Thị Trường
Cơn lốc Temu khuấy đảo thế giới

Mới 2 năm hoạt động, sàn bán hàng online giá rẻ xuyên biên giới Temu nhanh chóng phủ 70 thị trường, giá trị giao dịch năm nay gần 30 tỷ USD.
Đầu tháng 8, Colin Huang (44 tuổi), Nhà sáng lập công ty thương mại điện tử PDD Holdings, trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Ông duy trì vị trí đó đến nay, tài sản 50,8 tỷ USD tính đến 21/8, hạng 23 thế giới và 3 châu Á, theo Bloomberg Billionaires Index.
Tài sản của Huang tăng khi hai nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ Pinduoduo và Temu, cùng thuộc PDD Holdings, ăn nên làm ra. Ở nội địa, thói quen mua sắm tiết kiệm của người Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Pinduoduo.
Đặc biệt, khi lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Pinduoduo tại Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2022, PDD bắt đầu tìm cơ hội tăng trưởng ở nước ngoài, thông qua Temu. Đà tăng trưởng vũ bão của Temu được công ty dịch vụ dữ liệu chuyên về thương mại điện tử ECDB (Hong Kong) gọi là “khuấy đảo thế giới” nhưng cũng đặt ra nghi ngờ về tính bền vững.
Temu là sàn bán lẻ online xuyên biên giới tương tự các đồng hương Shein, Wish và AliExpress. Sàn ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á, ước đến nay khoảng 70 thị trường.
Lượt tải về ứng dụng Temu hàng tháng (triệu lượt). Nguồn ECDB
Dữ liệu của ECDB cho thấy lượt tải xuống ứng dụng Temu tăng thần tốc, với 440.000 lượt vào tháng đầu ra mắt năm 2022 và tăng đều đặn đến nay, đạt 41,3 triệu lượt vào tháng 3/2024. Cùng với đó, lượt truy cập vào website Temu còn cao hơn đáng kể, trên 200 triệu hàng tháng giữa năm ngoái. Đến tháng 3 năm nay, trang web của sàn hút được 479 triệu lượt.
Nhận thức của người tiêu dùng toàn cầu với Temu ngày càng tăng. Một cuộc điều tra gần đây của viện nghiên cứu IFH Köln (Đức) cho biết 32% người tiêu dùng nước này được hỏi nói đã mua sản phẩm từ Temu, tăng lên từ mức 11% vào 2023.
Tổng doanh số giao dịch trên sàn (GMV) cũng tăng trưởng theo cấp số nhân. Vào 2022, GMV chỉ mới 290 triệu USD nhưng đã tăng hơn 4.500 lần, đạt 14 tỷ USD năm 2023, theo ECDB. Dự báo GMV của Temu đạt 29,5 tỷ USD năm nay và 41 tỷ USD vào năm 2025.
Để so sánh, GMV của Amazon dự kiến đạt 756,9 tỷ USD năm nay. “Temu dường như không gây ra mối đe dọa thực sự đối với vị thế dẫn đầu thị trường của Amazon, ít nhất là không phải bây giờ”, ECDB nhận xét. Tuy nhiên, Temu chỉ mới chưa đầy 2 năm tuổi và cũng có thế mạnh riêng.
Tổng doanh số giao dịch (GMV) trên Temu các năm. Đơn vị: tỷ USD. Nguồn ECDB
Nghiên cứu giai đoạn từ tháng 9/2022 đến tháng 9/2023 của hãng dịch vụ đo lường hiệu suất Global Wireless Solutions (GWS) tại Mỹ cho biết trung bình người dùng dành 22 phút mỗi ngày trên Temu, gấp đôi Amazon (11 phút) và Shein (12 phút).
Công thức hút khách
“Chúng tôi không nhắm đến việc trở thành Alibaba tiếp theo. Pinduoduo là mô hình hoàn toàn khác biệt. Bạn có thể coi thường, nói rằng chúng tôi chỉ là tay mơ nhưng bạn sẽ không thể phớt lờ được”, Nhà sáng lập Colin Huang nói với tờ Caijing năm 2018.
Theo Huang, chiến lược cốt lõi của Pinduoduo “không phải là giá rẻ, mà là khiến người dùng cảm thấy như họ đã có được một deal hời”. Là phiên bản quốc tế của Pinduoduo, Temu thừa hưởng chiến lược phát triển của “chị em” mình tại quê nhà.
Đầu tiên, lý do rõ ràng nhất giúp Temu hút khách là giá thấp. Tuy nhiên, Temu cung cấp nhiều chiết khấu hơn cả Shein, với các ưu đãi đẩy giá sản phẩm có khi xuống chỉ còn một cent. Không chỉ rẻ, nền tảng cung cấp dịch vụ miễn phí vận chuyển và trả hàng. Họ thực hiện được nhờ mạng lưới nhà cung cấp và đối tác vận chuyển rộng khắp của PDD Holdings.
Logo của Temu trên điện thoại di động với hậu cảnh là trang web của công ty. Ảnh: Reuters
Temu sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh của bên thứ ba, nhưng cách thức xử lý hậu cần của họ thu hút nhà cung cấp. Người bán chỉ cần vận chuyển hàng đến một kho được chỉ định ở tỉnh Quảng Đông và Temu sẽ lo liệu mọi thứ từ thời điểm đó trở đi, bao gồm cả việc vận chuyển ra nước ngoài và các dịch vụ sau bán hàng.
“Chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt, số hóa mới lạ của Temu đã giảm thiểu tình trạng kém hiệu quả thông thường và chi phí phát sinh thường thấy trong bán lẻ truyền thống”, Phát ngôn viên Temu nói với Nikkei.
Tiếp theo, để giá đã rẻ còn có thể rẻ hơn, Temu mang giải pháp mua hàng theo nhóm đã chứng minh thành công trên Pinduoduo sang phương Tây. Về cơ bản, người dùng cùng nhau lập nhóm để đặt một đơn số lượng càng lớn, hay gọi là gộp đơn, sẽ được nhận chiết khấu càng cao. Ngoài ra, tính cộng đồng còn được tận dụng thông qua chương trình giới thiệu. Nền tảng giảm giá cho những khách hàng giới thiệu khách hàng mới.
Giải thích lý do thành công nhanh chóng, phát ngôn viên công ty nói với Nikkei rằng: “Temu mang đến cho người mua sắm nhiều lựa chọn để dùng tiền hiệu quả hơn, vào thời điểm quan trọng khi chi phí sinh hoạt tăng cao, đang ảnh hưởng đến mọi người từ mọi nhóm thu nhập”.
Thứ ba, Temu áp dụng mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment). Họ tích hợp các trò chơi điện tử (game) như Fishland, Coin Spin, Card Flip để người dùng tích điểm thưởng đổi thành ưu đãi mua hàng, khiến thời gian lưu lại ứng dụng lâu hơn.
Thứ tư, vì Shein đã chứng minh được tính hiệu quả của tiếp thị liên kết (affiliate) nên Temu cũng không thể bỏ qua. Họ gửi sản phẩm miễn phí đến đông đảo người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá Temu trên YouTube và TikTok.
Để tiếp thị, Temu cũng đốt tiền không ít. Theo đơn vị đo lường Sensor Tower, chi tiêu quảng cáo của Temu tại Mỹ tăng 15 lần trong 11 tháng đầu năm 2023. Khoảng một nửa đổ vào Facebook, 25% cho Instagram. Tháng 10/2023, Goldman Sachs ước tính Temu chi 1,2 tỷ USD cho quảng cáo trên Meta năm ngoái.
Và cuối cùng, Temu áp dụng “mô hình sản xuất ngược” (reverse-manufacturing model) đã giúp Shein làm mưa làm gió trên thị trường bán lẻ thời trang trực tuyến. Theo đó, ban đầu, Temu cung cấp sản phẩm với số lượng nhỏ để thăm dò thị trường. Những sản phẩm có nhu cầu cao sẽ được sản xuất thêm, còn những sản phẩm không bán chạy sẽ bị loại bỏ.
Ưu điểm của mô hình là khả năng tối ưu hóa lượng tồn kho, giảm thiểu lãng phí và nâng cao hiệu quả môi trường. Đồng thời, Temu cũng có thể cung cấp nhiều loại sản phẩm hơn so với các phương thức bán lẻ truyền thống, cho phép công ty nhanh chóng đáp ứng các xu hướng mới của thị trường.
Điều này giúp Temu nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và đánh bại các đối thủ cạnh tranh. Trước đó, mô hình này đã giúp Shein tung ra 150.000 mẫu sản phẩm mới vào năm 2020, vượt xa các đối thủ cạnh tranh.
Áp lực chỉ trích
Trở thành ngôi sao mới như Shein, Temu cũng vấp phải các ngờ vực và chỉ trích tương tự. Việc bán hàng giá rẻ và mô hình sản xuất ngược của cả hai gây nhiều tranh cãi về điều kiện lao động, môi trường và chất lượng sản phẩm.
Một đài truyền hình Đức đã tiến hành thử nghiệm các sản phẩm mua từ Temu. Họ phát hiện một số làm bằng vật liệu kém chất lượng, nhanh hỏng. Một sản phẩm thời trang chứa chất hóa dẻo dibutyl phthalate gấp 40 lần cho phép tại EU và Mỹ.
Khi hỏi người tiêu dùng ở Đức, một phần tư (25%) nghi ngờ về mức giảm giá lớn và hơn một nửa (51%) cảm thấy bị thao túng bởi quảng cáo. Temu, AliExpress, Shein và các đối thủ cạnh tranh khác cũng đang vào tầm ngắm của doanh nghiệp và giới chức phương Tây trong việc xả hàng giá rẻ.
Các gói hàng thương mại điện tử xuyên biên giới từ châu Á nhập vào EU có giá dưới 150 euro sẽ được miễn thuế nên các chính phủ tại đây đang đàm phán để áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn và ngưỡng miễn thuế thấp hơn.
Đầu tháng 6, Temu được thông báo sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của Liên minh Châu Âu dành cho các công ty có hơn 45 triệu người dùng thường xuyên, gọi là VLOP.
Chúng bao gồm giám sát chặt hành vi niêm yết và bán hàng giả, sản phẩm không an toàn hoặc bất hợp pháp và các mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Temu gia nhập thị trường châu Âu từ tháng 4/2023, có khoảng 75 triệu người dùng hoạt động trung bình hàng tháng tại đây trong sáu tháng (kết thúc vào ngày 31/3/2024).
Tại Trung Quốc, Temu tháng trước vướng tranh cãi về mức phạt hàng bị trả lại, nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm trên sàn. Cuối tháng 7, hàng trăm nhà bán tụ tập tại trụ sở Temu ở Quảng Châu phản đối chính sách phạt có thể gấp 5 lần giá trị đơn hàng bị khách trả. Temu phản hồi: “Mặc dù cần có hình phạt để duy trì một thị trường chất lượng cao, chúng tôi cam kết thực thi công bằng và giải quyết tranh chấp”.
Theo các chuyên gia, tính lâu dài trong phương pháp tiếp cận của Temu trong chiến lược bán hàng vẫn chưa chắc chắn. “Nếu không có quả cầu pha lê, thật khó để dự đoán Temu sẽ đi về đâu”, phân tích ECDB bình luận.
Quốc Tế
Trung Quốc phanh phui đường dây bán hàng giả với kho rộng bằng 20 sân bóng, tịch thu 200.000 món đồ nhái

Theo tờ The Guardian, cảnh sát Trung Quốc đã đột kích văn phòng và các kho hàng của sàn thương mại điện tử Pandabuy (Trung Quốc), sau khi 16 thương hiệu báo cáo về dấu hiệu vi phạm bản quyền. Cảnh sát đã bắt giam hơn 30 nghi phạm, tịch thu hàng triệu bưu kiện, bao gồm hơn 200.000 đôi giày thể thao làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng.
Cuộc điều tra được khởi xướng từ năm 2022, do Corsearch – công ty chuyên về bảo vệ sở hữu trí tuệ – dẫn đầu. Công ty này ghi nhận sự bùng nổ của Pandabuy trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, nơi hàng loạt người dùng chia sẻ cách mua hàng thời trang “cao cấp” với giá rẻ bất ngờ.
Sau 6 tháng điều tra, các nhà chức trách phát hiện hoạt động vi phạm của Pandabuy đã trải rộng trên 5 thành phố ở Trung Quốc, với 2.200 nhân viên, có các nhà kho với tổng diện tích 100.000 m², tương đương 20 sân bóng đá.
Corsearch phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu thương hiệu lớn và Đơn vị chống tội phạm sở hữu trí tuệ của Sở cảnh sát thành phố London. Những thông tin thu thập được sau đó được chuyển giao cho nhà chức trách Trung Quốc, mở đường cho cuộc đột kích quy mô lớn.
Sự hợp tác xuyên biên giới này được đánh giá là yếu tố then chốt trong việc triệt phá mạng lưới buôn bán hàng giả quy mô toàn cầu. Thanh tra thám tử Andrew Masterson chia sẻ rằng: “Đây là lần đầu tiên sự hợp tác giữa chủ sở hữu thương hiệu, cơ quan thực thi pháp luật, công ty luật và nhà cung cấp dịch vụ trên toàn thế giới để hành động chống lại một đơn vị mua sắm hàng giả có quy mô như thế này”.
Pandabuy có trụ sở tại Hàng Châu, hoạt động như một trung gian giúp người dùng tại Mỹ và châu Âu tiếp cận các mặt hàng thời trang nhái từ các nhà bán lẻ Trung Quốc. Nền tảng này đã nổi lên như một cái tên quen thuộc với giới trẻ toàn cầu tìm kiếm các phiên bản “fake 1:1” của các thương hiệu đình đám như Nike, Supreme hay Louis Vuitton. Chỉ tính riêng năm 2023, doanh thu của Pandabuy được cho là lên tới gần 5,5 tỷ USD với hơn 50 triệu sản phẩm hàng giả.
Các thương hiệu bị ảnh hưởng được kỳ vọng sẽ tiếp tục các hành động pháp lý và vận động siết chặt kiểm soát hàng giả. Thành công của chiến dịch lần này có thể tạo tiền lệ cho những đợt truy quét tiếp theo nhắm vào các nền tảng phân phối hàng giả khác đang nổi lên.
Corsearch khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật để giám sát và ngăn chặn tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong ngành thời trang – lĩnh vực vốn có tỷ lệ làm giả cao nhất thế giới.
Vụ việc của Pandabuy cho thấy tầm quan trọng của sự phối hợp toàn cầu giữa khối tư nhân và cơ quan công quyền trong cuộc chiến chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Theo An ninh tiền tệ
Quốc Tế
Khủng hoảng thừa, Trung Quốc chỉ muốn bán hàng ra thế giới, không mặn mà mua hàng

Trong khi xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt, nhu cầu nhập khẩu của nước này lại sụt giảm. Điều này không chỉ khiến các doanh nghiệp nước ngoài gặp khó, mà còn làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại toàn cầu – đặc biệt với Mỹ trong bối cảnh đàm phán song phương vẫn đang bế tắc. Trung Quốc chỉ muốn bán hàng ra thế giới.
Sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm ngừng “cuộc chiến thương mại” gần đây, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ cùng Chủ tịch Tập Cận Bình “mở cửa thị trường Trung Quốc cho hàng hóa Mỹ”. Tuy nhiên, thực tế đang đi ngược lại kỳ vọng đó. Trong khi xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, nhập khẩu gần như không tăng trưởng kể từ cuối năm 2022.
Theo dữ liệu từ Cục Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan, tính đến tháng 3/2025, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 33% về khối lượng, trong khi nhập khẩu không có biến động. Điều này phản ánh xu hướng ngày càng rõ rệt: Trung Quốc muốn bán hàng ra thế giới, nhưng lại không còn mặn mà với việc mua hàng từ các nước khác.
Nguyên nhân chính nằm ở chiến lược của ông Tập Cận Bình: xây dựng nền kinh tế “pháo đài”, tự cung tự cấp trong các ngành then chốt, đồng thời hạn chế phụ thuộc vào nước ngoài – đặc biệt là Mỹ và phương Tây. Đầu tư được dồn vào các nhà máy sản xuất, trong khi tiêu dùng nội địa lại ảm đạm.
Trung Quốc đã phải chịu các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp từ nhiều quốc gia do lo ngại về dòng hàng hóa nhập khẩu từ nước này.
Chính sách “ưu tiên nội địa” của Trung Quốc ảnh hưởng ra sao đến doanh nghiệp nước ngoài?
Các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và Nhật Bản ngày càng khó chen chân vào thị trường Trung Quốc. Nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu, cùng với chính sách “ưu tiên hàng nội địa” khiến nhiều công ty nước ngoài mất dần thị phần, dù Trung Quốc vẫn tuyên bố ủng hộ toàn cầu hóa.
Ví dụ, công ty công nghệ y tế Drägerwerk của Đức cho biết doanh số máy thở và thiết bị y tế tại Trung Quốc đã giảm một nửa trong năm 2024 so với 2023. Nguyên nhân là các bệnh viện Trung Quốc được khuyến khích mua thiết bị trong nước thay vì hàng ngoại. Tương tự, các thương hiệu như Swatch, Porsche hay tập đoàn xa xỉ LVMH cũng ghi nhận mức tiêu thụ giảm mạnh.
Thậm chí, Trung Quốc còn ban hành lệnh yêu cầu một số công ty nhà nước thay thế phần mềm Mỹ trong hệ thống CNTT của họ trước năm 2027 – được nhiều người gọi là chiến dịch “Xóa bỏ Mỹ” (Delete America). Những động thái này khiến các doanh nghiệp nước ngoài buộc phải sản xuất tại chỗ nếu muốn tồn tại ở Trung Quốc.
Việc giảm nhập khẩu tác động thế nào đến thương mại toàn cầu?
Từ lâu, các nền kinh tế đang phát triển – đặc biệt là những quốc gia xuất khẩu nguyên liệu như Brazil, Nam Phi – dựa vào nhu cầu khổng lồ từ Trung Quốc để bán sắt thép, đồng, năng lượng… Tuy nhiên, sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc đã khiến nhu cầu này tụt dốc nhanh chóng.
Từ cuối năm 2022 đến nay, nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ giảm 11%, từ Nhật giảm 17% và từ Đức giảm 18%. Điều này gây lo ngại về một mô hình thương mại không bền vững, nơi Trung Quốc chỉ xuất khẩu mà không nhập khẩu tương xứng.
Dù Trung Quốc vẫn là một trong những nước nhập khẩu lớn nhất thế giới với kim ngạch hơn 2.600 tỷ USD năm 2024 (so với 3.400 tỷ USD của Mỹ), phần lớn nhập khẩu của nước này là các mặt hàng cần thiết như chip bán dẫn, năng lượng và thực phẩm – vốn không đủ để tạo cân bằng thương mại.
Mục tiêu dài hạn của ông Tập Cận Bình là xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ tự chủ. Quốc gia này đang đạt được những bước tiến rõ rệt trong các lĩnh vực như xe điện, pin, thiết bị y tế, máy móc xây dựng… và đang thay thế dần các nhà cung ứng nước ngoài bằng doanh nghiệp nội địa.
Thậm chí, những “ông lớn” quốc doanh còn được giao chỉ tiêu thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng trong nước – không chỉ vì lý do kinh tế mà còn nhằm ứng phó với các biện pháp trừng phạt và căng thẳng địa chính trị với phương Tây.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn cố gắng thể hiện mình là “người bảo vệ toàn cầu hóa” – đối lập với chính sách bảo hộ ngày càng gay gắt của Mỹ. Trong một bài phát biểu gần đây, ông Tập khẳng định Trung Quốc ủng hộ hệ thống thương mại dựa trên luật lệ của WTO và phản đối “bắt nạt” từ phía Mỹ.
Viễn cảnh nào cho đàm phán thương mại Mỹ – Trung?
Dù hai bên đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại, nhưng việc Trung Quốc nhập khẩu sụt giảm và gia tăng tự chủ kinh tế khiến một thỏa thuận thực chất trở nên khó khăn. Nhất là khi kỳ vọng đặt vào việc Trung Quốc mua thêm hàng Mỹ – như trong thỏa thuận năm 2020 – đã không đạt mục tiêu (chỉ nhập khoảng 300 tỷ USD so với cam kết 500 tỷ USD).
Trong khi đó, Mỹ đang chuẩn bị tăng thuế nhiều mặt hàng, khiến các công ty vội vàng nhập hàng về trước khi bị ảnh hưởng. Điều này càng nhấn mạnh sự khác biệt giữa mô hình thương mại “mở” của Mỹ và “đóng” dần của Trung Quốc.
Nếu xu hướng hiện nay tiếp diễn, thương mại toàn cầu có thể sẽ chứng kiến một trật tự mới: Trung Quốc trở thành công xưởng xuất khẩu hàng hóa nhưng không còn là “người mua” lớn như trước. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các nước từng phụ thuộc vào sức mua của thị trường Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khiến chuỗi cung ứng toàn cầu lao đao, nhưng hiệp định đình chiến tạm thời mang lại hy vọng, dù các nhà sản xuất vẫn…
Theo MSN
Trong Nước
Hé lộ 5 hộ kinh doanh có doanh thu trên 200 tỉ đồng/năm

Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, nhiều hộ kinh doanh đạt doanh thu khủng gấp nhiều lần các doanh nghiệp, hé lộ 5 hộ kinh doanh có doanh thu trên 200 tỉ đồng/năm.
Theo hồ sơ dự thảo luật Quản lý thuế (thay thế) do Bộ Tài chính công bố, tính đến hết năm 2024, Việt Nam có 3,6 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Tổng số hộ kinh doanh ổn định (bao gồm cả hộ kinh doanh đóng thuế khoán và kê khai) là 2,2 triệu hộ. Trong đó, số hộ kinh doanh diện phải nộp thuế (có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm trở lên) là 1,3 triệu hộ, chiếm 59%.
Theo thống kê, năm 2025 có gần 1,83 triệu hộ kinh doanh có doanh thu dưới 500 triệu đồng/năm, với tổng số thuế dự kiến nộp đạt 5.551 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2024, có 860 hộ kinh doanh đạt doanh thu từ 30 tỉ đồng trở lên, bao gồm 121 hộ nộp thuế khoán và 739 hộ kê khai. Trong đó đặc biệt có 5 hộ kinh doanh ghi nhận doanh thu trên 200 tỉ đồng mỗi năm, hoạt động trong các lĩnh vực như bán thủy sản, thực phẩm, dược phẩm, giáo dục và nông sản.
Cụ thể, một hộ kinh doanh bán lẻ thủy sản tươi sống tại địa bàn Chi cục Thuế khu vực XI đạt doanh thu năm 2024 gần 560 tỉ đồng; một hộ kinh doanh bán buôn thực phẩm tại địa bàn Chi cục Thuế khu vực III (Hải Phòng, Quảng Ninh) có doanh thu năm 2024 gần 360 tỉ đồng; hộ kinh doanh, giáo dục khác tại địa bàn Chi cục Thuế khu vực V (địa bàn Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình) có doanh thu gần 360 tỉ đồng; hộ kinh doanh, giáo dục khác tại địa bàn Chi cục Thuế khu vực V có doanh thu khoảng 238 tỉ đồng; hộ kinh doanh bán lẻ dược phẩm, dụng cụ y tế tại địa bàn Chi cục Thuế khu vực II (TP.HCM) có doanh thu khoảng 228 tỉ đồng và hộ kinh doanh cung cấp nông sản tại địa bàn Chi cục Thuế khu vực II (TP.HCM) có doanh thu khoảng 218 tỉ đồng.
Thử so sánh, với hộ kinh doanh đạt gần 560 tỉ đồng/năm thì doanh thu này đã cao hơn doanh thu 4 quý gần nhất (từ quý 2/2024 đến hết quý 1/2025) của 900 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.
Ngành thuế xác định có 653 hộ đang nộp thuế khoán nhưng đã đạt ngưỡng doanh thu đủ điều kiện chuyển sang phương pháp kê khai. Cụ thể: Có 221 hộ trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, công nghiệp, xây dựng có doanh thu trên 3 tỉ đồng/năm; 430 hộ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu trên 10 tỉ đồng/năm.
Theo các chuyên gia, việc phát triển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích cho chính người kinh doanh mà còn giúp thúc đẩy tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân.
Theo Thanhnien.vn
-
Livestream2 tháng ago
Khi ông chủ buộc phải livestream bán hàng
-
Trong Nước2 tháng ago
Báo cáo thị trường nước hoa Việt Nam 2023-2025
-
Các Nền Tảng MXH2 tháng ago
Facebook mạnh tay dọn nội dung rác, cần làm gì để tránh “bóp” tương tác
-
Các Nền Tảng MXH2 tháng ago
Cập nhật Facebook 7 ngày qua (4/5-10/5/2025)
-
Các Nền Tảng MXH2 tháng ago
Bất ngờ khoá tài khoản Facebook người dùng
-
Xu Hướng2 tháng ago
Cuộc đại thanh lọc thị trường kinh doanh livestream Việt Nam
-
Các Nền Tảng MXH2 tháng ago
Cập nhật Facebook 7 ngày qua (11/5-17/5/2025)
-
Công Nghệ Phần Mềm2 tháng ago
Google sắp không còn ‘cảm thấy may mắn’