Chiều 15-5, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, đơn vị đã và đang tăng cường mở đợt truy quét, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng không rõ xuất xứ… từ 15-5 đến 15-6.
Trong đó, để kiểm soát tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lực lượng QLTT TPHCM sẽ đẩy mạnh kiểm tra đột xuất tại các khu vực nổi cộm như: chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và các kho chứa hàng hóa…
Bên cạnh đó, lực lượng QLTT cũng xây dựng các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam…
Trước đó, vào chiều 14-5, Chi cục QLTT TPHCM đã kiểm tra, phát hiện 1 điểm kinh doanh tại chợ Bình Tây (quận 6) bày bán hàng loạt hộp yến sào tinh chế loại 100g/hộp, trị giá gần 60 triệu đồng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, khi kiểm tra 1 điểm kinh doanh tại quận 8, lực lượng QLTT phát hiện hơn 100 gói bột thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc, hàng được rao bán trên website thương mại điện tử…
Tại tỉnh Lào Cai, sáng 15-5, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết tình hình những tháng đầu năm và phát động đợt cao điểm chống hàng lậu, hàng giả, thực phẩm mất an toàn vệ sinh, gian lận thương mại… kéo dài từ nay đến ngày 15-6. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thành Sinh trực tiếp chủ trì, yêu cầu toàn bộ các sở ngành dù đang sáp nhập, tinh gọn bộ máy vẫn không được bỏ trống địa bàn, không để các đối tượng buôn lậu lợi dụng kẽ hở quản lý. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, tỉnh này đã phát hiện và xử lý 294 vụ vi phạm hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại với tổng trị giá xử lý trên 5,6 tỷ đồng.
Tại tỉnh Bắc Ninh, ngay trước thời điểm chính thức ra quân, lực lượng quản lý thị trường đã bất ngờ kiểm tra một cơ sở kinh doanh ở xã Đại Lai (huyện Gia Bình), phát hiện 40.000 gói rong biển đóng sẵn không có chứng từ, hóa đơn hợp lệ. Đại diện Đội QLTT số 5 (Bắc Ninh) cho biết loại thực phẩm này nếu không có nguồn gốc rõ ràng, rất dễ gây ngộ độc, nhất là với trẻ em và người ăn chay. Bắc Ninh vốn là địa bàn trung chuyển, tập kết hàng lậu, trong năm 2024 và quý 1-2025, tỉnh đã phát hiện tới 2.560 vụ vi phạm, với tổng trị giá gần 480 tỷ đồng.
Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, thông tin được cung cấp ngày 15-5 cho biết, Đội QLTT số 5 và công an kinh tế đã phát hiện gần 800kg thịt heo đã mổ, bỏ nội tạng, có dấu hiệu hư hỏng tại một nhà hàng ở TP Vĩnh Yên. Toàn bộ số hàng được tiêu hủy ngay lập tức. Chủ cơ sở bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.
Trong khi đó, ngày 13-5 Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết đã phát hiện gần 8 tấn hàng hóa, gồm: sữa, rượu, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tinh dầu… không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, giấy phép lưu hành sản phẩm. Theo đó, nhận được tin báo của người dân, Công an xã Hồ Đắc Kiện đã kiểm tra tại hộ gia đình bà N.T.C. (thuộc xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) thì bắt quả tang 3 nam thanh niên đang có hoạt động bóc tách bao bì, nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 413 thùng hàng, 67 bao đựng sản phẩm các loại, với tổng trọng gần 8 tấn, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, giấy phép lưu hành sản phẩm. Qua làm việc, 3 đối tượng trên khai nhận được người đàn ông Đ.K.H. (ngụ Long Biên, Hà Nội) thuê để thực hiện công việc tháo gỡ, bóc tách các bao bì sản phẩm…
Ngày 15-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 65/CĐ-TTg về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15-5 đến ngày 15-6. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung nhận diện các tổ chức, cá nhân nghi vấn có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi liên quan, triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng nhằm kịp thời răn đe, cảnh tỉnh.
Theo Cục Hải quan và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ riêng trong tháng 4-2025, cả nước đã phát hiện 1.330 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, trị giá hàng hóa vi phạm gần 1.867 tỷ đồng. Trong 2 năm thực hiện Kế hoạch 92 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, toàn quốc đã phát hiện và xử lý gần 295.000 vụ vi phạm, trong đó có hơn 24.000 vụ hàng lậu, hàng cấm, 10.000 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó có tới 5.280 vụ đã bị khởi tố hình sự.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch năm 2025, nắm chắc địa bàn, xác định nhóm hàng trọng điểm, chủ động phòng ngừa, truy quét tận gốc các đường dây lớn. Trách nhiệm người đứng đầu sẽ bị truy cứu nếu để xảy ra các vụ nổi cộm.
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng