm tiền dễ dàng qua mạng xã hội. Điều này có thể dẫn đến sự suy thoái trong đạo đức và văn hóa xã hội khi con người không còn coi trọng những giá trị cốt lõi mà chỉ chạy theo hào nhoáng bề ngoài, dẫn đến những quyết định thiếu cân nhắc và sự thất vọng khi thực tế không như mong đợi.
Hiệu ứng từ việc khoe doanh thu khủng còn dẫn đến sự mê muội và nguy cơ lừa đảo. Nhiều người dễ bị mê hoặc bởi hình ảnh hào nhoáng của các TikToker và tin tưởng vào lời hứa hẹn làm giàu nhanh chóng. Một số TikToker thậm chí lợi dụng sự tin tưởng này để bán các sản phẩm hoặc dịch vụ không đáng tin cậy, dẫn đến việc nhiều người tiêu dùng bị lừa đảo, mất tiền bạc và lòng tin vào thương mại điện tử.
Hệ lụy khác là khuyến khích lối sống xa hoa, tiêu xài phung phí. Khi thấy các TikToker khoe cuộc sống giàu có với xe sang, nhà đẹp, và các món đồ hiệu, nhiều người cảm thấy áp lực phải theo kịp và thể hiện mình cũng giàu có. Điều này dẫn đến việc chi tiêu không hợp lý, nợ nần và căng thẳng tài chính.
Thực tế, không phải ai cũng dễ dàng trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội và kiếm được số tiền lớn như những gì họ thấy trên màn hình. Trong số những người bỏ học, thất nghiệp, đầu tư làm ăn, chỉ một phần nhỏ thành công và nổi tiếng được biết đến qua mạng xã hội, báo chí và truyền thông. Số còn lại bị phá sản, làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất thì chắc chắn sẽ không ai tự nói và tự khoe trên mạng.
Mạng xã hội đang trở thành mảnh đất màu mỡ để nhiều người có ảnh hưởng, nghệ sĩ, YouTuber, TikToker hốt tiền. Đáng báo động khi tình trạng bất chấp kiếm lợi bằng cách quảng cáo sai sự thật, bán hàng giả, hàng dỏm… đang nhan nhản, bát nháo chợ mạng.
Bát nháo hoạt động bán hàng của các nghệ sĩ, TikToker, Youtuber… – Ảnh chụp màn hình
Trong lúc Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs vừa bị bắt vì sản xuất và bán hàng giả – kẹo rau củ Kera, hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị cấm xuất cảnh để điều tra liên quan vụ việc, nhiều người có ảnh hưởng (KOL) khác vẫn đang hoạt động sôi nổi, bát nháo trên “chợ online”.
Không biết hàng thật hay giả khi mua
Vào giỏ hàng được gắn trên kênh TikTok của Chu Thanh Huyền (vợ cầu thủ Quang Hải), khách dễ dàng chọn lựa, đặt mua với hơn 60 mặt hàng khác nhau được trưng bày. Trong đó có những mặt hàng đã bán được đến hàng ngàn sản phẩm.
Ngẫu nhiên bấm vào “set sữa rửa mặt Ohui hồng” loại 200ml (tặng kèm tuýp 100ml), được giảm giá còn 422.000 đồng, lời giới thiệu hiện ra, cho biết sản phẩm này giúp hỗ trợ dưỡng ẩm, trắng hồng.
Đọc phản hồi của những khách hàng đã mua, bên cạnh nội dung tích cực cũng có người chia sẻ “dùng vào mặt ngứa kinh khủng”.
Đặt mua một bộ mỹ phẩm khác có giá hơn 1,8 triệu đồng trên kênh của Chu Thanh Huyền, có khách hàng cho biết “đã nhận được hàng nhưng không thấy tem chống hàng giả ở từng sản phẩm nên hơi băn khoăn”.
Hay một khách khác mua viên uống vitamin C 1.000mg với lời quảng cáo “hỗ trợ giảm thâm sạm, hỗ trợ dưỡng trắng, hỗ trợ tăng đề kháng”, giá 322.000 đồng (giảm 41%). Nhưng sau đó bình luận rằng đã nhận nhưng không biết hàng thật hay giả.
Đáng chú ý, khi một khách hàng phản ảnh về việc sản phẩm không có tem mác rõ ràng, phía người bán công khai trả lời: “Bên em là hàng xách tay nên không có tem phụ chị ạ”, “cam kết hàng chính hãng nha chị”…
Gần đây Chu Thanh Huyền cũng bị tố quảng cáo lố về “sữa” dành cho trẻ em, có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Dựa vào video đăng trên TikTok, cô nói rằng sữa này có thể dùng cho trẻ từ 7 tháng tuổi, lấy con trai mình (8 tháng tuổi) ra làm ví dụ.
Nhưng sau đó có người phản ảnh rằng trẻ em phải từ 2 tuổi trở lên mới có thể dùng. Bị phản ứng, cô xin lỗi, cho rằng đã nói không rõ nên dẫn đến hiểu lầm.
Việc mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng không có tem phụ, thiếu thông tin rõ ràng cũng khiến không ít khách hàng cảm thấy mơ hồ về xuất xứ, chưa kể trách nhiệm của người bán khi khách hàng sử dụng sản phẩm và gặp sự cố.
Mai Ly – TikToker có hơn 1,7 triệu tài khoản theo dõi, nổi tiếng thông qua việc bán mỹ phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm chức năng, trong đó có hộp “E22 – Viên uống hỗ trợ gan” được bán chạy tốp đầu, với hơn 12.600 sản phẩm đã bán ra.
Giá bán 465.000 đồng/hộp 30 viên và 958.000 đồng/hộp 60 viên. Lấy tạm mức giá thấp nhất, ước tính cô thu được hơn 5,8 tỉ đồng. Tuy nhiên có khách hàng phản ảnh “sản phẩm không có tem mác, nghi là hàng nhái”.
Phía người bán trả lời chỉ là tem trắng, không có tem phụ, cam kết nếu phát hiện hàng nhái sẽ bù 1.000 lần. Trong khi đó, khách hàng khác lại phản ảnh trên hàng hóa không ghi cách sử dụng, nên “mua mà không biết cách sử dụng luôn”.
Nhan nhản “tiên đơn”, cải lão hoàn đồng
Theo ghi nhận trên TikTok và YouTube, nhiều người bán hàng quảng cáo rất rầm rộ các sản phẩm khiến người nghe đôi lúc lầm tưởng rằng “tiên đơn”, “thần dược”.
Chẳng hạn nhiều video khác được TikToker nổi tiếng quảng cáo về một loại thực phẩm chức năng, có khả năng “làm sống lại các tế bào đã chết”, “kéo dài tuổi thọ”.
Uống thực phẩm chức năng này vào, cảm giác như “thay đầu, thay não”. Khi uống viên thực phẩm chức năng này, không cần phải uống các loại thuốc khác về bổ não, mọc tóc, chữa tóc bạc, hỗ trợ điều trị ngủ ngon, tiểu đường, đột quỵ…
Với nội dung quảng cáo như trên, nhiều người gần như không rõ thực hư, không biết cách nào kiểm chứng được toàn bộ thông tin đều là đúng.
Đáng chú ý nhiều người lớn tuổi cho biết đã bị “sập bẫy”, mua phải thuốc dỏm, hứng nhiều hệ lụy. Cô Hạnh (đổi tên) cho biết do xem trên mạng nên đã đặt mua bịch “thuốc gia truyền”, thuốc nam.
Bịch thuốc này được gói trong bọc ni lông nhỏ, đề thông tin về công dụng chữa nhức mỏi đau lưng, tê bại, thấp khớp, thần kinh tọa, giúp ăn ngon ngủ ngon… Tuy nhiên sau một thời gian dùng, cô cảm thấy mặt sưng phù, da mỏng, xuất huyết dưới da…
Được biết loại thuốc nam này có trộn corticoid, dùng dài ngày sẽ gây ngộ độc kèm nhiều biến chứng nguy hiểm.
“Tôi uống thuốc tăng cân mua trên mạng, cũng chứa chất corticoid. Uống xong vài tháng dạ dày quặn đau, sau đó người bị phù nước. Thảm cảnh, cực kỳ hối hận”, chị Bích Ngân (TP.HCM) chia sẻ. Để bán chạy các loại thuốc nam, thực phẩm chức năng… nhiều người còn tự phong là “thần y”, bác sĩ, dược sĩ…
Trong khi đó dù người mua gặp sự cố khi sử dụng sản phẩm, bên bán vẫn trả lời bằng “văn mẫu” thay vì hỗ trợ người mua. Chẳng hạn, một khách đăng hình da mặt bị mẩn đỏ, kèm nội dung “trải nghiệm cá nhân và banh cái mặt sương sương. Chắc ko (không – PV) hợp” kèm theo đánh 1 sao.
Nhưng bên bán hàng chỉ trả lời rằng: “Em chào chị ạ, nếu mình có bất kỳ vấn đề gì cần xử lý mình nhắn bên em hỗ trợ mình ạ, có gì chị phản hồi lại giúp em để em hỗ trợ ạ. Mong chị sẽ giúp em đánh giá lại phản hồi 5 sao, kẻo em sẽ bị phạt vì điểm tiêu cực ạ. Chúng em sẽ cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ ạ”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng thông tin sai lệch từ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định của người dùng.
Chẳng hạn một KOL “tự phong” review sản phẩm mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng không đúng sự thật (khen quá mức sản phẩm hoặc là review bất chấp dù chưa dùng), khiến người dùng mua và gặp vấn đề sức khỏe (dị ứng da, viêm nhiễm hoặc nặng hơn là các vấn đề sức khỏe khác). Gần đây nhất có vụ “kẹo rau” Kera.
Người trẻ cẩn trọng khi xem và mua hàng được quảng cáo trên TikTok – Ảnh: T.T.D.
“Báo hóa”, “truyền hình hóa” để câu tương tác, thu lợi bất chính
Theo nhiều chuyên gia, xu hướng “báo hóa”, “truyền hình hóa” hoạt động của nhiều trang tin, mạng xã hội, kênh nội dung đang ngày càng rõ rệt. Nhiều Facebooker, TikToker, YouTuber hoạt động như phóng viên các tờ báo, biên tập viên các đài truyền hình ngay trên trang, kênh cá nhân của mình.
Ông Võ Quốc Hưng, giám đốc tăng trưởng Công ty truyền thông Tonkin, cho rằng rất nhiều trang tin, kênh YouTube, TikTok đang hoạt động như các cơ quan báo chí, đài truyền hình nhưng không chịu sự kiểm duyệt theo Luật Báo chí. ”
Điều này dẫn đến thông tin sai lệch, giật tít câu view, gây hoang mang cho xã hội dù chẳng có bằng chứng nào”, ông Hưng nói. Điều đáng nói là trong khi các trang báo chí chính thống, đài truyền hình phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt, các kênh YouTube, TikTok lại tự do hoạt động, không cần bất kỳ giấy phép nào.
Cũng theo ông Hưng, một tác động rất lớn của tình trạng “báo hóa”, “truyền hình hóa” là ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức xã hội.
“Một cái tin giật gân lan truyền và được tin gấp sáu lần tin bình thường nên các kênh “báo hóa”, “truyền hình hóa” thường giật tít, đưa tin một chiều để thu hút lượt xem, làm méo mó nhận thức của người xem, đặc biệt là gen Z (chiếm 25% dân số Việt Nam, theo Kantar 2024) – thế hệ làm chủ đất nước trong tương lai”, ông Hưng đánh giá.
Do vậy theo các chuyên gia, cần thành lập cơ quan chuyên giám sát các kênh YouTube, TikTok, trang tin. Đơn vị này sẽ phối hợp các nền tảng (TikTok, YouTube…) theo dõi nội dung, xử lý vi phạm và có quyền yêu cầu nền tảng phải xử lý ngay các chế tài (cấm sóng, xóa nội dung…) khi có quyết định.
60% gen Z tin review
Theo số liệu từ nghiên cứu của Kantar năm 2024, Việt Nam có đến 60% thế hệ gen Z (khoảng 15 triệu người) tin vào review của KOL, KOC trên TikTok và có khoảng 40% trong số đó từng mua sản phẩm kém chất lượng do review không trung thực.
Người xem, đặc biệt là gen Z và Millennials (chiếm 70 triệu người dùng mạng xã hội tại Việt Nam), dễ bị cuốn vào các livestream bán hàng với lời quảng cáo hoa mỹ, dẫn đến một chuỗi hệ lụy như mua sắm bốc đồng, gây lãng phí tài chính, rồi lại gây áp lực lên môi trường…
Việc KOL/KOC bất chấp chất lượng sản phẩm để quảng cáo theo kịch bản cũng làm suy giảm chuẩn mực đạo đức trong truyền thông.
Ngoài ra nhiều KOL/KOC tự phong hợp tác với các thương hiệu không uy tín, quảng bá sản phẩm giả, kém chất lượng hoặc tham gia các mô hình đa cấp trá hình cũng góp phần trực tiếp đến việc làm tăng lừa đảo trên mạng.
Một hệ lụy khác là gây tác động xấu đến thị trường và cạnh tranh công bằng. Các doanh nghiệp chân chính hoặc doanh nghiệp nhỏ, không đủ ngân sách thuê KOL/KOC sẽ bị lép vế trước các thương hiệu lừa đảo do có biên lợi nhuận dày nên có ngân sách thuê KOL/KOC để “lăng xê” sản phẩm dù chất lượng không tốt.
Tỷ phú Trung Quốc chỉ trích mô hình bán hàng livestream. “Ông vua nước khoáng” Trung Quốc Zhong Shanshan từng chỉ trích gay gắt mô hình bán hàng livestream và cuộc đua giá rẻ, cho rằng mô hình này làm xói mòn giá trị thương hiệu nội địa.
Tỷ phú Zhong Shanshan – Chủ tịch kiêm nhà sáng lập thương hiệu nước khoáng Nongfu Spring – từng thể hiện thái độ quyết liệt đối với mô hình thương mại điện tử livestream – xu hướng đang càn quét thị trường bán lẻ Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây.
“Những người livestream bán hàng hoàn toàn có thể dùng chất xám và tâm huyết để tạo ra điều gì đó có giá trị hơn. Tôi sẽ không bao giờ làm livestream, và tôi cũng không tôn trọng những người làm vậy”, ông Zhong phát biểu đầy thẳng thắn.
Không chỉ dừng ở lời chỉ trích, ông còn ví doanh nghiệp livestream là những thực thể “phẳng” – không có chiều sâu chiến lược, không gốc rễ văn hóa hay giá trị sản phẩm thực chất mà chỉ bán hàng chạy theo trào lưu, tờ Caixin cho biết.
Trong khi đó, ông khẳng định mô hình kinh doanh của Nongfu Spring là “thẳng đứng”, tức phát triển từ nền tảng vững chắc, tôn trọng tự nhiên, đầu tư dài hạn vào chất lượng sản phẩm và thương hiệu.
Bên cạnh livestream bán hàng, tỷ phú Zhong còn bày tỏ lo ngại về chiến lược “giảm giá bằng mọi giá” của một số nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt nhắc đến Pinduoduo – công ty nổi tiếng với mô hình bán hàng siêu rẻ.
“Đây không chỉ là việc doanh nghiệp xấu đẩy lùi doanh nghiệp tốt. Đây là hướng đi công nghiệp sai lệch, gây tổn hại lớn đến toàn bộ hệ sinh thái sản xuất trong nước”, ông Zhong cảnh báo.
Theo ông, việc các doanh nghiệp chạy theo giá rẻ khiến các thương hiệu nội địa bị bào mòn lợi nhuận, không còn dư địa để đầu tư vào R&D (nghiên cứu – phát triển), nâng cấp sản phẩm hay xây dựng hình ảnh.
Về lâu dài, điều này làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc, đẩy nền công nghiệp tiêu dùng vào vòng xoáy ngắn hạn, lệ thuộc vào khuyến mãi và tâm lý tiêu dùng dễ dãi.
Theo danh sách tỷ phú năm 2025 của Forbes, ông Zhong Shanshan hiện sở hữu khối tài sản 56,5 tỷ USD, đứng thứ 2 tại Trung Quốc và thứ 27 toàn cầu.
Sinh năm 1954 tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, ông có xuất thân bình dân, từng làm công nhân xây dựng và phóng viên trước khi thành lập Nongfu Spring vào năm 1996. Ngoài lĩnh vực đồ uống, ông còn là cổ đông lớn của Công ty Dược phẩm Sinh học Bắc Kinh Wantai, khẳng định tầm ảnh hưởng trong nhiều ngành công nghiệp.
Phát biểu của ông Zhong được đưa ra trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử livestream tại Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ và gần như trở thành một hiện tượng xã hội.
Theo thống kê của Trung tâm Internet Trung Quốc (CNNIC), tính đến cuối năm 2023, đã có hơn 750 triệu người dùng livestream tại Trung Quốc. Doanh thu từ livestream thương mại điện tử đạt hơn 4.900 tỷ NDT (khoảng 700 tỷ USD).
Các nền tảng như Taobao Live, Douyin và Kuaishou tổ chức hàng triệu buổi livestream mỗi tháng, mang về doanh số hàng nghìn tỷ nhân dân tệ.
Mô hình này không chỉ thu hút người tiêu dùng nhờ giá rẻ, mà còn nhờ tính tương tác cao, kết hợp giữa mua sắm và giải trí. Tuy nhiên, đằng sau hào quang là nhiều vấn đề như gian lận, thông tin sai lệch, quảng cáo lố, chất lượng sản phẩm kém,…
Đặc biệt, một số KOL dùng chiêu trò gây tranh cãi, thiếu đạo đức nghề nghiệp đã làm giảm niềm tin người tiêu dùng khiến các cơ quan quản lý của Trung Quốc ngày càng siết chặt quản lý thuế, nội dung và hành vi livestream.
Livestream bán hàng đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Thị trường bán hàng Livestream đã thay đổi thói quen tiêu dùng.
Tốc độ tăng trưởng của livestream bán hàng:
Phổ biến nền tảng:Theo AccessTrade Việt Nam, trong năm 2024 ba nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Trung bình mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng. Doanh số của 5 sàn giao dịch phổ biến đạt trung bình 25.300 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng.
Thói quen tiêu dùng:Khảo sát của NielsenIQ Việt Nam cho thấy, khoảng 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong 3 tháng đầu năm 2024, và trung bình mỗi người dành 13 giờ/tuần để xem các buổi livestream bán hàng.
Năm 2025, việc bán hàng qua livestream tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Để hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động này, nhiều công cụ và nền tảng đã được sử dụng rộng rãi. Dưới đây là một số công cụ phổ biến:
1. Công cụ hỗ trợ livestream:
Sapo GO:Cung cấp giao diện thân thiện, dễ sử dụng, cho phép tự động nhắn tin nhắc nhở khách hàng khi họ bình luận thiếu hoặc chưa đúng cú pháp. ACCESSTRADE
OBS (Open Broadcast Software):Phần mềm miễn phí với nhiều tính năng vượt trội, hệ thống ổn định, hỗ trợ livestream chuyên nghiệp. ACCESSTRADE
GoStream:Cho phép phát livestream đồng thời trên nhiều nền tảng, giúp tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng. gostream.co
2. Phần mềm hỗ trợ tăng tương tác và chốt đơn:
Fplus:Hỗ trợ tăng lượt xem và tương tác cho các buổi livestream.
Ninja Share Livestream:Tăng khả năng tiếp cận bằng cách chia sẻ livestream đến nhiều nhóm và trang khác nhau.
UPOS, Chotdon, KiotViet:Hỗ trợ quản lý đơn hàng, khách hàng và kho hàng hiệu quả trong quá trình livestream.
3. Nền tảng mạng xã hội phổ biến cho livestream:
Facebook Live:Chiếm 23% tổng số phiên livestream của nhà bán hàng đang kinh doanh đa kênh hoặc chỉ bán online. Báo Công Thương
TikTok Live:Chiếm 18% tổng số phiên livestream, đặc biệt phổ biến với giới trẻ và các sản phẩm thời trang, làm đẹp. Báo Công Thương
Shopee Live:Chiếm 10% tổng số phiên livestream, chủ yếu được sử dụng bởi doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyên bán trên sàn thương mại điện tử. Báo Công Thương
Việc lựa chọn và kết hợp các công cụ trên sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả bán hàng qua livestream, tăng tương tác và doanh số cho doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn về bí quyết livestream bán hàng hiệu quả, bạn có thể tham khảo kênh thông tin website chúng tôi Ver2Solution.com