Connect with us

TMĐT

Thương hiệu Việt ồ ạt đóng cửa, chuyên gia nói start-up có tiền là ‘lăn ra chết’

Published

on

Các thương hiệu Việt được yêu thích đóng cửa liên tục cuối năm 2024 đến nay vẫn chưa dừng; mới nhất ngày 15/2, giày MỘT lại chia tay người dùng trong sự tiếc nuối.

Phá sản, dừng hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các startup có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng một trong những lý do bất ngờ khiến startup thất bại mà chuyên gia có kinh nghiệm đưa ra, là vì có quá nhiều tiền?

Liên tục đóng cửa

Vài ngày mở cửa trở lại sau Tết Ất Tỵ, MỘT, thương hiệu giày Việt quen thuộc với giới trẻ TP.HCM, bất ngờ thông báo dừng hoạt động từ ngày 15/2.

Thương hiệu Việt ồ ạt đóng cửa, chuyên gia nói start-up có tiền là ‘lăn ra chết’- Ảnh 1.

Ngay đầu năm 2025, thương hiệu giày được giới trẻ yêu thích tiếp nối làn sóng đóng cửa. (Ảnh: MỘT)

MỘT đóng cửa để lại nhiều tiếc nuối cho các tín đồ thời trang chuộng thiết kế đơn giản, tập trung vào chất lượng rất phù hợp với thị hiếu của người trẻ. Thương hiệu giày này ra đời năm 2018, bởi nhóm 3 người bạn có chung đam mê, gồm 1 nhà thiết kế chuyên nghiệp từ Mỹ về Việt Nam, một người là dân chuyên marketing và một người sở hữu nhà máy với 30 năm kinh nghiệm sản xuất giày dép xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.

Dù ra đời giữa lúc người tiêu dùng có quá nhiều sự lựa chọn các thương hiệu nội địa và nhập khẩu, nhưng MỘT rất được lòng khách trẻ Việt vì thiết kế đơn giản nhưng sang trọng. Đặc biệt là chất lượng không thua kém các thương hiệu lớn đang nổi trên thị trường.

Đặc biệt hơn nữa là MỘT là chỉ có duy nhất một kiểu dáng giày nhưng ai cũng có thể mang được, với slogan: MỘT cho tất cả.

Kiểu dáng tối giản giúp thương hiệu nhanh chóng được yêu thích. Cũng vì vậy mà năm 2019, MỘT lọt vào top 5 Dezeen Awards trong hạng mục Thiết kế phục sức. Đây là giải thưởng vinh danh những tác phẩm, công trình thiết kế mới, ấn tượng nhất đến từ mọi quốc gia của tạp chí Dezeen (Anh) – một trong những tạp chí nổi tiếng hàng đầu thế giới chuyên về thiết kế, kiến trúc, nội thất.

Nhà thiết kế Huỳnh Quang Ngọc Hân, 1 trong 3 người sáng lập thương hiệu này, từng chia sẻ khách hàng của MỘT là những người không chạy theo trend mà là khách hàng trung thành. Đội ngũ đã ấp ủ và thực hiện ý tưởng phát triển một form giày riêng cho người Việt mà tất cả mọi người từ già, trẻ, lớn, bé ai cũng có thể mang được.

Song khi đang nhận được sự đánh giá rất tốt của khách hàng thì thương hiệu này đột ngột thông báo sẽ bán những đôi giày cuối cùng cho khách muốn lưu giữ giày như một kỷ niệm nhỏ, và đóng cửa từ 15/2.

Nhưng MỘT không phải là duy nhất.

Từ quý IV/2024, một loạt thương hiệu có tiếng về thời trang, ẩm thực ở TP.HCM liên tục đóng cửa dù hoạt động nhiều năm trên thị trường và đã có chỗ đứng nhất định. Lý do đóng cửa chỉ xoay quanh câu chuyện khó trụ được giữa thị trường nhiều cạnh tranh, nhiều đổi thay.

Vào mùa mua sắm nhộn nhịp cuối năm 2024, thương hiệu thời trang nữ được yêu thích tại TP.HCM là Lep’ báo tin dừng hoạt động sau 8 năm được yêu thích trên thị trường thời trang nội địa.

Chia tay đứa con tinh thần với 17 chi nhánh trên cả nước khiến khách hàng không khỏi bất ngờ và tiếc nuối, nhà sáng lập Ngọc Trâm cho biết đã sức cùng lực kiệt, không còn theo kịp thị trường thay đổi chóng mặt với vô vàn phong cách và sản phẩm mới, rẻ, đẹp, đành phải chọn đặt dấu chấm hết – tạm biệt hành trình 8 năm của Lep’.

Thương hiệu Việt ồ ạt đóng cửa, chuyên gia nói start-up có tiền là ‘lăn ra chết’- Ảnh 2.

Thương hiệu thời trang nữ được yêu thích tại TP.HCM đóng cửa sau 8 năm kinh doanh vì không theo kịp sự thay đổi chóng mặt của thị trường.

Cũng gần giống Lep’, Catsa – thương hiệu thời trang nam tại TP.HCM với phong cách tối giản, sang trọng, là thanh xuân của lớp khách hàng thế hệ 9X, cũng rời thị trường cuối năm 2024, sau 13 năm kinh doanh. Hiện các cửa hàng Catsa tại TP.HCM đều ngưng hoạt động sau Tết Ất Tỵ.

Lý do đóng hệ thống 22 cửa hàng Catsa được CEO Nguyễn Thùy Linh Cát chia sẻ vì ngành hàng thời trang nhanh thay đổi quá nhanh, thị trường cạnh tranh gay gắt. Catsa đã đạt đến ngưỡng phát triển nhất định và khó có thể mở rộng thêm, còn người điều hành thì cảm thấy kiệt sức và không còn hạnh phúc với công việc.

Catsa được thành lập từ năm 2011, có thời điểm phát triển lên tới 40 cửa hàng rồi giảm xuống 22 cửa hàng. Ngoài quần áo, chuỗi này còn có nón, giỏ xách, ví, thắt lưng, vớ… và là lựa chọn quen thuộc của nhiều khách hàng trẻ giai đoạn 2011-2020. Doanh thu gần nhất của Catsa năm 2023 đạt 50 tỷ đồng. Thời đỉnh cao, chuỗi thời trang này thu đến cả trăm tỷ đồng với lãi ròng chiếm gần 20%.

CEO Nguyễn Thùy Linh Cát cũng từng góp mặt trong danh sách 30 Under 30 của tạp chí Forbes Việt Nam năm 2018.

Cùng thời trang, nhóm ngành ăn uống năm qua cũng đóng góp nhiều thương hiệu vào danh sách dừng hoạt động.

Giáng sinh 2024, nhiều tín đồ sống ảo nhận thông báo Tiệm Trà Tháng Tư, một trong những chuỗi trà – cà phê nổi tiếng ở TP.HCM đóng cửa toàn bộ chi nhánh từ 25/12. Đây là điểm đến không thể thiếu của học sinh, sinh viên nhiều năm qua vì thức uống đa dạng, đặc biệt là trang trí rất đẹp những dịp lễ Tết.

Bên cạnh là địa điểm chụp hình không thể thiếu, chuỗi này còn còn có mô hình workshop, thích hợp để giới trẻ gặp gỡ, vui chơi cùng bạn bè. Lý do dừng hoạt động sau 5 năm xây dựng và có lượng lớn khách hàng thân thiết đến nay vẫn chưa được đưa ra.

Thương hiệu Việt ồ ạt đóng cửa, chuyên gia nói start-up có tiền là ‘lăn ra chết’- Ảnh 3.

Lời chia tay của chuỗi cà phê Monkey in Black gắn bó 10 năm với khách hàng. (Ảnh: MIB)

Cũng vậy, chuỗi cà phê Monkey in Black – thương hiệu gắn với tên tuổi nhà khởi nghiệp Trần Thanh Tùng, người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, đã đóng cửa năm 2024 sau 10 năm kinh doanh.

Nhà sáng lập Trần Thanh Tùng cho biết chuỗi này không còn tiềm năng phát triển, và anh phải bước qua các dự án cũ để tìm cơ hội mới.

Có nhiều tiền thì “lăn ra chết”

Không chỉ những thương hiệu nội bỏ cuộc chơi vì cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi thị trường, mà cả công ty khởi nghiệp từng thành công trong gọi vốn đầu tư cũng dừng hoạt động.

Telio, một trong những công ty thương mại điện tử B2B của Việt Nam, từng huy động thành công hơn 52,3 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn như Tiger Global, Granite Asia, Peak XV và VNG, cũng đóng cửa vào cuối năm 2024.

Nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong xác nhận với truyền thông không thể huy động thêm vốn, hoặc tìm được đối tác mua lại. Có khoảng 400 nhân viên bị sa thải khi Telio ngưng hoạt động, giải thể pháp nhân vào tháng 12.

Tại thời điểm đóng cửa, ước tính doanh số hàng tháng của Telio là từ 2,5-3 triệu USD. Nhưng vì nguồn vốn đã cạn kiệt nên công ty không còn lựa chọn nào khác.

Telio thành lập năm 2019, là một trong những công ty khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam số hóa mô hình kinh doanh của các nhà bán lẻ nhỏ, đặc biệt là các cửa hàng tạp hóa, tập trung kết nối nhóm này với các thương hiệu và nhà cung cấp.

Chia sẻ tại một sự kiện đầu tư tổ chức giữa tháng 1/2025, Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình – Shark Bình, cho rằng có một thực tế là start-up cứ nhiều tiền là “lăn đùng ra chết”, nhưng ngược lại, lúc thiếu tiền họ lại lăn ra sáng tạo, vượt khó và rất phát triển, thành công.

Nhà đầu tư này nói thực tế này ông rút ra từ hành trình khởi nghiệp, đầu tư hơn 20 năm của mình. Theo ông, khi các startup bắt đầu khởi nghiệp, họ làm ăn rất bình thường, rất cố gắng. Thiếu vốn thì tìm cách xoay sở, nhưng một số doanh nghiệp cứ khi gọi được vốn, có nhiều tiền thì mất sức. Đã có nhiều cái tên từ công nghệ đến F&B, thương mại điện tử, du lịch… gọi được 50-70 triệu USD, rồi tiêu vài năm hết, và sức khỏe dần dần yếu, phá sản.

Theo Shark Bình, khởi nghiệp cũng là thị trường, bản chất thị trường là cạnh tranh. Doanh nghiệp muốn lớn lên phải chuẩn bị nhân lực, đảm bảo sức khỏe để vận hành. Không có nguồn lực, không đủ sức vận hành thì khi gọi được vốn, vay được tiền chỉ biết xài kiểu “vung tay quá trán”.

“Thiếu thốn là cha đẻ của sự sáng tạo. Mọi sự thiếu thốn sẽ tô điểm cho chiến thắng của bạn thêm vĩ đại hơn. Startup khi thiếu thốn, ít tiền thì đi làm kiếm tiền, đi gọi vốn, nhưng khi có tiền rồi thì lại tìm cách tiêu tiền. Trong khi bối cảnh hiện nay, việc kiếm tiền và chi tiêu như thế nào, xoay vòng vốn ra sao để nguồn tiền mình có được phát huy hiệu quả được đặt lên hàng đầu”, Shark Bình nói.

Góp thêm ý kiến vào nhận định này, ông Nguyễn Trần Quang – CEO FutureOne Consulting, cho rằng chuyện startup “lăn ra chết” khi có nhiều tiền chỉ với một lý do duy nhất là vì họ có nhiều tiền hơn mức họ cần. Tức là thay vì chỉ cần 1 đồng để đầu tư phát triển thì startup được đầu tư 3 đồng.

Theo ông Quang, khi kêu gọi đầu tư, các founder phải có kế hoạch, chiến lược sử dụng nguồn vốn thế nào, đầu tư ra sao… thì đồng vốn mới phát huy hiệu quả.

Trong khi đó, nhà sáng lập Beta Group Bùi Quang Minh – Minh Beta, cho rằng doanh nghiệp lớn hay nhỏ gì cũng phải cần vốn để phát triển. Kinh nghiệm của ông để kêu gọi vốn thành công và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả là mình phải tin tưởng hành trình của mình, mô hình kinh doanh của mình và lắng nghe xem đây có phải là dự án mình nên sống chết không.

“Thuyết phục người khác tin, bỏ tiền ra đầu tư cũng như đang đi mượn tiền và phải làm cho tiền sinh lời, rồi trả vốn, trả lời cho nhà đầu tư. Bởi điều quan trọng cuối cùng của gọi vốn là mượn tiền của người khác để làm ăn mà” , Shark Minh Beta nói.

Theo VTC News

Continue Reading

Quốc Tế

Người bán hàng trực tuyến Việt Nam ứng dụng AI nhiều nhất Đông Nam Á

Published

on

Người bán hàng trực tuyến Việt Nam ứng dụng AI nhiều nhất Đông Nam Á. Tại Việt Nam, AI được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng, tiếp thị và truyền thông. Lĩnh vực nhân sự và vận hành, hậu cần ít ứng dụng AI nhất.

ứng dụng AI - Ảnh 1.

Người bán hàng trực tuyến của Việt Nam có tỉ lệ ứng dụng AI nhiều nhất Đông Nam Á – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Báo cáo “Thu hẹp khoảng cách AI: Nhận thức và xu hướng ứng dụng AI của người bán hàng trực tuyến ở Đông Nam Á” do nền tảng Lazada công bố ngày 9-4 cho kết quả người bán hàng trực tuyến Việt Nam ứng dụng AI nhiều nhất Đông Nam Á.

Việt Nam ít e ngại chi phí và thời gian

Cụ thể, Việt Nam và Indonesia cùng có tỉ lệ ứng dụng AI chiếm 42% trong các hoạt động kinh doanh, theo sát là Singapore và Thái Lan với tỉ lệ 39%.

Theo báo cáo, gần 7/10 (68%) nhà bán hàng trực tuyến ở Đông Nam Á cho rằng họ có hiểu biết về AI. Con số này ở Việt Nam là gần 8/10 nhà bán hàng (77%), cao hơn trung bình ở khu vực.

Tuy nhiên các nhà bán hàng trực tuyến cũng gặp khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả của AI và tác động về chi phí của nó. Mặc dù 89% người bán thừa nhận vai trò của AI trong việc nâng cao hiệu suất công việc, nhưng gần 2/3 trong số đó (61%) vẫn hoài nghi về mức độ hữu ích nói chung.

ứng dụng AI - Ảnh 2.

Người bán hàng Việt Nam tin tưởng vào AI, ít lo ngại chi phí và thời gian – Ảnh: LAZADA

Hơn nữa, gần như tất cả người bán (93%) đồng ý việc sử dụng AI sẽ giúp tiết kiệm chi phí trong dài hạn, song 64% vẫn lo ngại chi phí và thời gian cần để thực hiện là rào cản trong việc tích hợp AI.

Tại Việt Nam, các nhà bán hàng nhìn chung có cái nhìn tích cực về lợi ích của AI (94%), đặc biệt trong việc thúc đẩy năng suất, và họ cũng ít e ngại hơn về vấn đề chi phí và thời gian (35%).

Bạn thuộc nhóm ứng dụng AI đến mức nào?

Báo cáo phân loại ra 3 nhóm nhà bán hàng dựa trên mức độ ứng dụng AI theo 5 tiêu chí: vận hành và hậu cần, quản lý sản phẩm, tiếp thị và quảng cáo, dịch vụ khách hàng, quản lý nhân sự.

Thứ nhất là nhà bán hàng thành thạo AI. Đó là những người đã tích hợp AI vào ít nhất 80% hoạt động kinh doanh.

Ở Việt Nam, chỉ có khoảng 1/5 (22%) người bán thuộc nhóm này (so với 24% trong khu vực).

Thứ hai là nhà bán hàng quan tâm đến AI. Họ là những người đã tích hợp một phần AI vào hoạt động kinh doanh của họ, nhưng còn loay hoay ở các công đoạn quan trọng. Chủ yếu các nhà bán hàng ở Việt Nam thuộc phân khúc này (64%, so với 50% ở Đông Nam Á).

Nhóm cuối là nhà bán hàng thận trọng với AI. Nhóm này chiếm 14% tại Việt Nam (so với 26% ở Đông Nam Á).

Theo Tuoitre.vn

Continue Reading

Trong Nước

Doanh thu livestream tháng 3 năm 2025 tại Việt Nam

Published

on

Số liệu ước tính của một số buổi livestream bán hàng nổi bật, doanh thu livestream tháng 3 năm 2025 được tổng hợp từ các báo cáo thị trường:

  • Shopee Live “Săn Deal Cuối Tháng”:
    Ước tính doanh thu khoảng 50 tỷ đồng
    (Chương trình khuyến mãi hấp dẫn và lượng người xem lớn đã tạo nên doanh số ấn tượng.)

  • TikTok Shop “Mua Sắm Cùng Influencer”:
    Ước tính doanh thu khoảng 35 tỷ đồng
    (Livestream dẫn dắt bởi các influencer nổi tiếng thu hút lượng khán giả trẻ năng động.)

  • Zalo Live “Deal Sốc Cuối Tuần”:
    Ước tính doanh thu khoảng 20 tỷ đồng
    (Giao diện thân thiện và tính năng tương tác cao giúp livestream này ghi nhận doanh số tốt.)

  • Các buổi livestream chuyên biệt khác (ví dụ: phụ kiện trang sức, sản phẩm handmade):
    Tổng doanh thu ước tính khoảng 10 tỷ đồng

Tổng cộng, các livestream nổi bật trong tháng 3 năm 2025 tạo ra doanh số khoảng 115 tỷ đồng. Những số liệu này cho thấy sức hút mạnh mẽ của livestream bán hàng trong bối cảnh mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, với sự tham gia của các nền tảng hàng đầu và xu hướng “săn deal” ngày càng phổ biến.

1. Sự kiện MegaLive 2025 (25/3)

  • Tham gia: Các thương hiệu lớn như Samsung, Coolmate, DHC…
  • Doanh thu ước tính100–200 tỷ đồng (dựa trên kết quả các phiên trước đó).
  • Cơ chế: Kết hợp hàng trăm KOC và influencer để tiếp cận hàng triệu khách hàng, tối ưu hóa chuyển đổi .

2. Livestream dịp 8/3 (Quốc tế Phụ nữ)

  • Ngành hàng chủ lực: Mỹ phẩm, thời trang nữ, quà tặng.
  • Doanh thu: Tăng 150–200% so với ngày thường, đặc biệt từ các KOL như Hòa Minzy, Hương Giang .
  • Ví dụ: Một thương hiệu mỹ phẩm cao cấp đạt 3 tỷ đồng trong 1 phiên livestream nhờ chiến dịch Flash Sale .

3. Livestream của các thương hiệu quốc tế

  • Sulwhasoo, Yves Saint Laurent: Ra mắt sản phẩm qua livestream với giá 3–10 triệu đồng, doanh thu trung bình 5–15 tỷ đồng/phiên .
  • Chiến lược: Kết hợp người nổi tiếng và công nghệ AR để khách hàng trải nghiệm sản phẩm trực tiếp .

Xu hướng nổi bật

  1. Mega Live: Các phiên livestream quy mô lớn, kết hợp nhiều KOL và nhãn hàng, chiếm 30% tổng doanh số TMĐT .
  2. Sản phẩm cao cấp: Thương hiệu xa xỉ dần chiếm lĩnh livestream, tăng 40% doanh thu so với 2024 .
  3. Cạnh tranh giá: Các nền tảng như TikTok Shop, Shopee áp dụng voucher giảm 50–70% để thu hút khách hàng .

Thách thức và rủi ro

  • Hàng giả, kém chất lượng: 15% phiên liveststream bị tố cáo quảng cáo sai sự thật .
  • Pháp lý: Nhiều KOL như Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs bị khởi tố do lừa dối khách hàng .

Tổng kết

Tháng 3/2025 đánh dấu sự bùng nổ của livestream với sự tham gia của cả thương hiệu nội địa và quốc tế. Dù doanh thu khủng, ngành hàng này vẫn đối mặt với thách thức về uy tín và minh bạch. Dữ liệu có tham khảo các báo cáo từ NielsenIQ hoặc Decision Lab.

Continue Reading

Quốc Tế

Taobao mạnh tay với AI

Published

on

Taobao mạnh tay với AI, tăng cường kiểm soát ảnh AI nhằm ngăn chặn lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng trước thông tin sai lệch.

Nền tảng thương mại điện tử Taobao mạnh tay với AI của tập đoàn Alibaba, đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tràn lan hình ảnh sản phẩm giả mạo, gây hiểu lầm do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. Động thái này nhằm đối phó với việc lạm dụng công nghệ AI ngày càng tinh vi và dễ tiếp cận.

Taobao và Tmall Group, đơn vị kinh doanh thương mại điện tử của Alibaba, tuần qua đã công bố sáng kiến mới, tập trung vào việc rà soát hình ảnh do AI tạo ra trên các nền tảng của mình, bao gồm cả Taobao, Tmall và nền tảng bán đồ cũ Xianyu.

“Chúng tôi quyết tâm chống lại các hành vi lừa đảo, gây tổn hại cho người tiêu dùng và xâm phạm quyền lợi của các nhà bán hàng chính hãng”, đại diện công ty cho biết trong thông cáo báo chí. “Mọi chỉnh sửa hình ảnh sản phẩm phải ở mức độ hợp lý, đảm bảo tính chân thực. Tuyệt đối cấm sử dụng AI để tạo ra hình ảnh sản phẩm sai lệch so với hàng hóa thực tế”.

Trong khuôn khổ chiến dịch, Taobao sẽ nâng cấp hệ thống phát hiện hình ảnh, vốn đã loại bỏ gần 100.000 hình ảnh bị chỉnh sửa hoặc phóng đại quá mức. Nền tảng này cũng sẽ bổ sung các dấu hiệu nhận biết trên trang chi tiết sản phẩm để cảnh báo người dùng về các nội dung do AI tạo ra, nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.

Taobao chỉ ra một số dấu hiệu bất thường thường được thấy trong hình ảnh do AI tạo ra, bao gồm vị trí tay không tự nhiên, bàn chân bị biến dạng, bóng đổ kỳ lạ và các ký tự ngôn ngữ vô nghĩa.

Sự phát triển của các mô hình AI đa phương thức mạnh mẽ đã khiến hình ảnh do AI tạo ra ngày càng khó phân biệt với hình ảnh thật.

Sáng kiến của Taobao phù hợp với nỗ lực quản lý AI tạo sinh (Generative AI) của chính phủ Trung Quốc.

Vào tháng 2, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) thông báo rằng chiến dịch “Qinglang” năm nay sẽ tập trung vào việc chống lạm dụng AI, tăng cường nhận diện nội dung tổng hợp và trấn áp thông tin sai lệch do AI tạo ra.

Vào tháng 3, chính phủ Trung Quốc ban hành hướng dẫn yêu cầu dán nhãn rõ ràng nội dung do AI tạo ra trên tất cả giao diện người dùng và tệp dữ liệu. Quy định này dự kiến có hiệu lực vào tháng 9.

Alibaba là công ty thương mại điện tử lớn đầu tiên thực hiện các biện pháp này, đồng thời kêu gọi sự hợp tác của toàn ngành để đảm bảo tính xác thực trong quảng cáo sản phẩm. Động thái này tiếp nối các biện pháp tương tự của các nền tảng truyền thông xã hội như Weibo và Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc).

“Việc phát triển và sử dụng AI phải nâng cao trải nghiệm người tiêu dùng, khuyến khích sự sáng tạo và bảo vệ lợi ích kinh doanh hợp pháp, không phải là công cụ cho các hành vi bất hợp pháp và phi đạo đức”, công ty nhấn mạnh.

Theo ZingNews

Continue Reading

Trending

Copyright © 2024 Ver2solution.com .