Trong nhiều năm, “nhảy việc để phát triển” là xu hướng phổ biến của Gen Z, giúp họ linh hoạt và tìm cơ hội tốt hơn. Tuy nhiên, trước làn sóng sa thải, tinh gọn bộ máy làm việc và bối cảnh AI – tự động hóa đe dọa nhiều vị trí việc làm, khiến Gen Z e ngại chuyện nhảy việc, ưu tiên ổn định, Gen Z thời buổi này có việc là vui rồi.
“Thời buổi này có việc là vui rồi!”
Chưa đầy hai năm sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Huỳnh Thị Thanh Thúy (25 tuổi, TP Thủ Đức) đã làm việc tại 3 công ty khác nhau. Xuất phát với niềm tin rằng “nhảy việc để phát triển” là con đường tốt nhất để mở rộng cơ hội.
Ban đầu, Thúy làm việc tại hai công ty sản xuất nhựa ở TP.HCM, nhưng không trụ lâu. Công ty đầu tiên Thúy làm gần một năm, công ty thứ hai chỉ ba tháng. Thúy nghỉ việc vì muốn tích lũy kinh nghiệm ngắn hạn để tìm cơ hội mới. Tại công ty thứ ba, Thúy làm việc tại một doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng ở TP Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), nhưng việc di chuyển hai tiếng mỗi ngày khiến cô muốn nghỉ việc một lần nữa.
“Làm ca hành chính, tôi phải dậy từ 3 giờ 30 sáng để kịp chuyến xe công ty. Tan ca lúc 16 giờ 30, nhưng về đến nhà cũng đã 18 giờ 30 – 19 giờ. Quá mệt mỏi vì quãng đường đi làm gần hai tiếng mỗi lượt, tôi bắt đầu chán nản” – Thúy nói.
Dù công ty đãi ngộ tốt, Thúy dự định nghỉ sau chín tháng để tìm việc gần nhà hơn. Mỗi ngày, cô tìm kiếm công việc mới nhưng không dễ dàng, lo ngại sẽ khó xin việc khi thấy công ty của một người bạn đang sắp xếp lại nhân sự.
“Tôi cứ nghĩ mình có thể dễ dàng nhảy việc để phát triển như trước, nhưng giờ các công ty tinh giản bộ máy, quá trình tuyển dụng cũng trở nên khắt khe hơn rất nhiều. Nhìn bạn bè nghỉ việc nhưng mãi không tìm được chỗ mới, tôi mới hiểu rằng có việc làm đã là may rồi” – Thúy thở dài rồi nói.
Tương tự, Lê Thị Minh Ngân (24 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết Ngân đã làm 3 công ty. Trong đó, có một công ty Ngân từng đi thực tập rồi ở lại làm việc, công ty tiếp theo là một công ty về lập trình, công ty thứ ba hiện cô mới vào làm được một tháng cũng về lập trình.
Ngân từng nghĩ rằng việc “nhảy việc để phát triển” sẽ giúp cô nhanh chóng phát triển trong lĩnh vực lập trình và ngành công nghệ sẽ có nhiều cái mới để làm.

“Ngân bắt đầu sự nghiệp với vị trí thực tập sinh và được giữ lại làm chính thức sau ba tháng. Dù may mắn có việc ngay sau khi ra trường, cô nhanh chóng mất hứng thú vì công việc lặp lại, thiếu thử thách.
Chuyển sang công ty thứ hai, Ngân làm việc trong môi trường năng động, đồng nghiệp hòa đồng nhưng áp lực cao. Việc không được đóng bảo hiểm xã hội, chỉ nhận lương cứng khiến cô nghỉ sau bảy tháng,” – Ngân tâm sự.
Đến công ty thứ ba, Ngân nhận ra xin việc không còn dễ dàng. Cô liên tục đọc tin về các tập đoàn công nghệ cắt giảm nhân sự, khi nhiều công việc từng dành cho người trẻ nay được AI xử lý hiệu quả hơn.
“Tôi gửi gần 20 hồ sơ nhưng chỉ nhận được vài lời mời phỏng vấn, nhiều công ty không phản hồi. Tôi lo lắng khi AI ngày càng thay thế lập trình viên mới. Nếu trước đây chỉ cần một vòng phỏng vấn, giờ phải qua 3-4 vòng, thậm chí bị loại từ vòng xét CV. Không còn dám liều lĩnh, tôi chỉ mong tìm được công việc ổn định” – Ngân nói.
Doanh nghiệp ngày càng thận trọng trong tuyển dụng
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM, cho rằng trước đây Gen Z thường nhảy việc để tìm cơ hội phát triển. Họ kỳ vọng môi trường linh hoạt, năng động, nhiều cơ hội phát triển và lương hấp dẫn.
“Gen Z linh hoạt, tiếp cận công nghệ nhanh, thích nghi tốt, nên trải nghiệm nhiều môi trường giúp họ tích lũy kỹ năng và định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhảy việc để phát triển liên tục cũng khiến họ phải bắt đầu lại từ đầu, thích nghi quy trình, văn hóa doanh nghiệp và xây dựng quan hệ mới” – bà Hiếu phân tích.
Theo bà Hiếu, thị trường lao động không chỉ cạnh tranh giữa con người mà còn chịu áp lực từ tự động hóa và AI. Lao động thiếu chuyên môn hoặc nhảy việc liên tục có nguy cơ bị đào thải cao.

Doanh nghiệp cũng e ngại ứng viên thiếu ổn định, cam kết lâu dài. Sắp tới, khi nhiều lao động giàu kinh nghiệm từ khu vực công chuyển sang tư nhân, Gen Z, đặc biệt những người thường xuyên nhảy việc, sẽ đối mặt với thách thức lớn hơn.
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (trước đây là Falmi) về tình hình sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2024, tỷ lệ lao động dưới 25 tuổi chỉ chiếm 18,6%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên tuyển dụng lao động ở nhóm tuổi lớn hơn như những người đã có kinh nghiệm và tính ổn định trong công việc.
Trong quý I-2025, cả nước có 1,35 triệu thanh niên (từ 15-24 tuổi) không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 10,4% tổng số thanh niên. Con số này tăng 84.400 người so với quý trước nhưng giảm 66.700 người so với cùng kỳ năm 2024. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 8,2%, nông thôn là 11,7%; trong đó nữ thanh niên chiếm 11,5%, nam là 9,3%.
Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) trong quý I-2025 là 7,93%, giảm 0,03 điểm phần trăm so với quý trước và 0,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 11,06%, còn khu vực nông thôn là 6,32%.
Đồng quan điểm với bà Hiếu, ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên TP.HCM, cho rằng không phải tất cả lao động trẻ, Gen Z đều nhảy việc.

“Thích nghi và đổi mới là yếu tố cốt lõi để phát triển. Người có năng lực, chủ động trau dồi kỹ năng và đặt mục tiêu rõ ràng vẫn có cơ hội thăng tiến. Trong khi đó, doanh nghiệp ngày càng khắt khe, yêu cầu ứng viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn cam kết gắn bó lâu dài.
Ngoài ra, thị trường lao động tái cơ cấu thực chất là quá trình sàng lọc. Người chuẩn bị tốt, liên tục học hỏi sẽ có nhiều cơ hội, còn những ai thiếu định hướng, chậm thích nghi dễ đối mặt rủi ro trong môi trường cạnh tranh khốc liệt” – ông Sang nhận định.
Theo ông Sang, thành thạo công nghệ và ngoại ngữ là yếu tố quan trọng với lao động hiện đại. Trong khi khu vực hành chính – nhà nước tuyển dụng ổn định, doanh nghiệp tư nhân và tập đoàn quốc tế ưu tiên nhân sự chuyên môn cao.
Tuy nhiên, dù lương cao, nếu không đáp ứng yêu cầu công việc hoặc văn hóa doanh nghiệp, người lao động vẫn có thể gặp khó khăn, dễ bị “lọt ra ngoài” khi môi trường làm việc không đáp ứng kỳ vọng.
Theo Plo.vn