Connect with us

Tâm Lý Học NTD

Thế hệ tiêu dùng trẻ gen Z

Published

on

Với khả năng nắm bắt xu hướng nhanh chóng, thế hệ tiêu dùng trẻ gen Z đang góp phần tái định hình cách thức doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và quản trị nguồn nhân lực.

Dự báo sẽ chiếm gần 1/3 tổng lượng người tiêu dùng tại Việt Nam vào năm 2025, thế hệ gen Z là nhóm khách mà các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận, không muốn bị “lỡ nhịp”.

Không đơn thuần là người tiêu dùng mới

Nguyễn Trung Bá Thức (sinh năm 1997), nhà sáng lập thương hiệu thời trang Levents, cho biết hãng hướng tới đối tượng khách hàng chính là gen Z. Levents không bán quần áo mà “bán cảm xúc và giấc mơ”.

Slogan này tương đồng với đặc thù của gen Z, thế hệ khách hàng không chỉ mua sản phẩm mà còn mua trải nghiệm, cá tính và cảm xúc gắn liền với thương hiệu, góp phần tạo ra một văn hóa mua sắm mới.

Nhắm đến nhóm khách hàng từ 18 – 24 tuổi có thu nhập cao (từ gia đình hoặc tự kinh doanh), Thức nói với Tuổi Trẻ: “Đây là những người đang khám phá bản thân và chịu ảnh hưởng từ phong cách sống của các thần tượng.

Vì vậy, phần lớn nhân sự của thương hiệu này tập trung mạnh tận dụng các công cụ số để vào chiến dịch tiếp thị cảm xúc, kể câu chuyện truyền cảm hứng từ các rich-kid và các bạn trẻ thành công”.

Trong khi đó, với nội dung gần gũi về học tiếng Anh, lối sống và công việc hằng ngày, Kênh YouTube do MC Khánh Vy (sinh năm 1999) thành lập hiện có hơn 2,1 triệu người đăng ký.

Kênh của cô không chỉ thu hút hàng triệu lượt xem mà còn giúp Khánh Vy trở nên nổi tiếng, mở đường cho việc hợp tác với nhiều thương hiệu lớn và tạo ra nguồn thu đáng kể từ quảng cáo.

Những kênh mang dấu ấn cá nhân và trở thành “đại diện thương hiệu” như vậy không hiếm trong thời điểm hiện nay.

Nền tảng YouTube cho biết sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam, họ đã thu hút hơn 50 triệu người dùng và có hơn 1.800 kênh của các nhà sáng tạo, nghệ sĩ và doanh nghiệp.

Và tính đến cuối năm 2024, số lượng kênh đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng từ tính năng bật quảng cáo đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Điều này càng được củng cố bởi khảo sát của Nielsen, ghi nhận khoảng 55% người tiêu dùng gen Z thường xuyên tham khảo đánh giá từ các người có sức ảnh hưởng như KOL/KOC có lượng theo dõi từ 10.000 – 100.000 trên mạng xã hội trước khi mua sắm trực tuyến.

“Thế hệ người dùng trẻ này đang trở thành lực lượng quan trọng trong nền kinh tế số thông qua việc sáng tạo và “tiêu thụ” nội dung trên các nền tảng như TikTok hay YouTube”, khảo sát nhìn nhận.

Tìm cách chinh phục khách hàng trẻ

Cũng theo thống kê của Nielsen, gen Z tại Việt Nam sẽ đạt 14,7 triệu người trong năm 2025 và chiếm khoảng 30% tổng số người tiêu dùng. Lực lượng này sẽ đóng góp 21% vào nguồn lao động, trở thành nhóm có ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu dùng và văn hóa làm việc.

Tuy nhiên, nhóm khách này cần nhiều hơn một sản phẩm tốt – đó phải là câu chuyện, cảm xúc và trải nghiệm mà họ có thể tin tưởng và đồng hành lâu dài.

Bà Nguyễn Hoài Xuân Lan, đồng sáng lập Coolmate, chia sẻ với báo Tuổi Trẻ: công ty đã lên kế hoạch chinh phục gen Z bởi hiện phần lớn khách hàng truyền thống của hãng đều trên 25 tuổi.

Bà Lan thừa nhận Coolmate chưa thể cạnh tranh với nhiều thương hiệu trong việc thu hút gen Z.

“Chúng tôi cần thêm thời gian để nghiên cứu cách tiếp cận và phát triển sản phẩm phù hợp. Đây là nhóm khách hàng mà chúng tôi phải chinh phục, vì họ chiếm tỉ lệ ngày càng lớn trong thị trường”, bà Lan nói.

Theo quan sát của chủ thương hiệu thời trang nội địa này, gen Z sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm “đúng gu” và dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè hoặc KOL trên TikTok. Họ thường ra quyết định mua sắm nhanh chóng, không quá đắn đo như các thế hệ trước.

Tại Coolmate, nơi phần lớn nhân viên là gen Z, bà Lan cho biết công ty cũng đã phải điều chỉnh cách quản lý để phù hợp.

“Không thể to tiếng mà mong họ nghe theo”, bà nói. Ngoài lương thưởng xứng đáng, lộ trình thăng tiến rõ ràng và sự minh bạch trong chính sách là yếu tố then chốt để giữ chân nhân viên gen Z.

Thế hệ gen Z là những người sinh từ khoảng năm 1997 – 2012, còn được gọi là công dân của thời đại số. Tính đến năm 2025 thì gen Z sẽ vào khoảng từ 13 – 28 tuổi.

Với nền kinh tế số, họ không chỉ là người tiêu dùng thụ động mà còn là những người sáng tạo nội dung, khởi nghiệp và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung.

Thách thức từ thói quen tiêu dùng

Dù thành thạo công nghệ hơn các thế hệ trước, nhiều gen Z vẫn dễ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến, đặc biệt khi mua các sản phẩm liên quan đến thần tượng. Điển hình là các vụ lừa bán vé concert K-pop giả tại Hà Nội và TP.HCM.

Trong các sự kiện âm nhạc gần đây, nhiều bạn trẻ mất tiền khi mua vé giá rẻ, từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng so với giá gốc 2 – 3 triệu đồng, qua các tài khoản giả mạo trên Facebook, Zalo.

Ngoài ra, thói quen mua sắm trực tuyến quá mức cũng là vấn đề đáng lo ngại. Trần My (26 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) thường xuyên “săn sale” trên các sàn thương mại điện tử và mua vật phẩm liên quan đến thần tượng.

Cô cũng thừa nhận thường xuyên gặp rủi ro khi mua sắm trực tuyến, như đặt hàng nhưng không nhận được sản phẩm, hoặc hàng đến tay không đúng như quảng cáo dù đã thanh toán. “Mỗi lần mua là một lần hồi hộp, không biết nhận được gì.

Có lần thanh toán xong mà hàng chẳng thấy đâu, nhưng nếu dưới 500.000 đồng, tôi bỏ qua”, My nói.

Theo tuoitre.vn

Continue Reading
Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tâm Lý Học NTD

Tâm lý học : 9X là trùm FOMO Gen Z là trùm chữa lành

Published

on

Nếu thuộc thế hệ 9X, chắc hẳn bạn đã từng ít nhất một lần nói câu: “ Ngày xưa mình không như thế này” . Và lúc này, một Gen Z khác sẽ liền phản bác : “Thời của anh chị khác rồi”.9X là trùm FOMO Gen Z là trùm chữa lành .

Cứ như thế, 9X – Gen Z so sánh lẫn nhau và bị cả những thế hệ, con người khác đặt lên “bàn cân” với ti tỉ thứ khác biệt, đối lập. 9X thường bị nhận xét là lo âu, thích sự ổn định và an toàn khác với Gen Z – những người được cho là táo bạo, sẵn sàng “nhảy việc” chỉ để chữa lành ngay cả khi… chẳng rách.

Hội chứng này của 9X gọi là FOMO (fear of missing out) hiểu một cách đơn giản là “nỗi sợ bị bỏ lỡ” – sợ rằng mình đang không nắm bắt được những thông tin, sự kiện, trải nghiệm hoặc quyết định có khả năng cải thiện cuộc sống. Nó khiến bạn trằn trọc, vắt tay lên trán hàng đêm, tự đặt mình lên bàn cân so sánh mỗi sáng về thành công, tình yêu, tiền bạc,… với người khác, thế hệ khác.

Trong khi đó Gen Z ưu tiên sức khỏe tinh thần, sống cho hiện tại nhiều hơn. Thậm chí, có một giai đoạn chữa lành trở thành trend, từ khóa “chualanh”, “healing” từng lọt top 100 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam trên các nền tảng MXH.

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành- Ảnh 1.

9X FOMO còn Gen Z thì chữa lành.

Hai thế hệ liền kề nhau nhưng lại mang hai thái cực đối lập – một bên vội vã nắm bắt mọi cơ hội, bên khác lại sẵn sàng buông bỏ để mong cầu sự bình yên. Ở đây, không so sánh ai hơn ai, FOMO hay chữa lành đều là nhu cầu, đều có giá trị riêng, cái lợi – hại khác biệt. Nhưng thực tế, mỗi thế hệ đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xã hội khác nhau. Việc so sánh có thể thú vị, nhưng không nên trở thành áp lực hay định kiến.

Hơn nữa, không phải 9X nào cũng FOMO và Gen Z nào cũng có nhu cầu chữa lành. Điều này còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, mục tiêu trong cuộc sống của từng cá nhân. Vậy bạn có đang phải là một 9X FOMO hay một Gen Z mê chữa lành hay không, điều này rất dễ nhận ra nếu xét trên các khía cạnh trong cuộc sống dưới đây:

8X thì thành đạt, nhóm 18-25 giờ đã là CEO, hot TikToker còn 9X đang ở đâu?

9X FOMO thành công, đó là 1 thực tế!

Với họ, thành công có thước đo rõ ràng về mặt số liệu, tài chính, đó là: Thu nhập bao nhiêu, tài sản tích lũy ra sao, đang có chức vụ gì,… Chưa dừng lại ở đó, thành công còn phải sớm, chắc chắn, phải là một cuộc đua thành tích, vị trí với nhiều người, nhiều thế hệ khác nhau.

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành- Ảnh 2.

9X tất bật với công việc, họ FOMO thành công, tài chính mỗi ngày. Ảnh minh họa.

Có một bình luận thế này: “9X bọn tôi áp lực lắm khi ngoảnh lại đã thấy sự thành đạt, dồi dào kinh nghiệm của thế hệ 8X còn nhìn lên thì thấy các em 18-25 bây giờ là CEO, YouTuber, TikToker kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng. Nhìn sang thì thấy bạn bè làm freelancer, đầu tư,…”.

Vì thế, không ai chấp nhận mình bị bỏ lại phía sau, ai cũng miệt mài chạy lên, chạy ngang, chạy dọc không ngừng nghỉ. Rồi từ quan niệm “công việc là tất cả”, nhiều người sẽ cố gắng bám trụ, sợ bị thất nghiệp. Là thế hệ gánh trên vai áp lực thành công được định nghĩa bằng sự nghiệp, nhiều người mắc hội chứng FOMO là vậy.

Rồi cũng từ đây FOMO tài chính bắt đầu xuất hiện. Nhiều người bị ám ảnh và trăn trở đặt ra lúc này là: “Mọi người đã FIRE (tự do tài chính), còn mình thì…” .

Lúc này, Gen X lại ám ảnh với việc phải có tài chính vững chắc, nghỉ hưu sớm. FOMO khi thấy người khác thu nhập 6-7 chữ số, trong khi mình vẫn loay hoay với những đồng lương khởi điểm. Nhiều người cũng có tâm lý chạy theo trào lưu, mua sắm theo tâm lý đám đông vì sợ lạc hậu.

Tất cả như một tảng đá đè nặng, song điều này cũng khiến cho nhiều người sống có trách nhiệm, có kế hoạch rõ ràng hơn, dù sao thì câu “áp lực tạo kim cương” cũng chẳng sai.

Ngược lại cũng với chữ thành công thì Gen Z lại có định nghĩa khác, họ đặt work-life balance (cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân – PV) lên hàng đầu. Hiểu đơn giản là lúc này thành công không chỉ còn gắn liền với công việc nữa mà còn gắn với yếu tố cuộc sống cá nhân. Nhiều Gen Z quan điểm “không hợp thì nghỉ, sức khỏe tinh thần là quan trọng hơn”. Văn hóa “quiet quitting” – làm đúng trách nhiệm, không ôm đồm cũng phổ biến trong thế hệ này. Yếu tố chữa lành trong công việc được đẩy lên trên hết!

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành- Ảnh 3.

Là chúa chữa lãnh, Gen Z chẳng ngại nghỉ việc khi thấy sức khỏe tinh thần không ổn. Ảnh minh họa.

Gen hiểu rằng thành công không chỉ là thu nhập cao mà còn là sức khỏe tinh thần, mối quan hệ chất lượng và sự thoải mái trong cuộc sống.

Chính vì tâm lý này, nên Gen Z cũng là thế hệ cởi mở trong tài chính. Nhiều người quan điểm sống cho hiện tại nhiều hơn nên cởi mở được gánh nặng tích lũy. “Mình chỉ cần sống đủ không chạy đua vô nghĩa”, một netizen bình luận. Chính vì vậy, gen Z hướng đến lối sống tối giản, chi tiêu thông minh,…. Biến từ “Áp lực kiếm tiền” thành “Quản lý tài chính lành mạnh”.

Gen Z dùng app thiền, AI trò chuyện, theo dõi nội dung tích cực trên mạng

Từ mạng xã hội, đến các các ứng dụng công nghệ, 9X luôn lo sợ mình bị cũ. Nếu không biết trend mới nhất họ cảm thấy như bị “bỏ rơi” khỏi thế giới đang không ngừng chuyển động.

Nếu 9X FOMO thì Gen Z ngược lại. Đúng với tinh thần chúa chữa lành. Các bạn trẻ xem chuyện bắt kịp xu hướng, công nghệ như một liệu pháp chữa lành hiệu quả. Người trẻ trò chuyện với AI, thay vì hỏi về công việc, tài chính thì đây có thể là nơi tâm sự đủ thứ trên đời, nói ra những áp lực, âu lo để giãy bày tâm trạng hoặc xin lời khuyên,…

Ngoài tập yoga, gym ở các phòng tập, khi về nhà, nhiều Gen Z cũng dùng điện thoại, tải app thiền, hỗ trợ thiền định, để giúp tâm trí tĩnh lặng, giảm lo lắng, kiểm soát căng thẳng và ngủ sâu.

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành- Ảnh 4.

9X lo sợ bắt không kịp trend của Gen Z, vậy thì có tụt hậu không? Ảnh minh họa.

Thay vì phải update mọi trend mới nhất, Gen Z chọn những thứ phù hợp với mình. Họ không ép buộc bản thân phải chạy theo một xu hướng, định hướng phong cách chung của đám đông nào đó chỉ để hòa nhập, mà tập trung vào sở thích cá nhân.

9X áp lực kết hôn, sinh con. Gen Z: Độc thân vui mà!

Trong một thế giới mà tình yêu dường như ở khắp mọi nơi, việc độc thân đôi khi không chỉ là một trạng thái, mà còn trở thành một nỗi lo vô hình. Càng trở thành vấn đề hơn bao giờ hết khi 9X đang ở giữa kỷ nguyên của mạng xã hội và dating app, tình yêu không chỉ là cảm xúc – nó còn là một “cuộc đua” mà nếu chậm chân, bạn có thể bị bỏ lại phía sau.

Khi mở Facebook hay Instagram, 9X dễ dàng thấy bạn bè check-in du lịch couple, chia sẻ khoảnh khắc gia đình ngọt ngào. Trong khi đó, họ vẫn lẻ bóng, tối đến chỉ có thể lướt các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Bumble rồi tự hỏi: “Tại sao match hoài mà chẳng ai nhắn trước?”. FOMO tình yêu không chỉ đến từ mạng xã hội mà còn từ chính những áp lực vô hình: độ tuổi kết hôn lý tưởng, sự kỳ vọng của gia đình hay nỗi lo “một mình mãi mãi”.

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành- Ảnh 5.

Gen Z vui vẻ tận hưởng cuộc sống độc thân hơn, thậm chí họ đã sẵn sàng cho cuộc sống không chồng, không con bởi với họ, như thế sẽ bớt gánh nặng, sống chill hơn? Ảnh minh họa.

Gen Z thì khác, đặt chữa lành lên hàng đầu nên đã chuyển từ “bị áp lực yêu đương” trở thành “tận hưởng độc thân”.

Với Gen Z, tình yêu không còn là một “điểm đến” mà là một hành trình – nơi họ học cách yêu bản thân trước khi yêu người khác. Không còn chạy theo những tiêu chuẩn hẹn hò truyền thống hay áp lực phải “có gấu”. Gen Z chọn cách chữa lành trước, rồi mới bước vào một mối quan hệ với tâm thế vững vàng hơn.

Họ đọc sách tâm lý, nghe podcast về các chủ đề yêu bản thân bắt đầu từ bên trong bạn, có thể viết nhật ký mỗi ngày, trò chuyện với bạn bè, người thân hoặc AI để hiểu rõ cảm xúc của chính mình. Trên mạng xã hội, Gen Z tạo ra những cuộc thảo luận về tình yêu lành mạnh, yêu không chỉ gói trọn trong mối quan hệ nam – nữ, với gia đình mà còn với cả chính mình. Đó nên là điều ưu tiên.

“Mình có đang tụt lại phía sau không?”

Giữa những vlog du lịch Bali, check-in cà phê tối giản, clip tập yoga chữa lành, nhiều 9X bỗng hoang mang: “Mình có đang tụt lại phía sau không?”. Trong khi Gen Z làm freelancer, uống matcha mỗi sáng, 9X vẫn quen với công việc văn phòng và bữa tối mì gói. Áp lực không chỉ đến từ công việc, mà còn từ chính phong cách sống. Không “bắt trend” đồng nghĩa với nguy cơ bị gọi là kẻ tụt hậu, “nhà quê”.

Không còn bị cuốn vào guồng quay “phải thành công sớm” hay “phải sống đúng chất”, Gen Z đang định nghĩa lại phong cách sống theo cách riêng – chậm hơn, sâu hơn và lành mạnh hơn. Họ tối giản đồ đạc để bớt áp lực vật chất, chọn yoga, thiền định, biết nhật ký để chữa lành tâm trí, uống matcha thay vì cà phê để chăm sóc cơ thể.

Sau cùng, sống chất không nằm ở việc chạy theo xu hướng, mà ở chỗ tìm ra nhịp sống phù hợp với chính mình.

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành- Ảnh 6.

Với Gen Z, chữa lành không phải là bắt kịp ai, mà là tìm ra phiên bản thoải mái nhất của chính mình. Ảnh minh họa.

Thay vì chạy theo hustle culture (văn hóa “cày cuốc”, một phong cách làm việc tập trung vào việc nỗ lực không ngừng nghỉ, thường xuyên làm ngoài giờ -PV) như nhiều người ở thế hệ trước, Gen Z tìm kiếm sự cân bằng: Có người làm freelancer du mục, có người tận hưởng niềm vui nhỏ mỗi ngày. Không còn công thức chung nào cho một cuộc sống “chuẩn Gen Z” – điều quan trọng nhất là tìm được nhịp sống khiến họ thực sự hạnh phúc.

Nếu thế hệ trước coi “ổn định” là đích đến, thì 9X lại mắc kẹt giữa mong muốn phát triển và nỗi sợ đi sai đường. Nhưng đôi khi, không có con đường hoàn hảo – chỉ có những bước đi vững vàng và sẵn sàng điều chỉnh khi cần.

Ngược lại, vì sống theo phương châm chữa lành là chính, Gen Z quan điểm rằng không có đường sai, chỉ còn đường chưa đi. Thay vì áp lực, trách móc chính mình, thay vì gồng mình tìm một con đường hoàn hảo, họ dần học cách chữa lành bằng việc chấp nhận thử và sai, điều chỉnh theo từng giai đoạn.

Lớn lên giữa vô vàn lựa chọn, Gen Z dễ mắc kẹt trong nỗi sợ “chọn sai” – sai ngành, sai công ty, sai hướng đi. Có người nhảy việc để khám phá bản thân, có người nghỉ ngơi để tìm lại đam mê, có người kết hợp nhiều nghề một lúc để không bị bó buộc. Với Gen Z, định hướng không còn là điểm đến cố định, mà là hành trình linh hoạt – nơi mỗi bước đi, dù rẽ trái hay phải, đều là một phần của trưởng thành.

9X là trùm FOMO, Gen Z là trùm chữa lành- Ảnh 7.

Bạn đang nghĩ suy về điều gì? Ảnh minh họa.

Tựu trung, 9X lao về phía trước, sợ chậm một bước sẽ lỡ mất cơ hội. Gen Z chậm lại, tin rằng ý nghĩa không nằm ở tốc độ mà ở việc hiểu mình thật sự muốn gì. Một thế hệ từng quẩn quanh với áp lực phải “đúng chuẩn”, một thế hệ học cách tháo gỡ nhãn dán để sống theo cách riêng.

Dù chạy hay dừng, dù FOMO hay chữa lành, cả hai thế hệ đều đang đi tìm câu trả lời cho cùng một câu hỏi: Rốt cuộc, sống thế nào mới thực sự có ý nghĩa?

Theo Cafebiz

Continue Reading

Tâm Lý Học NTD

Bản chất của giao tiếp không phải trèo cao, mà là sự thu hút lẫn nhau trên một mặt bằng bình đẳng!

Published

on

Tâm lý học: Tại sao người tự ti luôn tìm cách lấy lòng kẻ khác? Bản chất của giao tiếp không phải trèo cao, mà là sự thu hút lẫn nhau trên một mặt bằng bình đẳng!

Bất kỳ mối quan hệ nào thực sự lành mạnh, đều không thể đạt được bằng sự hy sinh. Ai cũng ngưỡng mộ một người có khí chất kiêu hãnh, nhưng chẳng ai thích một kẻ quá mức tự ti.

Cách đây không lâu, tôi xem một bộ phim nước ngoài có tên “Phàm nhân ca”, trong phim có một cảnh của nhân vật Thẩm Lâm khiến tôi cảm thấy nhói lòng. Là một người mẹ hai con, sau nhiều năm rời khỏi môi trường làm việc, cô ấy lại phải ra ngoài kiếm tiền. Khó khăn lắm mới tìm được một công việc tại công ty của bạn học cũ, cô ấy rất sợ bị đồng nghiệp xa lánh. Thế nên, ngay từ ngày đầu đi làm, cô ấy đã cố gắng “làm thân” với mọi người. Thường xuyên hỏi han xem có ai cần giúp đỡ không, buổi trưa chủ động giúp mọi người gọi cơm, lấy đồ ăn. Rõ ràng không quen uống trà sữa, nhưng vẫn đặt chung với mấy cô gái trẻ, chỉ để họ kéo cô ấy vào nhóm trò chuyện. Cô ấy đã thể hiện đủ sự nhiệt tình và chân thành, nhưng đồng nghiệp vẫn luôn lạnh nhạt, giữ khoảng cách. Thậm chí có người còn thì thầm sau lưng: “Sao cứ phải thân thiết với bọn mình thế nhỉ? Đâu cần thiết đến vậy.”

Nhìn qua màn hình, tôi thấy xấu hổ thay cô ấy, đồng thời cũng cảm thấy hổ thẹn cho chính mình. Bởi vì lúc mới đi làm, tôi cũng chẳng khác gì cô ấy. Trong công việc thì luôn cố gắng lấy lòng người khác, chỉ sợ làm phật ý ai; trong cuộc sống thì ra sức cho đi, chỉ mong có được thiện cảm từ mọi người. Nhiều năm trôi qua, nghĩ lại những chuyện ngày đó, tôi thật sự hối hận vô cùng. Bởi vì những gì tôi bỏ ra không những không đổi lại được tình cảm chân thành, mà còn bị gán mác là “nhu nhược” và “ngốc nghếch”. Đặc biệt là khi tuổi tác lớn hơn, những lo toan trong cuộc sống ngày một nhiều, tôi lại càng không còn tâm trí để dây dưa với những người không quan trọng.

Rất đồng tình với câu nói của nhà văn Tô Cầm: Những mối quan hệ thực sự tốt đẹp đều không cần phải gắng sức.

Tâm lý học: Tại sao người tự ti luôn tìm cách lấy lòng kẻ khác? Bản chất của giao tiếp không phải trèo cao, mà là sự thu hút lẫn nhau trên một mặt bằng bình đẳng!- Ảnh 1.

01 – Đừng cố gắng lấy lòng người khác

Nhà tư vấn tâm lý Vũ Chí Hồng từng tiếp nhận một khách hàng tên là Tây Tây. Tây Tây không thể hiểu nổi tại sao mình luôn thân thiện, nhưng các mối quan hệ lại tệ đến vậy. Dù là với đồng nghiệp, bạn bè hay trong chuyện tình cảm, cô ấy luôn đặt người khác lên hàng đầu. Cô ấy đã rất cố gắng vun đắp từng mối quan hệ, nhưng chẳng ai thực sự trân trọng cô. Dần dần, Tây Tây cảm thấy lạnh lẽo, như thể bị cả thế giới bỏ rơi.

Nghe xong câu chuyện của cô ấy, Vũ Chí Hồng cũng chia sẻ trải nghiệm của chính mình. Khi còn trẻ, ông từng tin rằng chỉ cần hết lòng với người khác, mình sẽ nhận lại được tình yêu và sự trân trọng. Ngay cả khi nhận được tin nhắn cầu cứu lúc nửa đêm, ông cũng lập tức chạy đến giúp đỡ. Nhưng khi những chuyện như vậy lặp đi lặp lại, ông không những chẳng cảm thấy ấm áp, mà còn kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.

Sau này, khi nghiên cứu tâm lý học, ông mới hiểu rằng tất cả những điều đó bắt nguồn từ “tính cách luôn muốn lấy lòng người khác”. Nguyên nhân sâu xa là đứa trẻ bên trong chúng ta quá yếu đuối, chỉ có thể tìm kiếm giá trị của mình qua sự công nhận của người khác. Vậy nên, lời khuyên của ông là: Hãy chọn cách rời xa một số người nhất định. Những trái tim mãi mãi không thể sưởi ấm, những kỳ vọng không bao giờ có thể đạt tới, thì hãy buông bỏ đi.

Nhà văn Duy Nạp, trước khi trở thành tác giả, từng làm nhân viên văn phòng. Cô ấy luôn đặt mình ở vị trí thấp trong công ty, mỗi ngày đều cẩn trọng “phục vụ” người khác. Để lấy lòng đồng nghiệp, thậm chí cô còn tự nguyện nhường lại thành quả lao động của mình. Cô từng nghĩ rằng, nếu đối xử chân thành, mọi người cũng sẽ chân thành với mình. Nhưng kết quả là, không ai thực sự coi cô là bạn. Cô cảm thấy vô cùng đau khổ, theo lời cô kể, đó là một “cảm giác vỡ vụn”.

Mãi đến khi một người bạn nói với cô một câu, cô mới bừng tỉnh: “Dù có mất tất cả, cũng đừng bao giờ đánh mất lòng tự tôn”. Nghe xong câu nói ấy, sau một hồi đấu tranh nội tâm, Duy Nạp quyết định không cố lấy lòng ai nữa. Cô đã chuẩn bị tinh thần bị cô lập, nhưng không ngờ, càng giữ vững nguyên tắc của mình, công việc của cô lại càng thuận lợi hơn.

Nhìn lại quá khứ, cô nói: “Tôi nhận ra rằng, tất cả những đau khổ khi ấy đều xuất phát từ việc tôi muốn làm hài lòng tất cả mọi người.”

Triết gia Schopenhauer từng viết trong Trí Tuệ Cuộc Sống: “Một trong những điểm yếu lớn nhất của con người là quá xem trọng cách người khác nhìn nhận về mình.”

Vì một người nào đó, vì một mối quan hệ nào đó, quá nhiều người đã vô tình rơi vào cái bẫy của sự lấy lòng. Nhưng thế giới này sẽ không bao giờ ưu ái những ai xem nhẹ chính mình. Bất kỳ mối quan hệ nào thực sự lành mạnh, đều không thể đạt được bằng sự hy sinh. Ai cũng ngưỡng mộ một người có khí chất kiêu hãnh, nhưng chẳng ai thích một kẻ quá mức tự ti.

Tâm lý học: Tại sao người tự ti luôn tìm cách lấy lòng kẻ khác? Bản chất của giao tiếp không phải trèo cao, mà là sự thu hút lẫn nhau trên một mặt bằng bình đẳng!- Ảnh 2.

02 – Đừng cố gắng chiều lòng người khác

Nữ diễn viên Đào Hân Nhiên sau khi đóng Chân Hoàn Truyện đã nhanh chóng rời xa màn ảnh. Nhiều người cảm thấy tiếc nuối cho cô, nhưng trong một cuộc phỏng vấn, cô nói: “Lớn tuổi rồi, tôi không còn hứng thú đóng kịch với ai cả. Hợp thì chơi, không hợp thì rời đi”. Với những “mối quan hệ hời hợt”, có thể xóa bạn bè, hủy theo dõi trên mạng xã hội, không cần phải nhấn thích bài đăng trên mạng xã hội.

Thật khâm phục sự dứt khoát của cô ấy. Vì chuyện này, không phải ai cũng dám nghĩ đến, chứ đừng nói là làm.

Vậy nên mới có những người dù chán ghét những buổi nhậu nhẹt nhưng vẫn phải miễn cưỡng tham gia, chịu đựng suốt mấy tiếng đồng hồ;

Dù xa cách đến mức quên cả tên họ hàng, mỗi dịp lễ Tết vẫn gượng gạo đến thăm hỏi;

Dù cả năm trời chẳng liên lạc, nhưng khi một người bạn cũ nhờ vả, vẫn không nỡ từ chối.

Khi còn trẻ, người ta thích sự náo nhiệt, sợ cô đơn, hứng thú với việc kết giao rộng rãi. Nhưng đến một độ tuổi nhất định, thời gian dần ít đi, năng lượng dần cạn kiệt, người ta lại khao khát sự tĩnh lặng.

Tôi đặc biệt ngưỡng mộ nhà văn Lý Quyên vì điều này. Sau khi bộ phim “A Lặc Thái của Tôi” gây sốt, tên tuổi của cô ấy cũng bùng nổ. Các buổi phỏng vấn, livestream, tọa đàm dồn dập kéo đến. Thế nhưng, chỉ sau một đến hai tháng, cô ấy lại biến mất khỏi mọi phương tiện truyền thông.

Lý do là gì? Hãy xem cách cô ấy tham gia phỏng vấn, bạn sẽ hiểu. Bất kể chương trình sắp đặt ra sao, bất kể người dẫn dắt phấn khích thế nào, cô ấy vẫn bình thản. Cô chỉ nói những gì mình muốn nói, còn không muốn, cô ấy im lặng. Nếu cảm thấy không hợp chuyện, cô thậm chí không che giấu sự nhàm chán của mình. Có người bảo cô đã bỏ lỡ cơ hội tận dụng sự nổi tiếng, nhưng thực chất, đó là lựa chọn có ý thức để tránh xa những ồn ào vô nghĩa. Bây giờ, cô ấy đã quay trở về A Lặc Thái, tiếp tục cuộc sống nửa ẩn dật, nhẹ nhàng, tự do.

Nhà văn Lương Vĩnh An từng nói: “Mọi mối quan hệ hời hợt cuối cùng đều sẽ đi đến hồi kết.” Thay vì đợi đến lúc “diễn không nổi nữa”, chi bằng chủ động buông bỏ những mối quan hệ dư thừa.

Chúng ta không phải là kẻ trốn tránh giao tiếp, mà là người biết giữ lại năng lượng để chăm sóc chính mình. Đây không phải là “không biết hòa đồng”, mà là sự thông tuệ của người trưởng thành.

Tâm lý học: Tại sao người tự ti luôn tìm cách lấy lòng kẻ khác? Bản chất của giao tiếp không phải trèo cao, mà là sự thu hút lẫn nhau trên một mặt bằng bình đẳng!- Ảnh 3.

03 – Đừng cố gắng kết giao một cách gượng ép

Trên mạng từng có một blogger chia sẻ câu chuyện về một ông chủ nhỏ. Người này rất khao khát gia nhập một hiệp hội doanh nhân. Hiệp hội này có yêu cầu đầu vào cực kỳ khắt khe, hầu hết thành viên đều là CEO của các công ty trong danh sách Fortune 500. Biết mình không đủ đẳng cấp, ông chủ nhỏ đã tìm đủ mọi cách để tiếp cận những nhân vật quan trọng trong hội.

Ông ta bỏ ra một khoản tiền lớn để tổ chức tiệc chiêu đãi, đặt hết tất cả trứng cá muối và gan ngỗng trong một khách sạn 5 sao, tổng cộng lên đến 10kg. Để thể hiện sự chân thành, ông ta đựng chúng trong hai cái tô lớn, đặt ngay đầu bàn tiệc kèm tấm biển “Tùy thích thưởng thức”.

Kết quả là, các vị khách quý vừa nhìn thấy hai tô thức ăn khổng lồ liền mất hết cảm giác ngon miệng. Họ cũng dần xa lánh ông ta. Sau sự kiện này, ông chủ nhỏ trở thành trò cười trong giới, bị chế giễu là “nhà giàu mới nổi thiếu tinh tế”. Nhưng ngẫm lại, việc ông ấy mong muốn phát triển bản thân không có gì sai. Sai lầm nằm ở chỗ quá gượng ép để hòa nhập vào một nhóm không thuộc về mình.

Một nhà văn từng nói một câu rất thấm thía: “Thế giới rất rộng lớn, có vô số vòng kết nối. Không cố gắng hòa nhập một cách khiên cưỡng, vừa giúp người khác có không gian, vừa giữ lại lối thoát cho chính mình.”

Tiếc là, trong thực tế, khi gặp những tình huống tương tự, lòng ham muốn và hư vinh lại bắt đầu chi phối chúng ta.

Biết mình không cùng đẳng cấp với người khác, nhưng vẫn cố gắng kiễng chân để bắt tay họ. Biết bản thân chưa đủ giá trị, nhưng vẫn giả vờ giàu có để cố gắng hợp tác. Kết quả là, càng cố gắng quá mức, càng dễ làm hỏng chuyện. Vòng kết nối rất quan trọng, nhưng hiểu rõ bản thân còn quan trọng hơn. Hãy nhận thức đúng về mình, rồi từng bước nâng cao năng lực. Khi giá trị của bạn đủ cao, tự khắc sẽ có những người tài giỏi chủ động tìm đến.

Nhà văn Vương Tâm Ngao trong cuốn Bản Chất Của Con Người từng kể câu chuyện về một người đàn ông họ Lý. Anh Lý hơn 30 tuổi, làm việc trong một công ty tư nhân suốt 6 năm mà vẫn chỉ là một nhân viên mờ nhạt. Sau đó, anh quyết định chuyển việc. Chưa đầy một năm, anh liên tục thăng tiến ba bậc, từ nhân viên trở thành quản lý cấp cao. Anh tổng kết bí quyết thành công của mình nằm ở chiến lược xã giao.

6 năm trước, anh chỉ mải chạy theo các mối quan hệ, tìm mọi cách kết giao. Nhưng sau khi đổi việc, anh chuyển trọng tâm sang học nghiệp vụ và chăm sóc khách hàng. Vương Tâm Ngao nhận xét, điểm sáng suốt nhất của anh Lý là đưa sự chú ý trở lại bản thân mình.

Bản chất của giao tiếp không phải là trèo cao, mà là sự thu hút lẫn nhau trên một mặt bằng bình đẳng. Đừng đuổi theo một con ngựa, hãy dành thời gian đó để trồng cỏ. Khi xuân đến, cả vạn con ngựa sẽ tự tìm đến bạn.

Tâm lý học: Tại sao người tự ti luôn tìm cách lấy lòng kẻ khác? Bản chất của giao tiếp không phải trèo cao, mà là sự thu hút lẫn nhau trên một mặt bằng bình đẳng!- Ảnh 4.

04

Tô Thức tu hành Phật giáo vào những năm cuối đời, trước lúc lâm chung, có một nhà sư đến và khuyên ông hãy cố gắng suy nghĩ về thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Bằng cách này, linh hồn có thể thăng lên Cõi Tịnh Độ dưới sức mạnh của tư tưởng. Nhưng Tô Thức lắc đầu, nói ra bốn chữ ý tứ sâu xa: “Trứ lực tức sai”.

Ý của ông rất rõ ràng: bạn càng cố gắng thì khả năng phản tác dụng càng cao. Không có gì có thể ép buộc được, và điều này cũng đúng khi bạn tương tác với những người xung quanh.

Bởi lẽ không có mối quan hệ nào có thể đạt được bằng sự cưỡng ép, tốt hơn là hãy để mọi việc diễn ra theo tự nhiên. Nên buông tay hãy buông tay, thứ nên đến sẽ được định sẵn là phải đến.

Theo Cafebiz

Continue Reading

Tâm Lý Học NTD

Thế hệ dán mắt vào điện thoại trả giá

Published

on

Gen Z được cho là dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội và chọn sống nhàn rỗi. Việc xem nhẹ những công việc đầu đời khiến họ bỏ lỡ nhiều bài học cần thiết để trưởng thành, thế hệ dán mắt vào điện thoại trả giá.

Bài viết là quan điểm của Lucy Burton (Anh), biên tập viên chuyên mục việc làm và cây bút bình luận của tờ The Telegraph.

Những công việc đầu đời hiếm khi mang lại cảm giác hào hứng. Từ cuối tuổi teen đến đầu tuổi 20, tôi đã kinh qua đủ loại việc làm tạm bợ, như cắt lát thịt nguội trong siêu thị, phát tờ rơi cho các đêm nhạc tại câu lạc bộ, xịt nước hoa trong trung tâm thương mại đến ngồi văn phòng tẻ nhạt giữa khu công nghiệp hoang vắng.

Những công việc ấy đơn thuần là giúp tôi có thêm tiền tiết kiệm để du lịch sau đại học hay tham gia các cuộc vui cùng bạn bè. Thế nhưng, chúng cũng mang lại nhiều bài học đáng giá.

Một công việc nhàm chán ở giai đoạn đầu trưởng thành có thể dạy ta nhiều điều. Nếu Ricky Gervais – danh hài, “biểu tượng” của truyền hình Anh đầu thập niên 2000 – chưa từng nếm trải đời sống công sở tẻ ngắt, có lẽ series hài kịch The Office cũng chẳng thể ra đời.

Dù vậy, những trải nghiệm ấy đang dần biến mất.

Thế hệ lựa chọn sự nhàn hạ

Theo số liệu công bố đầu tháng 4 bởi tổ chức giáo dục Learning and Work Institute (Anh), cứ 5 người trẻ không học hành hay đi làm, thì có đến 3 người chưa từng làm bất kỳ công việc nào có lương.

Phần lớn trong nhóm NEET – Not in Education, Employment or Training (tạm dịch: “không học hành, không đi làm, không được đào tạo”) thậm chí còn không tìm việc. Trong bối cảnh tỷ lệ rối loạn tâm lý và lối sống “lười biếng” gia tăng ở người trẻ, chúng ta vẫn chưa nói đủ về những lợi ích từ việc từng làm một công việc tẻ nhạt khi còn trẻ.

the he gen z,  gen z viec lam,  the he bong tuyet anh 1
Nhiều người trẻ ngày nay coi thường các công việc đơn giản, tạm bợ, cho rằng chúng không mang lại giá trị hay thành tựu. Ảnh minh họa: Shkrabaanthony/Pexels.

Một thế hệ chỉ biết “dán mắt” vào màn hình và lựa chọn sự nhàn hạ thay vì đi làm, có lẽ rồi sẽ nhìn lại với sự tiếc nuối. Dù họ chưa nhận ra, việc tránh né trưởng thành cũng đồng nghĩa với việc bỏ lỡ vô số tương tác xã hội, cơ hội nghề nghiệp, và cả những khoảnh khắc không dễ chịu nhưng cần thiết như việc bị phê bình hay học cách phản biện.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa người trẻ phải chịu đựng những ông sếp độc đoán, thiếu tôn trọng. Nhưng việc tiếp nhận góp ý và biết tranh luận đúng mực là điều không thể thiếu trong môi trường làm việc.

Nhiều lãnh đạo đang dần mất kiên nhẫn với thế hệ trẻ. CEO Channel 4, Alex Mahon (Anh), từng nhận xét rằng nhiều bạn trẻ bước vào thị trường lao động mà không hề có khả năng tiếp nhận những ý kiến trái chiều. Đồng quan điểm, cựu huấn luyện viên Manchester United, Erik ten Hag (Hà Lan), từng chia sẻ trong năm nay rằng các cầu thủ bóng đá hiện đại khó tiếp nhận chỉ trích.

“Ở thế hệ của tôi, mọi người ‘dày mặt’ hơn nhiều. Khi đó, bạn có thể nói chuyện thẳng thắn”, ông nói.

Dù các quản lý đã học cách góp ý nhẹ nhàng hơn, nhưng mọi thứ đều có giới hạn. Việc không có công việc được trả lương trong suốt một khoảng thời gian dài đầu đời, và cũng không đi học, khiến cuộc sống của nhân sự dễ rơi vào trạng thái không phương hướng.

Theo khảo sát từ tổ chức More in Common và dự án New Britain thuộc Liên hiệp Giáo dục Quốc gia Anh, hơn một nửa số phụ huynh cho rằng con mình sẽ hạnh phúc hơn nếu không có mạng xã hội. Khi thế giới ngày càng hướng nội và gắn với không gian ảo, việc dấn thân ra bên ngoài lại trở thành điều đáng sợ với nhiều người trẻ.

Và khi những công việc đầu đời đơn giản bị bỏ qua, không ít bạn trẻ sau thời gian “NEET” bước vào thị trường lao động với tâm lý không chịu nổi sự khác biệt hay va chạm.

Rào cản trưởng thành của Gen Z

Một hãng luật tại London (Anh) trả lương lên tới 180.000 GBP (khoảng 230.000 USD)/năm cho sinh viên mới tốt nghiệp đã phải đăng tuyển vị trí “luật sư hỗ trợ”, với lý do rằng nhân viên Gen Z cần được “nắm tay chỉ việc” trong suốt ngày làm việc.

Trên blog pháp lý RollOnFriday, nơi đầu tiên đưa tin về tin tuyển dụng này, nhiều luật sư kỳ cựu phàn nàn rằng các thực tập sinh Gen Z không chịu nhận sai, thậm chí than phiền với bộ phận nhân sự khi bị góp ý.

Tôi không hoàn toàn đồng tình với định kiến cho rằng Gen Z là “thế hệ bông tuyết”, yếu mềm và mỏng manh. Rõ ràng, những vấn đề sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đến thế hệ này là có thật, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 và sự lan rộng của mạng xã hội. Nhưng với những người trẻ khỏe mạnh, có khả năng lao động nhưng lại không chủ động tìm việc, rõ ràng giá trị của lao động đã bị xem nhẹ.

Một công việc, dù đơn điệu, vẫn có thể mang lại nhiều lợi ích: mở rộng mối quan hệ, xây dựng các thói quen tốt, cải thiện kỹ năng giao tiếp và biết rõ hơn về mục tiêu nghề nghiệp. Những điều đó không chỉ có giá trị tạm thời mà còn theo ta suốt đời.

the he gen z,  gen z viec lam,  the he bong tuyet anh 2
Việc chưa từng có công việc được trả lương trước tuổi trưởng thành đang trở nên phổ biến, dẫn tới khoảng trống kinh nghiệm sống và kỹ năng xã hội. Ảnh minh họa: Anthonyshkraba Production/Pexels.

Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng có vô vàn nghiên cứu lý giải vì sao Gen Z ngày nay không còn mặn mà với công việc. Trong thời đại mà giấc mơ sở hữu nhà ở ngày càng xa vời, nhiều bạn trẻ không còn thấy việc “cày cuốc” là đáng giá. Họ tự hỏi: “Ra ngoài làm mấy ca buồn tẻ, bị sếp soi mói thì để làm gì?”.

Theo khảo sát của đơn vị nghiên cứu Gallup (Mỹ), chỉ 10% người lao động Anh nói rằng họ “thực sự hứng thú” với công việc, không phải là một bức tranh sáng sủa cho hình ảnh của thị trường lao động.

Sự đứt gãy này một phần đến từ việc thiếu định hướng nghề nghiệp. Nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Liên ngành London (Anh) cho thấy 23% người 18-24 tuổi không tin rằng có chương trình đại học phù hợp với mục tiêu sự nghiệp của họ. Trong khi đó, 45% sinh viên tốt nghiệp độ tuổi 25-34 cảm thấy “sốc” vì không được chuẩn bị đủ cho những thử thách của đời sống thực tế khi đi làm.

Nếu những người trẻ trong nhóm NEET có cơ hội làm thêm một công việc nhỏ từ sớm, họ có thể hiểu rõ hơn mình muốn gì trong tương lai. Số khác thì chứng kiến người thân bị cuốn vào guồng quay cơm áo gạo tiền và không muốn bước vào lối mòn ấy.

Theo khảo sát của doanh nghiệp tài chính Santander UK, 76% người sinh sau năm 1996 không muốn làm thuê cho người khác. Nhưng kể cả với những ai muốn làm chủ, họ cũng cần học nghề, học cách nhận góp ý và chịu được va chạm, những điều không thể thiếu để rèn tay nghề.

Theo ZingNews

Continue Reading

Trending

Copyright © 2024 Ver2solution.com .