Cha đẻ ứng dụng Việt giúp thay quần áo nhờ AI: “Chúng mình gần như không có lợi thế gì. Sự thành công của các ứng dụng chắc cũng đến từ một phần may mắn”, đại diện SilverAI chia sẻ.
Cha đẻ ứng dụng Việt giúp thay quần áo nhờ AI. “Có mấy lần khi đi trên đường thấy nhiều bộ quần áo khá ưng mắt nhưng lười thử nên mình hay tặc lưỡi bỏ qua. Tương tự, nhiều khi thấy trên mạng có nhiều người mặc đẹp mình cũng muốn thử xem bản thân mặc lên trông thế nào, có hợp không”, Phan Sỹ Quang, đồng sáng lập của SilverAI cùng với Lê Tiến Nam, có trụ sở tại Hà Nội nhớ lại lý do tạo nên ứng dụng FitRoom.
Ứng dụng này đến từ chính nhu cầu thực tế của anh Quang và những ai ngại thử đồ. Trong bối cảnh trào lưu thay quần áo trên các ứng dụng đang được cộng đồng mạng hưởng ứng rầm rộ, ứng dụng thuần Việt này nhanh chóng gây bão và vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng về số lượt tải về nhiều nhất trên App Store. FitRoom thậm chí còn vượt qua nhiều ứng dụng đình đám, bao gồm cả Beauty Cam của Trung Quốc.
“Mình không thích trải nghiệm thử quần áo khi mua sắm cũng như không quá am hiểu về thời trang để có thể phối đồ hợp lý nên khi suy nghĩ ý tưởng làm sản phẩm mình đã nảy ra ý tưởng giải quyết vấn đề ‘chẳng có gì để mặc’ bằng cách xây dựng một sản phẩm giúp mọi người có thể thử đồ, mix đồ bằng AI để có thêm nhiều bộ đồ mới.
Nói thì nghe có vẻ dễ nhưng để hoàn thiện được ứng dụng này mình đã mất khoảng 1 năm rưỡi bởi thách thức nằm ở việc xây dựng AI model. Mình cần phải tạo nên một phiên bản model phù hợp để có thể cho ra kết quả khiến cho người dùng cảm thấy ‘wow’ khi họ sử dụng”, nhà sáng lập SilverAI chia sẻ.
Anh Quang cho biết, tuy mất khoảng thời gian khá lâu kể từ khi bắt tay nghiên cứu đến hoàn thiện sản phẩm nhưng đội ngũ phát triển ứng dụng mới chỉ cảm thấy tương đối ưng ý với FitRoom. Trong suốt quá trình phát triển ứng dụng, cả nhóm đã phải thử nghiệm rất nhiều thuật toán khác nhau nhằm tối ưu hóa mô hình AI sao cho việc hiển thị trang phục trên cơ thể người dùng trông tự nhiên nhất có thể. Vị CEO của SilverAI nhận định đây là một trong những phần khó khăn nhất bởi hình ảnh quần áo khi được thêm vào phải có độ chân thực cao, không bị lệch góc hay méo mó.
Về điểm khác biệt, anh Quang cho biết với xuất phát từ nhu cầu ban đầu, FitRoom cho phép người dùng tải hình ảnh quần áo lên để có thể dễ dàng thử và phối đồi, các ứng dụng khác thường chỉ cho phép sử dụng những bộ đồ có sẵn.
“Như bạn có thể trải nghiệm thì định hướng bọn mình là Tủ đồ online, nơi bạn có thể trải nghiệm nhiều loại trang phục khác nhau từ gợi ý của FitRoom hoặc tự upload theo ý thích. Do đó, đồ đạc ở trong FitRoom rất đa dạng. Người dùng có thể sử dụng FitRoom để ‘đu trend’ các trang phục hot trên mạng xã hội nhằm mục tiêu giải trí cũng như tự xây dựng các bộ sưu tập quần áo cho các mục đích khác nhau
Ứng dụng khác chủ yếu tập trung vào chỉnh sửa ảnh và thay đổi một số trang phục cơ bản, nhưng FitRoom lại hướng đến một trải nghiệm toàn diện hơn. Người dùng không chỉ thử quần áo một cách chân thực hơn mà còn có thể lưu trữ và sắp xếp trang phục theo nhu cầu. Định hướng này giúp FitRoom trở thành một nền tảng không chỉ phục vụ mục đích giải trí mà còn hỗ trợ người dùng trong việc xây dựng phong cách thời trang cá nhân”, anh Quang làm rõ.
Với ứng dụng FitRoom, SilverAi hy vọng không chỉ dừng lại ở việc xây dựng một tủ đồ online mà còn có thể giúp người dùng trải nghiệm các loại trang phục truyền thống của Việt Nam và giúp quảng bá chúng tới các nước bạn.
“ Một trong những tính năng đầu tiên mà bọn mình mang lên FitRoom là giúp mọi người trong và ngoài nước có thể trải nghiệm các loại trang phục truyền thống của Việt Nam. Lý do thì mình thấy các bộ trang phục đó rất đẹp và mình muốn lan tỏa giá trị truyền thống thông qua công nghệ. Bọn mình đang cho lên dần các loại trang phục do phải đi xin và mua bản quyền sử dụng cũng như chụp lại hình ảnh để đảm bảo chất lượng đầu ra. Việc số hóa các trang phục truyền thống không hề đơn giản. Mỗi bộ trang phục đều có những đặc điểm riêng về chất liệu, họa tiết, độ rủ, điều này khiến cho việc tái tạo trên mô hình AI trở nên phức tạp hơn.
Bọn mình tin rằng khi nhìn thấy hình ảnh của mình trong những bộ áo dài, áo tứ thân hay những trang phục dân tộc khác, người dùng sẽ có cảm giác gần gũi và tự hào hơn về văn hóa Việt Nam. Đây cũng là một cách để mình giúp quảng bá hình ảnh thời trang Việt ra thế giới”, anh Quang kỳ vọng.
Nói về dự định hoàn thiện hơn về FitRoom, anh Quang cho hay sẽ tiếp tục bổ sung các tính năng mới giúp mọi người có thể xây dựng một tủ đồ online trên ứng dụng và còn có thể dùng AI để gợi ý phối đồ.
“Theo kế hoạch ứng dụng sẽ được bổ sung thêm các tính năng mới để không chỉ giúp mọi người xây dựng tủ đồ online mà còn có thể upload tủ đồ hiện tại lên, mix đồ dưới sự gợi ý của AI và thêm nhiều tính năng khác.
Trong tương lai gần, FitRoom sẽ phát triển thêm các tính năng giúp cá nhân hóa trải nghiệm thời trang của người dùng. Chẳng hạn, AI không chỉ dừng lại ở việc thay trang phục mà sẽ phân tích phong cách của từng người để đưa ra các gợi ý mix đồ hợp lý hơn. Người dùng cũng có thể chia sẻ tủ đồ của mình với bạn bè, tạo ra một không gian tương tác về thời trang ngay trong ứng dụng”, anh Quang nói thêm.
Không dừng lại ở những tính năng trên, anh Quang và đội ngũ SilverAI tiết lộ đang nghiên cứu việc hợp tác với các thương hiệu thời trang để mang đến trải nghiệm mua sắm trực tuyến tiện lợi hơn. Cụ thể, khi người dùng thử một bộ đồ và cảm thấy phù hợp, họ có thể đặt hàng ngay lập tức từ chính ứng dụng. Đây sẽ là một bước tiến lớn giúp FitRoom thoát khỏi cái bóng của các ứng dụng tương tự và trở thành một nền tảng thời trang trực tuyến toàn diện.
Chia sẻ về khó khăn lớn nhất trong quá trình phát triển các ứng dụng chỉnh ảnh, đại diện công ty nói, chính là việc đang phải cạnh tranh trong một thị trường rất khốc liệt do các ứng dụng tương tự trên thế giới gọi được vốn đầu tư lớn, cũng như có hệ thống nhân sự giỏi, và đều đến từ các quốc gia mạnh về công nghệ như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.
“Chúng mình gần như không có lợi thế gì. Sự thành công của các ứng dụng chắc cũng đến từ một phần may mắn. FitRoom được hoàn thiện vào đầu năm 2025, ứng dụng nhanh chóng trở nên phổ biến và leo lên top 1 trên App Store và được nhiều người biết tới nhờ Beauty Cam kích ‘trend’, hay với SnapEdit, ứng dụng đi nhanh hơn ở thị trường quốc tế nhờ vào đề xuất luật bảo vệ privacy của Thái Lan.
Hiện sản phẩm bọn mình cũng lên top ở nhiều nơi trên thế giới như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, … chủ yếu bằng lan tỏa tự nhiên khi người dùng thấy ứng dụng rất đơn giản khi sử dụng và cho ra kết quả ấn tượng nhờ mô hình AI được bọn mình xử lý rất kỹ càng”, anh Quang cho biết .
Đặt ra câu hỏi về tính bảo mật dữ liệu của người dùng, anh Nam khẳng định FitRoom và SnapEdit cam kết không dùng hình ảnh người dùng khi chưa được phép để training mô hình AI bởi chính anh là một người thường xuyên tiếp xúc và sử dụng công nghệ. Anh hiểu sự lo lắng của người dùng về việc dữ liệu cá nhân bị lạm dụng và tuyệt đối không để điều này xảy ra trong ứng dụng mà anh phát triển.
“Đó là lý do tại sao bọn mình encrypted (mã hoá) ảnh khi gửi lên server và không sao lưu bất kỳ bức ảnh nào của người dùng”, nhà sáng lập SilverAI khẳng định.
Trước FitRoom, SilverAI đã được Apple vinh danh là một trong những nhà sáng tạo ứng dụng tiên phong từ Việt Nam với app SnapEdit – một ứng dụng giúp xóa vật thể thừa trong ảnh hiện đã có hàng triệu lượt tải về.
Chia sẻ thêm về các dự định trong tương lai, anh Quang cho biết hiện SilverAI đang triển khai và đầu tư vào các sản phẩm công nghệ như game, app, chủ yếu cho thị trường quốc tế nhằm phát huy lợi thế của người Việt Nam là tốc độ triển khai. Một dự án khác của công ty đang làm là camera AI nhằm phục vụ các nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người già và trẻ nhỏ, cũng như các ứng dụng khác trong đời sống.
Nhằm cạnh tranh với các đối thủ tìm kiếm bằng AI như ChatGPT hay Bing AI, Google sẵn sàng thay đổi một phần quan trọng trên giao diện của sản phẩm.
Công ty tìm kiếm lớn nhất thế giới dự tính thay đổi giao diện trang web của mình. Cụ thể, tính năng AI Mode sẽ thay thế cho tiện ích “I’m Feeling Lucky” (bản tiếng Việt là Xem trang đầu tiên tìm được) ngay bên dưới thanh tìm kiếm, đặt cạnh nút “Google Search”.
Dù chưa được phổ biến rộng rãi, tính năng được đặt ở một vị trí trên giao diện mà CNBC cho rằng “Google hiếm khi thay đổi”, “bất động sản quý giá nhất”. Điều này cho thấy công ty đang rất nghiêm túc trong việc đưa AI vào trải nghiệm tìm kiếm cốt lõi, trong bối cảnh chịu áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm do AI tạo sinh dẫn đầu.
Tính năng này đã bắt đầu được triển khai cho một số người dùng trong tuần qua, một phát ngôn viên của Google xác nhận. Người này cũng cho biết công ty đang thử nghiệm tính năng mới thông qua “Labs”, đơn vị chuyên thử nghiệm dành cho người dùng đăng ký dùng thử. Tuy nhiên, không phải tính năng nào cũng sẽ được triển khai chính thức.
Các nhà đầu tư của Alphabet, công ty mẹ của Google, bắt đầu đưa ra lo ngại kể từ khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11/2022. Họ cho rằng OpenAI có thể giành thị phần trong mảng tìm kiếm, bằng cách mang đến cho người dùng những cách thức mới để tra cứu thông tin trên mạng.
Tháng 10/2024, OpenAI ra mắt “ChatGPT Search”, đặt mình vào vị thế cạnh tranh trực tiếp hơn với các công cụ tìm kiếm như Google, Bing và Perplexity. Microsoft đã đầu tư gần 14 tỷ USD vào OpenAI, tuy nhiên ChatGPT lại cạnh tranh trực tiếp với chính các công cụ AI và tìm kiếm của hãng, như Copilot và Bing.
Trong khi đó, Gemini, sản phẩm AI chủ lực của Alphabet, đã cho thấy hiệu suất ngang bằng hoặc vượt trội so với các đối thủ hàng đầu. Theo một phân tích nội bộ, AI Gemini hiện có khoảng 35 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, so với ước tính 160 triệu của ChatGPT.
Theo Statcounter, thị phần lưu lượng tìm kiếm toàn cầu của Google đã giảm khoảng 2% mỗi năm, từ 93% vào tháng 3/2023 xuống còn 89,71% cùng kỳ năm 2025. Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng dịch vụ của Apple, Eddy Cue, cho biết vào ngày 7/5 rằng số lượt tìm kiếm Google qua trình duyệt Safari đã chứng kiến mức giảm lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 4.
Nhận định về điều này, Ming-Chi Kuo, nhà phân tích kỳ cựu về Apple cho rằng việc nghĩ rằng AI tạo sinh sẽ không ảnh hưởng đến mảng quảng cáo của Google là một sai lầm. “Các nhà cung cấp dịch vụ AI tạo sinh hiện vẫn chưa triển khai quảng cáo, vì vậy Google Ads vẫn là lựa chọn tốt nhất,” Kuo viết.
Theo báo cáo lần đầu của CNBC, Google đã bắt đầu thử nghiệm các thiết kế trang chủ nội bộ từ năm 2023. Một thiết kế tiềm năng khi đó gồm cho hiển thị 5 gợi ý câu hỏi bên dưới thanh tìm kiếm chính, thay thế cho nút “I’m Feeling Lucky” hiện tại. Google cũng thử nghiệm biểu tượng trò chuyện nhỏ nằm ở phía bên phải của thanh tìm kiếm.
Vào tháng 3, Google thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm AI Mode với một nhóm người dùng được chọn. Tuy nhiên, trong mô tả ban đầu, tính năng này được cho là sẽ được thử nghiệm trên trang kết quả tìm kiếm, chứ không phải trang chủ. Công ty gọi đây là một thử nghiệm nhằm mang đến khả năng “lý luận nâng cao, tư duy và xử lý đa phương tiện, giúp bạn trả lời cả những câu hỏi hóc búa nhất”.
CEO của chatbot AI nhất nhì thế giới thừa nhận: Chẳng ai hiểu AI hoạt động như thế nào. Khi chúng ta không hiểu rõ công cụ của mình, liệu nó có an toàn để sử dụng?
Trong một bài viết gây chấn động vừa được đăng tải trên trang web cá nhân, Dario Amodei – CEO của Anthropic, công ty đứng sau chatbot Claude – đã công khai thừa nhận một sự thật khó tin: không ai thực sự hiểu rõ cách AI hoạt động. Tuyên bố này đến từ người đứng đầu một trong những phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, khiến nhiều người ngạc nhiên và lo ngại về công nghệ đang thay đổi cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
” Khi một hệ thống AI tạo sinh thực hiện một việc gì đó, như tóm tắt một tài liệu tài chính, chúng ta không hề biết, ở mức độ cụ thể hay chính xác, tại sao nó đưa ra những lựa chọn đó – tại sao nó chọn từ ngữ này thay vì từ ngữ khác, hoặc tại sao đôi khi nó mắc lỗi dù thường xuyên chính xác ,” CEO Anthropic viết.
Ông tiếp tục thừa nhận rằng những người ngoài ngành AI có thể ngạc nhiên khi biết rằng ngay cả những người xây dựng công nghệ cũng ” không hiểu cách hoạt động của chính những sáng tạo AI của họ” và bất kỳ ai lo ngại về sự thiếu hiểu biết này đều “có quyền lo lắng .”
Để giải quyết vấn đề này, Amodei đã công bố kế hoạch tạo ra một “MRI cho AI” trong thập kỷ tới. Mục tiêu không chỉ là tìm hiểu cơ chế hoạt động của công nghệ, mà còn ngăn chặn bất kỳ mối nguy hiểm không lường trước nào liên quan đến bản chất bí ẩn hiện tại của nó. Theo ông, “sự thiếu hiểu biết này về cơ bản là chưa từng có trong lịch sử công nghệ.”
Điều này phần nào giải thích lý do Amodei và chị gái Daniela rời OpenAI vào cuối năm 2020 giữa những lo ngại về các thực hành an toàn của công ty do Sam Altman điều hành. Cụ thể, họ lo ngại rằng OpenAI đang gạt bỏ những quan ngại về an toàn để theo đuổi lợi nhuận. Amodei cùng năm đồng nghiệp cũ từ OpenAI đã thành lập Anthropic vào năm sau đó với mục tiêu xây dựng AI an toàn hơn – và một phần công việc này dường như tập trung vào việc tìm hiểu cơ chế hoạt động của công nghệ.
Trong những tháng gần đây, Amodei cho biết Anthropic không chỉ tập trung vào việc giúp “điều hướng” AI theo hướng có lợi cho nhân loại, mà còn nghiên cứu “khả năng hấp dẫn” rằng các nhà nghiên cứu cuối cùng có thể hiểu được cách hoạt động bên trong của các hệ thống này ” trước khi các mô hình đạt đến mức độ sức mạnh áp đảo .”
Để minh họa cho những nỗ lực này, CEO Anthropic đã chia sẻ về một thí nghiệm gần đây của công ty. Trong thí nghiệm, một “đội đỏ” cố tình đưa vào một vấn đề trong một mô hình AI (chẳng hạn như xu hướng khai thác lỗ hổng trong một nhiệm vụ) và giao cho các “đội xanh” nhiệm vụ tìm ra điều gì sai với nó. Nhiều đội xanh đã thành công trong việc phát hiện vấn đề, một số thậm chí đã áp dụng hiệu quả các công cụ diễn giải trong quá trình điều tra.
Mặc dù còn nhiều việc phải làm để mở rộng quy mô các “công cụ” này, nhưng thật thú vị khi biết rằng những người tại đối thủ lớn nhất của OpenAI không chỉ đang nỗ lực phát triển AI tiên tiến hơn, mà còn tự giao cho mình nhiệm vụ tìm hiểu lý do và cách thức hoạt động của nó.
“AI mạnh mẽ sẽ định hình vận mệnh của nhân loại,” Amodei kết luận, “và chúng ta xứng đáng hiểu được những sáng tạo của chính mình trước khi chúng biến đổi triệt để nền kinh tế, cuộc sống và tương lai của chúng ta.” Lời cảnh báo này từ người trong cuộc đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các công ty công nghệ trong việc phát triển những hệ thống mà họ chưa thực sự hiểu rõ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu sâu hơn về cách hoạt động nội tại của AI trước khi công nghệ này trở nên quá mạnh để kiểm soát.
Một startup Mỹ đang gây tranh cãi dữ dội khi tuyên bố sẽ tạo ra AI có khả năng thay thế gần hết công việc của con người.
Mechanize – một công ty công nghệ mới tại Mỹ – đang trở thành tâm điểm tranh cãi toàn cầu khi công bố kế hoạch xây dựng AI có thể thay thế phần lớn các công việc mà con người đang làm. Theo tuyên bố chính thức được đăng tải ngày 17/4, Mechanize cho rằng giá trị thực sự của trí tuệ nhân tạo không nằm ở các chatbot đối thoại như ChatGPT mà ở khả năng tái định nghĩa toàn bộ hệ thống lao động và nền kinh tế.
Công ty này lập luận rằng các mô hình AI hiện tại vẫn chưa đủ mạnh để đảm nhiệm công việc một cách bền vững và đáng tin cậy. Chúng còn hạn chế về khả năng ghi nhớ dài hạn, phân tích đa phương thức (hình ảnh, video, văn bản), thiếu khả năng đưa ra kế hoạch dài hạn cũng như thực thi chính xác các chuỗi hành động.
Từ lý thuyết đến thực tiễn: Mechanize đang làm gì?
Để hiện thực hóa mục tiêu gây tranh cãi này, Mechanize đang tập trung xây dựng bộ dữ liệu riêng, cùng hệ thống đánh giá và môi trường huấn luyện chuyên biệt cho các AI tác nhân – những hệ thống có thể ra quyết định, lên kế hoạch và xử lý nhiệm vụ giống con người.
Không dừng lại ở việc huấn luyện mô hình, Mechanize đặt mục tiêu thay thế con người trong các công việc hành chính, phân tích, quản lý và thậm chí cả sáng tạo, bằng cách tự động hóa từ gốc các quy trình đó.
Mechanize đặt mục tiêu thay thế con người trong các công việc hành chính, phân tích, quản lý và thậm chí cả sáng tạo. Ảnh minh họa
Tranh cãi bùng nổ trong cộng đồng khoa học
Ngay khi thông tin được công bố, hàng loạt chuyên gia trong giới công nghệ và đạo đức AI đã lên tiếng phản đối. Trong đó, giáo sư Anthony Aguirre – nhà vật lý lý thuyết tại Đại học California – mô tả đây là “một hướng đi cực kỳ nguy hiểm, đe dọa đến sinh kế của hàng tỷ người”.
Theo ông, việc tự động hóa gần như toàn bộ nền kinh tế không chỉ là một thách thức kỹ thuật mà còn là một vấn đề đạo đức sâu sắc. Nếu không có cơ chế kiểm soát, sự phát triển như vậy có thể dẫn đến bất bình đẳng trầm trọng, phân hoá giàu nghèo và thất nghiệp hàng loạt.
Mechanize phản pháo: Tự động hóa sẽ mang lại thịnh vượng
Trước làn sóng phản đối, Tamay Besiroglu – đồng sáng lập Mechanize – phản bác rằng tự động hóa không khiến con người nghèo hơn mà sẽ giải phóng chúng ta khỏi lao động cực nhọc và mở ra một nền kinh tế thịnh vượng chưa từng có. Ông tin rằng AI có thể tạo ra nguồn hàng hóa và dịch vụ với chi phí gần như bằng 0, mang đến mức sống vượt xa hiện tại.
Theo Besiroglu, loài người sẽ không bị đào thải khỏi nền kinh tế, mà sẽ tham gia vào các lĩnh vực mới khó thay thế bởi máy móc, đặc biệt là các công việc mang tính sáng tạo, đồng cảm hoặc cần sự hiện diện thực tế.
Hậu thuẫn từ các “ông lớn” công nghệ
Mechanize không phải là một startup đơn độc. Dự án này đang nhận được sự hậu thuẫn tài chính từ nhiều tên tuổi lớn như Nat Friedman (cựu CEO GitHub), Patrick Collison (CEO Stripe), Jeff Dean (trưởng nhóm AI tại Google) cùng các nhà đầu tư danh tiếng tại Silicon Valley. Các quỹ mạo hiểm đang đặt cược vào Mechanize vì tin rằng công ty này đi trước một bước trong cuộc đua AI thế hệ mới.
Theo giới đầu tư, đội ngũ sáng lập Mechanize từng là những bộ óc chủ chốt tại Epoch AI – một tổ chức chuyên theo dõi tiến trình phát triển AI toàn cầu. Điều đó giúp họ có tầm nhìn dài hạn, thay vì chỉ chạy theo các xu hướng nhất thời.
Nỗi lo chung: Việc làm sẽ đi về đâu?
Trong khi Mechanize hứa hẹn về một tương lai tự động hóa lý tưởng, nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế lại đưa ra viễn cảnh u ám. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cảnh báo có đến 60% việc làm tại các nền kinh tế phát triển có thể bị AI thay thế hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng trong vài năm tới.
Tại Anh, một nghiên cứu gần đây từ Viện Tony Blair dự đoán khoảng 3 triệu việc làm trong khu vực tư nhân sẽ biến mất vì AI. Nếu những hệ thống tác nhân ngày càng đủ thông minh để quản lý cả chuỗi hành động phức tạp, viễn cảnh con người bị thay thế hàng loạt là hoàn toàn có thể xảy ra.