Connect with us

Khởi Nghiệp

Shipper bọt bèo trong thời thương mại điện tử

Published

on

Shipper bọt bèo trong thời thương mại điện tử, đa số tài xế giao hàng (shipper) chỉ được nhận “chay” tiền thù lao trên mỗi đơn hàng, không có hợp đồng lao động và các phúc lợi kèm theo.

Shipper "bọt bèo" trong thời thương mại điện tử - Ảnh 1.

Một shipper trải hàng ra vỉa hè đợi khách ở quận 3 (TP.HCM). Ảnh: CÔNG TRIỆU

Giao hàng là hoạt động thủ công duy nhất trong quy trình thương mại điện tử, shipper bọt bèo trong thời thương mại điện tử. Hàng đến tay từng người mua phụ thuộc hoàn toàn vào các tài xế giao hàng lẻ (thường gọi là shipper) – những người được trả thù lao rất “bèo bọt”. Mức phí giao hàng chuyển phát nhanh tiêu chuẩn từ nhà phân phối tại Hà Nội đến khách hàng ở TP.HCM của một số doanh nghiệp thu có giá 22.000 đồng/đơn hàng tiêu chuẩn (1kg). Nhưng người giao hàng chỉ nhận thù lao từ 3.000 – 10.000 đồng/đơn hàng.

Đa số shipper chỉ nhận thù lao trên đơn hàng

Anh Phong (31 tuổi), một người giao hàng ở khu vực phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết anh giao hàng cho công ty M. Các đơn hàng của anh chủ yếu được khoán lại từ một thương hiệu giao hàng chuyển phát nhanh. Sau hai tháng thử việc, anh Phong được công ty M. ký hợp đồng lao động có thời hạn.

Theo hợp đồng, mỗi ngày anh Phong phải giao tối thiểu 40 đơn hàng, lương cứng được 192.000 đồng, có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, được nghỉ 4 ngày/tháng. Nếu mỗi ngày không giao thành công 40 đơn hàng thì không có lương cơ bản, số lượng đơn hàng tăng sẽ được tính thù lao như đơn hàng trong gói cơ bản. “Mỗi ngày, tôi cố gắng giao từ 80 – 120 đơn hàng, thù lao khoảng 400.000 – 600.000 đồng”, anh Phong cho biết.

Văn Tuấn (23 tuổi), shipper hãng G., giao hàng khu vực phường Tân Tạo A (quận Bình Tân), được ký hợp đồng lao động sau thời gian thử việc với lương cứng 4.960.000 đồng/tháng, được đóng các loại bảo hiểm. Tuấn và các nhân viên giao hàng khác phải giao tối thiểu 40 đơn hàng/ngày, nếu chỉ giao thành công dưới 20 đơn/ngày thì được hưởng nửa lương cơ bản. Ngoài ra, mỗi đơn hàng giao được, các shipper của hãng G. nhận được thù lao (3.000 đồng cho mỗi đơn hàng cơ bản – hàng nhẹ, nhỏ, địa chỉ giao hàng gần; từ 4.000 – 9.000 đồng cho các đơn hàng cồng kềnh, nặng, địa chỉ xa, không rõ ràng).

Thực tế, số lượng shipper được ký hợp đồng, có lương cứng, có bảo hiểm như anh Tuấn và Phong rất ít. Shipper Thanh giao hàng cho hãng chuyển phát nhanh J được 2 năm nhưng vẫn chỉ nhận thù lao theo đơn hàng. Thanh kể lúc đến nhận việc, hãng J chỉ đưa ra một danh sách các công việc mà một shipper cần làm, làm được mức nào thì hưởng được mức thù lao tương ứng. Ai đồng ý thì nhận việc. Hằng ngày, shipper đến bưu cục nhận hàng, đối soát số lượng, thông tin, định hướng di chuyển và bắt đầu gọi khách. Mỗi đơn hàng giao thành công, Thanh được hưởng từ 3.000 – 10.000 đồng, nhận thù lao theo tuần, không có thưởng lễ, Tết, không có hợp đồng lao động, phụ cấp, bảo hiểm các loại.

Tương tự, anh Trường (shipper của hãng chuyển phát nhanh S.) giao hàng đã được 3 năm nhưng cũng chưa được ký hợp đồng lao động. Lúc đến nhận việc, Trường ký với hãng S. biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác. Hai bên gọi nhau là đối tác, shipper được hãng đóng bảo hiểm tai nạn. Thu nhập của Trường chỉ là thù lao trên mỗi đơn hàng, nghỉ chạy là hết tiền. Với những đơn hàng phải thu phí, nếu khách “xù” tiền thì shipper phải đền. Mỗi ngày, Trường tốn khoảng 30.000 đồng xăng xe, 40.000 đồng cước điện thoại. Mỗi tháng, Trường nhận thù lao khoảng 12 triệu đồng và phải tự chi cho tất cả các khoản trên.

Nghiệp đoàn chưa tròn trách nhiệm

Theo Liên đoàn Lao động TP.HCM, toàn TP hiện có 44 nghiệp đoàn cơ sở ngành nghề xe ôm, giao hàng với 5.836 đoàn viên nghiệp đoàn.

Ông Đoàn Minh Tứ Quí, chủ tịch Nghiệp đoàn xe ôm, xe công nghệ quận 8, cho hay nghiệp đoàn được thành lập từ năm 2020, hiện có khoảng 150 thành viên (gồm tài xế xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ, tài xế giao hàng…). Phí sinh hoạt nghiệp đoàn là 10.000 đồng/tháng/thành viên, sinh hoạt mỗi quý 1 lần có lồng ghép tập huấn kỹ năng, xử lý tình huống, sơ cấp cứu, phòng vệ… cho các tài xế. Nghiệp đoàn tặng quà Tết, thăm ốm đau, quà cưới… cho các đoàn viên. Hằng năm, quận 8 hay TP.HCM có vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các loại bảo hiểm y tế cho người lao động tự do, nghiệp đoàn cũng xem xét để đưa các đoàn viên vào danh sách được hỗ trợ, nhưng không phải năm nào cũng có.

Ông Quí cho biết gần như cánh tài xế xe ôm, xe công nghệ, tài xế giao hàng đều không được đóng và hưởng các chế độ, chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Hầu hết họ không có lương cơ bản, chỉ “có mở app, có chạy thì mới có tiền”. Ông Quí cho biết bản thân thường xuyên nghe các đoàn viên phản ánh những khó khăn của nghề nhưng chưa có trường hợp nào mà nghiệp đoàn đứng ra dàn xếp hay bảo vệ quyền lợi.

Ông Lê Tấn Lưu, chủ tịch Nghiệp đoàn xe ôm, xe công nghệ quận Bình Tân, cho biết hiện nghiệp đoàn có khoảng 1.000 thành viên, mức hội phí 50.000 đồng/tháng/tài xế. Với trường hợp khó khăn, nghiệp đoàn sẽ bàn họp và có thể xét miễn đóng phí. Tài xế được chăm lo quà Tết, thăm ốm bản thân và người thân…

Ông Cao Văn Thăng, chánh văn phòng Liên đoàn Lao động TP.HCM, cũng nhìn nhận phần lớn các công ty vận chuyển hàng hóa thương mại điện tử tại TP.HCM không giao kết hợp đồng lao động, không mua bảo hiểm cũng như có các phúc lợi khác cho người giao hàng. Thu nhập của tài xế giao hàng của mỗi doanh nghiệp cũng khác nhau. Pháp luật về lao động chưa quy định rõ ràng về việc này.

Theo quyết định 174 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nghiệp đoàn có nhiệm vụ tập hợp ý kiến, nguyện vọng của đoàn viên để tìm giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ hoặc phản ánh, kiến nghị, đề nghị người có thẩm quyền giải quyết. Như vậy, các nghiệp đoàn nghề nghiệp có nghe, có biết những khó khăn, bấp bênh, thậm chí những bất công mà các tài xế giao hàng phải chịu nhưng đến nay gần như chưa có hoạt động nào chính thức để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong mảng này. ■

Đà Nẵng: kiến nghị ban hành quy định bảo vệ shipper

Nghiệp đoàn lái xe công nghệ Grab Đà Nẵng thành lập tháng 7-2024, đoàn viên gồm cánh xe ôm công nghệ (của Grab và nhiều thương hiệu khác), tài xế giao thức ăn, shipper…

Ông Nguyễn Đức Thịnh, phó chủ tịch Nghiệp đoàn lái xe công nghệ Grab Đà Nẵng, cho biết Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng đã gặp các tài xế xe công nghệ, người giao hàng qua app để lắng nghe họ đề xuất chính sách với những người làm dịch vụ “khai thác app”. “Tôi cũng kiến nghị cần có những quy định pháp luật điều chỉnh quyền lợi tối thiểu của người lao động “khai thác app”. Trường hợp nào thì “đối tác” của các app được tham gia bảo hiểm xã hội, hưởng các chế độ nghỉ phép, trợ cấp, giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, lương ngoài giờ… Bên cạnh đó, pháp luật, công đoàn cần can thiệp để kiểm soát tỉ lệ ăn chia giữa người giao hàng và các hãng, các đại lý để shipper, tài xế không bị chèn ép, không bị bên thứ 3 đánh giá vô lý để bị phạt, trừ thù lao, tiền thưởng vô tội vạ”.

Ông Lê Văn Đại, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, cho biết toàn Đà Nẵng có hơn 300.000 lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức, trong đó có lực lượng lao động tham gia mô hình “khai thác app” (tài xế xe ôm công nghệ, shipper, người giao thức ăn…).

Đây là những lao động có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được hưởng trợ cấp, phúc lợi. Ông Đại cho biết Công đoàn thành phố đang tập hợp những ý kiến, phản ánh để giúp đỡ và đại diện bảo vệ người lao động. Liên đoàn sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành những quy định pháp luật để điều chỉnh, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Chỉ hưởng thù lao khi giao hàng

Đại diện Công ty TNHH SPX Express (SPX) khẳng định quan điểm tài xế giao hàng là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế số, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ. Tài xế giao hàng của hãng được nhận thù lao theo đơn hàng, được hãng mua bảo hiểm tai nạn với mức chi trả đến 50 triệu đồng. SPX có quỹ đồng hành cùng tài xế SPX, có tặng quà cho tài xế và thân nhân trong các dịp lễ Tết. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi có phải tất cả các tài xế đều được hưởng những phúc lợi trên không thì đại diện hãng không trả lời.

Còn nhân viên tuyển dụng của hãng chuyển phát nhanh G.H. cho biết thù lao cho tài xế mới là 3.000 đồng/đơn hàng giao thành công. Tài xế muốn làm shipper cho hãng này chỉ cần có sơ yếu lý lịch tự khai, căn cước công dân, điện thoại thông minh với số điện thoại chính chủ và có xe máy, có sức khỏe tốt, nhiệt tình, nhanh nhẹn. Hãng G.H. hứa hẹn thu nhập của shipper từ 15 – 20 triệu đồng/tháng. “Đối tác ăn chia trực tiếp, dựa trên số lượng đơn giao thành công hằng tuần, hằng tháng, không giao thì không có tiền”, chuyên viên tuyển dụng trên thông tin.

Theo Tuoitre.vn

Continue Reading
Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khởi Nghiệp

Thay đổi cuộc chơi thị trường taxi: Startup 3 năm tuổi ở châu Á khiến ngành gọi xe chấn động.

Published

on

Ứng dụng hiện đã có mặt tại hơn 15 thành phố của Ấn Độ, ngành gọi xe chấn động, hỗ trợ gần 190.000 chuyến đi mỗi ngày.

Namma Yatri, công ty khởi nghiệp 3 năm tuổi của Ấn Độ, đang làm đảo lộn ngành dịch vụ gọi xe tại đất nước tỷ dân. Ra mắt vào năm 2022 với tư cách đơn vị tổng hợp xe lam, startup này đã thay đổi cách tài xế kiếm tiền từ các nền tảng gọi xe đơn thuần.

Được biết, Namma Yatri loại bỏ mô hình dựa trên hoa hồng, đi tiên phong bằng hệ thống dựa trên đăng ký. Tài xế sẽ trả cho nền tảng một khoản phí tượng trưng và được giữ lại toàn bộ giá cước tính từ khách hàng.

Ứng dụng hiện đã có mặt tại hơn 15 thành phố của Ấn Độ, hỗ trợ gần 190.000 chuyến đi mỗi ngày. Theo trang web, Namma Yatri đã giúp 638.000 tài xế kiếm được tổng cộng hơn 175 triệu USD kể từ khi ra mắt cho đến nay.

Thành công này buộc các đối thủ cạnh tranh lâu đời, từ Ola, Rapido và gần đây nhất là Uber, buộc phải điều chỉnh mô hình kinh doanh và cung cấp đăng ký. Chính phủ cũng đang tìm cách giới thiệu các ứng dụng xe chuyển lợi nhuận trực tiếp cho tài xế.

Namma Yatri hiện đang tính đến chuyện mở rộng ra thị trường nước ngoài. Sarayu Natarajan, người sáng lập Viện Aapti, một tổ chức nghiên cứu tập trung vào công nghệ và xã hội, chia sẻ với Rest of World khi đề cập đến sự thay đổi trong mô hình thanh toán trên toàn ngành: “Namma Yatri đóng vai trò trung tâm trong sự thay đổi đang diễn ra”.

Namma Yatri có thị phần nhỏ hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh, song lại đang trở thành động lực của ngành, Saurav Kumar Chachan, đối tác liên kết của Redseer, một công ty nghiên cứu và tư vấn tập trung vào các công ty khởi nghiệp, nói với Rest of World . “Các tài xế coi đây như một giải pháp thay thế tốt hơn và các nền tảng sẽ phải phù hợp với hướng đi của thị trường”.

Startup 3 năm tuổi ở châu Á khiến ngành gọi xe chấn động: Không lấy hoa hồng, để tài xế giữ toàn bộ tiền cước, đang thực hiện 190.000 chuyến đi/ngày- Ảnh 2.

Ứng dụng hiện đã có mặt tại hơn 15 thành phố của Ấn Độ, hỗ trợ gần 190.000 chuyến đi mỗi ngày.

Namma Yatri được phát triển bởi một công ty fintech do SoftBank hậu thuẫn, Juspay, hợp tác với Quỹ Tương tác trong Kinh tế số (FIDE), một tổ chức phi lợi nhuận tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bằng các giao thức mở. Nhóm sáng lập của Namma Yatri đã tham khảo ý kiến của Liên đoàn lái xe kéo tự động (ARDU) tại Bengaluru để đảm bảo ứng dụng có thể giải quyết các thách thức trong các mô hình gọi xe hiện có. Rudramurthy, tổng thư ký ARDU nói với Rest of Word: “Khách hàng thích thú và nói về ứng dụng với những người khác nữa”.

Thời điểm Namma Yatri ra mắt vào tháng 11 năm 2022, ứng dụng miễn phí cho tài xế và đã có hàng nghìn người sử dụng. Đến giữa năm 2023, Namma Yatri triển khai mô hình phí đăng ký khác nhau, tùy vào từng khu vực. Ở hầu hết các tiểu bang, tài xế xe lam trả 25 rupee (29 xu) một ngày cho các chuyến đi không giới hạn hoặc 3,5 rupee (4 xu) cho mỗi chuyến đi trong 10 chuyến đầu tiên, sau đó không tính phí.

Namma Yatri hiện là ứng dụng gọi xe duy nhất ở Ấn Độ công khai các số liệu quan trọng về tài xế và chuyến đi. Vào cuối năm 2023, Juspay đã tách Namma Yatri thành một công ty riêng có tên là Moving Tech Innovations. Shanmugavel được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành; Magizhan Selvan, cựu giám đốc điều hành của Juspay, tiếp quản vị trí giám đốc điều hành.

Năm 2024, Moving Tech Innovations huy động được 11 triệu USD từ Google và các công ty đầu tư mạo hiểm Blume Ventures và Antler.

“Chúng tôi thích cách họ xây dựng và giải quyết vấn đề di chuyển ở quy mô lớn. Nó có thể mở rộng quy mô mà không cần đầu tư nhiều vốn”, Karthik Reddy, đồng sáng lập Blume, chia sẻ với Rest of World.

Tài xế Bobby Thomas cho biết anh hài lòng với Rapido và Namma Yatri vì chúng minh bạch và thân thiện với tài xế, dù khả năng tiếp cận trong giờ cao điểm hạn chế. “Ngoại trừ một số khu vực nhất định, lựa chọn mặc định của tôi luôn là Uber vì trải nghiệm của người dùng tốt hơn”, Disha Rawal, một cư dân Bengaluru cho biết.

Startup 3 năm tuổi ở châu Á khiến ngành gọi xe chấn động: Không lấy hoa hồng, để tài xế giữ toàn bộ tiền cước, đang thực hiện 190.000 chuyến đi/ngày- Ảnh 3.

Rest of World đã nói chuyện với gần một chục tài xế. Hầu hết đều sử dụng ít nhất hai ứng dụng. Nhiều tài xế ở Bengaluru không hài lòng với Namma Yatri vì họ tin rằng công ty này, vốn tuyên bố minh bạch dữ liệu, lại không minh bạch về thu nhập. Một số vẫn cảnh giác với phí đăng ký của công ty.

“Khi họ bắt đầu, họ nói không tính phí. Nếu sau này họ tăng phí này thì sao?”, một người nói.

Namma Yatri vẫn chưa hòa vốn.

Từ tháng 11 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024, công ty báo cáo khoản lỗ 3,3 crore rupee (387.000 USD) trên doanh thu là 2,2 crore rupee (258.000 đô la), theo công ty nghiên cứu Tracxn. Shanmugavel cho biết nền tảng này đang tạo ra lợi nhuận cho mỗi chuyến đi tại ba trong số năm tiểu bang mà nó hoạt động.

Namma Yatri là nền tảng gọi xe đầu tiên đóng góp vào nỗ lực của chính phủ nhằm dân chủ hóa thương mại trực tuyến, hiện đang phát triển một ứng dụng dành cho vận tải đa phương thức với chính quyền tiểu bang Tamil Nadu. Công ty cũng đã triển khai chương trình đưa nhiều phụ nữ hơn vào ngành nghề vốn do nam giới thống trị.

“Tôi đã thử rất nhiều công việc sau khi chồng qua đời, bao gồm cả làm giúp việc gia đình. Tuy nhiên, tôi thích lái xe hơn”, Pushpalatha, một bà mẹ đơn thân đến từ Bengaluru, chia sẻ với Rest of World.

Trong khi dịch vụ độc đáo giúp của Namma Yatri trở nên nổi tiếng, công ty hiện sẽ phải đối diện với các đối thủ cạnh tranh đang cố gắng sao chép mô hình. Chachan cho biết mọi nền tảng sẽ phải cạnh tranh để giành cùng một nhóm tài xế. Nền tảng nào sở hữu nhiều xe nhất sẽ có cơ hội thành công cao.

Shanmugavel cho biết mô hình nguồn mở của Namma Yatri, cách tiếp cận lấy cộng đồng làm trọng tâm và sự hợp tác công-tư sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Ông cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị cho mô hình không hoa hồng ngay từ ngày đầu tiên. Đối với những công ty khác, đó là chiến lược giới hạn ở một số danh mục nhất định và không rõ chúng sẽ kéo dài trong bao lâu”.

Theo Rest of World

Continue Reading

Khởi Nghiệp

Cách thương hiệu thời trang nội địa vượt “bão” đóng cửa hàng loạt

Published

on

Để vượt qua “cơn bão” đóng cửa hàng loạt, một số thương hiệu thời trang nội địa (local brand) chọn giữ vững bản sắc và vận hành linh hoạt, thay vì chạy theo xu hướng hay đánh bóng chất lượng.

Từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, thị trường thời trang nội địa chứng kiến hàng loạt thương hiệu đóng cửa, phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt và những thách thức mới trong ngành.

Từ việc thương hiệu Lép (Hà Nội) ngừng hoạt động sau 8 năm, Casta đóng cửa 22 cửa hàng sau 13 năm, đến Edini (TPHCM) dừng mảng thời trang thường ngày sau 12 năm, điểm chung mà các nhãn hàng thừa nhận là không thể theo kịp tốc độ thay đổi, cũng như cuộc đua “giá rẻ kịch sàn” ngày càng gay gắt.

Chia sẻ góc nhìn về bài toán vượt qua cơn bão giá rẻ, Hoàng Châu, nhà sáng lập thương hiệu Chautfifth cho rằng, yếu tố tiên quyết là “value for money” (tạm dịch: giá trị xứng đáng với số tiền bỏ ra), tức là tạo ra giá trị thực cho khách hàng.

Khác với cách làm sản phẩm thời trang chạy theo xu hướng, chị Hoàng Châu chọn chiến lược “giữ mẫu bán chạy” và “nâng cấp mẫu cũ”, giúp tối ưu chi phí, duy trì sản phẩm best-seller (bán chạy nhất) mà không đánh mất tính mới mẻ.

Theo cách này, các sản phẩm bán chạy sẽ tiếp tục được sản xuất, đồng thời tinh chỉnh chất liệu, màu sắc hoặc chi tiết để phù hợp với xu hướng mới.

Không chỉ tập trung vào sản phẩm, nhà sáng lập Hoàng Châu còn áp dụng chiến lược quản trị rủi ro chặt chẽ. “Có những thương hiệu thường hay lệ thuộc vào một kênh bán hàng, điều này dễ rơi vào khủng hoảng nếu thuật toán hoặc chính sách thay đổi. Chúng tôi phân bổ đều các kênh để giữ sự linh hoạt”, nhà sáng lập Hoàng Châu chia sẻ.

Theo chị Hoàng Châu, “sản phẩm là trung tâm, còn marketing (quảng cáo tiếp thị) chỉ là lớp áo truyền tải cảm xúc”.

Vì vậy, bên cạnh đầu tư chỉn chu vào thiết kế, nhà sáng lập của thương hiệu túi xách này dành nguồn lực cho R&D (Research and Development: nghiên cứu và phát triển sản phẩm).

Từ quan sát thị trường, chị Hoàng Châu nhận định rằng, ngành thời trang hiện nay không còn chỗ cho sự đứng yên. Chị lấy ví dụ, trước đây, một mẫu mã có thể thịnh hành suốt 6 tháng, còn hiện tại, vòng đời của sản phẩm đôi khi chỉ kéo dài 2 tháng.

Các thương hiệu lớn trên thế giới cũng phải thay đổi, từ việc chỉ ra mắt 2 bộ sưu tập theo mùa chính trong năm, họ đã chuyển sang chiến lược “see now buy now” (thấy là mua ngay), đồng thời tung thêm nhiều bộ sưu tập nhỏ giữa mùa.

Vì vậy, chị Hoàng Châu xác định 3 trụ cột cho sự bền vững thương hiệu là, sự mới mẻ liên tục trong sản phẩm, đầu tư mạnh vào visual marketing (tiếp thị trực quan) và chú trọng visual merchandising (trưng bày sản phẩm trực quan).

Nhà sáng lập thương hiệu túi xách này cho rằng, các hãng không nên lấy “chất lượng” làm điểm nhấn trong truyền thông. Chị chia sẻ: “Chất lượng là điều kiện tiên quyết, là tiêu chuẩn tối thiểu. Nếu muốn khách quay lại, bạn phải có chất lượng, chứ không nên quảng cáo cho điều vốn dĩ là chuẩn mực”.

Từng điều hành một thương hiệu trải qua nhiều giai đoạn biến động, chị Hoàng Châu cho rằng điểm yếu lớn nhất của nhiều thương hiệu thời trang nội địa nằm ở việc “nghĩ rằng chỉ cần đẹp là bán được”. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày nay yêu cầu nhiều hơn: độ bền, sự thoải mái, tính ứng dụng và câu chuyện thương hiệu.

Đồng quan điểm, Trọng Lâm, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Lsoul, cho rằng, việc chạy theo các xu hướng nhất thời không thể tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu, mà ngược lại, sẽ khiến nó trở nên mờ nhạt và thiếu cá tính.

Bên cạnh bản sắc, theo Trọng Lâm, yếu tố sống còn tiếp theo của một thương hiệu chính là sự bền vững.

“Việc liên tục đổi mới nhưng vẫn đảm bảo chất lượng ổn định là điều thiết yếu. Trong ngành thời trang, tính ổn định và đáng tin cậy đôi khi còn quan trọng hơn cả những đột phá sáng tạo”, anh chia sẻ.

Đặc biệt, khi bước ra thị trường quốc tế, khách hàng nước ngoài sẽ kỳ vọng được trải nghiệm sản phẩm ở mức độ tương đương với các thương hiệu bản địa. Điều này đòi hỏi không chỉ chất lượng sản phẩm mà còn cả sự chỉn chu trong vận hành, từ logistics (hậu cần hàng hóa), quản lý tồn kho cho đến dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Nói về cách vực dậy thương hiệu đã từng thất bại, Trọng Lâm nhấn mạnh, cần xác định rõ DNA thương hiệu (tạm dịch: bản sắc cốt lõi), yếu tố thực sự khác biệt và xây dựng một đội ngũ nhân sự đủ năng lực. “Nhân sự là tài sản quý giá nhất, là cốt lõi cho mọi sự phục hồi”, anh Lâm nêu quan điểm.

Nhìn về tương lai, Trọng Lâm cho rằng thời trang Việt Nam đang ở một thời điểm bước ngoặt.

Anh tin tưởng: “Ngành thời trang nước ta không thiếu nhân tài, chỉ là họ chưa có nhiều đất dụng võ. Điều còn thiếu có chăng là niềm tin vào giá trị bản thân và tầm nhìn dài hạn để xây dựng những nước đi hợp lý, mang tầm vóc quốc tế”.

Theo Dân Trí

Continue Reading

Khởi Nghiệp

Loạt local brand Việt dắt tay nhau rời cuộc chơi chỉ trong 6 tháng

Published

on

Chi phí thuê mặt bằng tăng cao, sức mua giảm do kinh tế khó khăn và sự phát triển của thói quen mua sắm online đẩy nhiều brand Việt dắt tay nhau rời cuộc chơi quyết định đóng cửa.

Ngày 6/4, thương hiệu thời trang nội địa Mia Ritta (Hà Nội) chính thức tuyên bố đóng cửa cơ sở kinh doanh vật lý, chuyển sang kênh bán online. Tuy không hoàn toàn rời khỏi thị trường thời trang, nhãn hàng này góp phần nối dài “làn sóng” đóng cửa hàng loạt của các local brand Việt, phản ánh bức tranh thị trường cạnh tranh gay gắt.

Trao đổi với Tri Thức – Znews, Thanh Hường, founder của Mia Ritta, cho biết quyết định này đến từ nhiều lý do, bao gồm chi phí thuê mặt bằng cao, chiếm phần lớn ngân sách vận hành của đơn vị kinh doanh thời trang. Ngoài ra, xu hướng mua sắm online của khách hàng cũng đẩy các local brand vào thế khó.

Đồng tình với Thanh Hường, Quý Cao, chủ sở hữu thương hiệu Caostu (TP.HCM), cũng cho rằng sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử với số lượng lớn voucher đi kèm ít nhiều thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng thời trang.

Theo anh, đó là lý do nhiều chuỗi cửa hàng vật lý phải rời cuộc chơi từ năm ngoái. Việc vận hành chuỗi không còn phù hợp với thị trường thời trang hiện tại, gây tốn kém chi phí, dẫn đến quyết định chuyển sang mô hình kinh doanh số hoá.

Quý IV/2024, các hãng thời trang nội địa lâu năm như Lep’, Elpis, Catsa đồng loạt nói lời tạm biệt. Bước sang năm 2025, chỉ trong chưa đầy 3 tháng, thương hiệu giày MỘT, cùng 2 nhãn hàng thời trang The Peachy và Hnoss cũng lần lượt đóng cửa. Điều này phản ánh tình trạng kinh doanh khó khăn của các local brand trong nước.

Tại sao local brand đồng loạt đóng cửa?

Theo Quý Cao, tình trạng kinh tế khó khăn hậu đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Thời trang cũng nằm trong số đó.

Ngoài ra, sự phát triển trong tư duy thời trang và tâm lý mua sắm của người tiêu dùng Gen Z cũng trở thành thử thách đối với nhiều thương hiệu lâu năm trong nước. Khách hàng trẻ ngày càng kỹ tính, chọn lọc cẩn thận hơn.

Việc ra mắt sản phẩm theo mùa, bộ sưu tập hay trào lưu trở thành xu hướng hiện nay, khiến nhiều local brand không bắt kịp, dẫn đến tình trạng kiệt quệ về nguồn lực kinh tế và nhân sự. Một số thương hiệu nội địa không còn lợi thế cạnh tranh, buộc phải rời cuộc chơi.

Founder thương hiệu thời trang Caostu cũng cho biết thời trang thiết kế tại Việt Nam trở nên cởi mở hơn trong khoảng 5 năm gần đây. Thiết kế đa dạng và giá thành thấp hơn so với mặt bằng chung trong khu vực khiến các sản phẩm này được đón nhận.

Tuy nhiên, chiến lược xây dựng câu chuyện, tinh thần, nhận diện và cá tính thương hiệu của nhiều đơn vị hiện nay tương đối giống nhau. Đây có thể trở thành bất lợi cho đơn vị kinh doanh muốn đi đường dài.

“Mở một thương hiệu thời trang ở Việt Nam rất dễ, nhưng việc duy trì hoạt động, vận hành một cách hiệu quả không phải điều đơn giản. Những nhãn hàng không có kế hoạch và sự chuẩn bị về dòng tiền đều có nguy cơ đóng cửa cao”, Quý Cao chia sẻ.

Trong khi đó, Thanh Hường nhận định rằng tình trạng đóng cửa hàng loạt đến từ sức mua giảm do suy thoái kinh tế. Ngoài ra, nhiều đơn vị kinh doanh phải gồng gánh từ đại dịch đến nay, dẫn đến cạn kiệt tài chính và quyết định rời thị trường vào thời điểm này.

Chủ sở hữu local brand đến từ Hà Nội dự đoán rằng “làn sóng” này sẽ kéo dài đến khi tình hình kinh tế thế giới trở nên khả quan hơn.

Tia sáng của bức tranh thời trang nội địa

Có thể thấy, thị trường local brand cạnh tranh khốc liệt hiện nay đòi hỏi các thương hiệu phải thay đổi để tồn tại. Do đó, Thanh Hường quyết định đóng cửa hàng vật lý, tập trung vào phát triển kênh bán hàng online.

Bên cạnh việc thay đổi mô hình kinh doanh, chủ thương hiệu thời trang này cũng tái định vị tệp khách hàng, từ đó phát triển sản phẩm, tìm phương pháp marketing, bán hàng phù hợp.

Nhà sáng lập hãng thời trang cho rằng những nhãn hàng thành công trong bối cảnh khó khăn hiện tại đều phải linh hoạt, thay đổi kịp thời, tập trung vào sáng tạo sản phẩm và tìm ra các phương án tiếp thị mới mẻ, hấp dẫn.

Tương tự, Quý Cao cũng nhận thấy những đốm sáng trong bức tranh local brand tại Việt Nam hiện nay. Song song với những nhãn hàng rời cuộc chơi, nhiều đơn vị kinh doanh mới ra đời, mang đến những sản phẩm thể hiện sự đầu tư về chất lượng, thiết kế và chiến dịch truyền thông.

“Tôi tin tưởng vào câu ‘Hoa sen mọc lên từ bùn’. Dù ở hoàn cảnh nào, các thương hiệu thức thời vẫn đủ sức vươn lên, bứt tốc, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, Quý Cao chia sẻ với Tri Thức – Znews.

Founder local brand này nhận định rằng tình trạng khó khăn có khả năng kéo dài đến giữa năm 2025, sau đó dần hồi phục. Các phương án hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi sau khủng hoảng, hướng đến phát triển bền vững đã được đưa ra.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chứng minh vị thế điểm đến mua sắm thời trang lý tưởng của người dân trong khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Thái Lan.

Dù trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, Quý Cao chưa từng nghĩ đến việc đóng cửa. Theo anh, một số phương pháp để tồn tại trên thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay bao gồm hoàn thiện quy trình vận hành, bộ máy bán hàng, quy trình sản xuất, phát triển đội ngũ, đảm bảo chất lượng sản phẩm và thiết kế phù hợp thị trường.

Bên cạnh việc mở rộng tệp khách hàng và gia tăng độ phủ thương hiệu, chăm sóc người tiêu dùng cũ để đảm nguồn thu ổn định cũng là ưu tiên hàng đầu.

“Tiềm lực tài chính và đội ngũ kinh doanh giỏi là một phần quan trọng đối với sự phát triển của một local brand. Thương hiệu thời trang về bản chất là đơn vị kinh doanh”, Quý Cao kết luận.

Tái thương mại trong ngành thời trang

Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.

Theo ZingNews

Continue Reading

Trending

Copyright © 2024 Ver2solution.com .