Nhiều người trẻ bước vào giai đoạn thắt chặt chi tiêu chưa từng có. Lương không tăng, chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ, trong khi nguy cơ mất việc luôn rình rập. Không còn cách nào khác, họ buộc phải tính toán từng đồng, cắt giảm những khoản chi không cần thiết.
Cắt giảm tối đa chi tiêu
Nếu trước đây, ghé quán cà phê mỗi sáng hay ăn trưa ở hàng quán là chuyện hiển nhiên, thì giờ đây, người trẻ thắt chặt chi tiêu. Nguyễn Hoàng Giang (29 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM), từng duy trì thói quen cố định mỗi ngày: trưa cùng đồng nghiệp ăn cơm tiệm, mỗi bữa ít nhất 50.000 đồng, rồi tan làm lại kéo nhau ra quán cà phê, mỗi ly từ 40.000 – 50.000 đồng. Chưa kể tiền ăn sáng, phí chơi thể thao hay những khoản chi tiêu không tên khác. Nhưng khi nhìn lại tài chính cá nhân, Giang giật mình nhận ra chỉ riêng khoản này đã tốn vài triệu đồng/tháng.
Người trẻ bắt đầu thắt chặt chi tiêu, mua hàng có chọn lọc, từ bỏ lối sống xa xỉ
Theo Giang, việc cắt giảm chi tiêu không chỉ là lựa chọn mà là điều bắt buộc. “Công ty mình bất ngờ tuyên bố phá sản ngay sau tết, chỉ đền bù 2 tháng lương rồi cho nhân viên nghỉ việc. Mọi kế hoạch trước đó đều phải thay đổi, ưu tiên lớn nhất lúc này là cắt giảm tối đa chi tiêu để duy trì cuộc sống cho đến khi tìm được công việc mới”, Giang chia sẻ.
Anh bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ nhưng hiệu quả: tự pha cà phê, đựng trong bình giữ nhiệt, mỗi sáng chỉ mất vài phút nhưng tiết kiệm đáng kể. Bữa trưa cũng tự nấu từ tối hôm trước, sáng chỉ cần hâm nóng. “Ban đầu hơi bất tiện, nhưng sau một tháng, mình tiết kiệm được gần 2 triệu đồng. Quan trọng hơn, ăn uống cũng lành mạnh hơn, không còn lo thực phẩm ngoài hàng có đảm bảo vệ sinh hay không”, Giang nói.
“Công ty phá sản là điều không ai mong muốn, nhưng cũng là dịp để mình nhìn lại bản thân, học hỏi thêm và tìm một môi trường phù hợp hơn. Trước đây, mình chỉ nghĩ đơn giản là đi làm, nhận lương hằng tháng mà không đầu tư nhiều vào bản thân. Nhưng khi rơi vào hoàn cảnh này, mới thấy việc trau dồi kỹ năng, mở rộng mối quan hệ quan trọng thế nào”, Giang chia sẻ.
Còn Đặng Thanh Phong (30 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết anh quyết định dọn về ở ghép với một người bạn để giảm chi phí thuê nhà, sau khi công ty bắt đầu cắt giảm nhân sự. Sau tết, mỗi thứ đều tăng giá thêm một chút khiến Phong cảm thấy lo lắng. Áp lực tài chính và nỗi lo mất việc khiến anh nhiều đêm mất ngủ, buộc anh nhanh chóng điều chỉnh lối sống để thích nghi.
“Trước đây, mình đi làm bằng xe máy, tốn không ít tiền xăng và gửi xe. Tuy nhiên trong tình hình này, mình phải cân nhắc lại mọi chi tiêu. Giờ mình chuyển sang mua vé metro tháng chỉ với 300.000 đồng, di chuyển thoải mái mà không lo phát sinh thêm chi phí. Ban đầu hơi bất tiện vì phải điều chỉnh lịch trình, nhưng mỗi tháng tiết kiệm được gần 1 triệu đồng. Nghĩ đến khoản tiền để dành được trong lúc kinh tế bấp bênh, mình thấy hoàn toàn xứng đáng”, Phong chia sẻ.
Tiết kiệm là cần thiết nhưng…
Việc cắt giảm chi tiêu là điều tất yếu, nhưng không phải ai cũng biết cách tiết kiệm hợp lý. Một số người trẻ vì muốn giữ túi tiền mà vô tình cắt giảm cả những thứ thiết yếu, đặc biệt là dinh dưỡng. Họ chấp nhận những bữa ăn đạm bạc, lặp đi lặp lại, chỉ để giảm bớt áp lực tài chính. Có người còn bỏ cả ăn sáng…
Nhiều người chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng để tiết kiệm chi phí di chuyển
Theo ThS-BS CK2 Châu Tố Uyên, Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM, nhiều bạn trẻ hiện nay đang tiết kiệm một cách cực đoan, cắt giảm cả những bữa ăn quan trọng như bữa sáng, hoặc chỉ ăn bánh mì, thức ăn nhanh… để giảm chi phí. Lâu dài, điều này có thể gây thiếu hụt vi chất, làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến sức đề kháng và hiệu suất làm việc.
“Tiết kiệm là tốt, nhưng sức khỏe vẫn phải đặt lên hàng đầu. Các bạn cần ăn đủ theo tháp dinh dưỡng, đặc biệt là không được bỏ bữa sáng. Đây là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, cung cấp năng lượng để duy trì sự tỉnh táo, tăng hiệu suất làm việc”, bác sĩ Uyên nhấn mạnh. Bác sĩ cũng cho rằng chế độ ăn uống khoa học không chỉ giúp tiết kiệm chi phí y tế về sau mà còn duy trì sức khỏe ổn định, đảm bảo năng lượng để làm việc và phát triển bản thân mỗi ngày.
Bên cạnh việc tiết kiệm, ông Nguyễn Hoàng Dũng, chuyên gia kinh tế, nguyên Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho rằng người trẻ cần biết cách quản lý tài chính hiệu quả để tránh rơi vào tình trạng “thắt lưng buộc bụng” quá mức. Có nhiều phương pháp đơn giản nhưng giúp kiểm soát tiền bạc tốt hơn.
Theo ông Dũng, một trong những cách phổ biến là quy tắc 50/30/20. Nghĩa là mỗi tháng, bạn chia thu nhập của mình thành ba phần: 50% dành cho các nhu cầu thiết yếu như tiền nhà, ăn uống, điện nước; 30% cho những chi tiêu cá nhân như mua sắm, giải trí, du lịch; 20% còn lại để tiết kiệm, đầu tư hoặc trả nợ. Cách này giúp bạn vừa đảm bảo các khoản chi tiêu quan trọng, vừa có quỹ dự phòng mà vẫn duy trì một cuộc sống cân bằng.
Ngoài ra, ông Dũng cũng chia sẻ nhiều người áp dụng phương pháp phong bì. Mỗi khi nhận lương, họ chia tiền mặt thành các phong bì riêng cho từng khoản chi, chẳng hạn một phong bì cho tiền ăn, một phong bì cho tiền đi lại, một phong bì cho tiết kiệm. Khi một phong bì cạn tiền, nghĩa là khoản chi đó đã đến giới hạn, giúp bạn kiểm soát ngân sách tốt hơn, tránh tiêu xài quá tay.
Ông Dũng khuyên bạn có thể sử dụng các ứng dụng quản lý tài chính để theo dõi thu chi. Các ứng dụng này giúp ghi lại từng khoản chi nhỏ nhất, từ ly cà phê buổi sáng đến hóa đơn điện nước, từ đó bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về dòng tiền của mình, biết mình đã tiêu vào đâu và có điều chỉnh hợp lý hơn.
Quan trọng nhất là thiết lập mục tiêu tài chính rõ ràng. Ông Dũng nói bạn hãy xác định muốn gì trong 1 năm, 5 năm tới, ví dụ như mua một chiếc xe, tích lũy để mua nhà hay đầu tư để có thu nhập thụ động. Khi có mục tiêu cụ thể, bạn sẽ có động lực để tiết kiệm hơn, thay vì chỉ cắt giảm chi tiêu mà không biết mình đang hướng đến điều gì. “Việc thắt chặt chi tiêu là cần thiết, nhưng nếu chỉ tập trung vào tiết kiệm mà không có chiến lược tài chính dài hạn, bạn sẽ khó có được sự ổn định lâu dài. Quan trọng là biết cách cân bằng, vừa tiết kiệm hợp lý, vừa đảm bảo tài chính vững vàng cho tương lai”, ông Dũng nhấn mạnh.
Hãng tin CNBC cho hay nhờ áp dụng tích cực AI mà Tencent nâng tỷ lệ nhấp chuột lên gần 3%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nhấp chuột 0,1% đối với quảng cáo biểu ngữ theo truyền thống và khoảng 1% đối với quảng cáo nguồn cấp dữ liệu.
Hãng tin CNBC cho hay báo cáo doanh thu của Alibaba, Tencent và JD.com không chỉ phản ánh việc chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc đang cải thiện mà còn phản ánh những lợi ích ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong quảng cáo.
Doanh số bán hàng của Taobao và Tmall thuộc Alibaba đã tăng 9% trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước lên 101,37 tỷ Nhân dân tệ (13,97 tỷ USD), vượt mức dự báo 97,94 tỷ USD và tỷ lệ tăng trưởng 3% của FactSet.
“Doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) và quảng cáo tăng trưởng là những bất ngờ tích cực trong bối cảnh nhiều người lo ngại thuế quan sẽ ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng”, chiến lược gia Kai Wang tại Morningstar cho biết.
Tương tự, một hãng TMĐT lớn khác là JD.com cũng cho biết doanh thu mảng bán lẻ quý I/2025 đạt 263,85 tỷ Nhân dân tệ, tăng 16,3 % so với năm trước, cao hơn mức dự báo 226,84 tỷ Nhân dân tệ trước đó của FactSet.
Trong khi đó, Tencent ghi nhận doanh thu mảng “công nghệ tài chính (Fintech) & dịch vụ doanh nghiệp” quý I/2025 tăng 5 % lên 54,9 tỷ Nhân dân tệ.
Đặc biệt, báo cáo phân tích của Nomura cho thấy quảng cáo của Tencent nhờ áp dụng tích cực AI nên đã vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ cùng ngành bất kể môi trường vĩ mô đang đầy thách thức.
Doanh thu dịch vụ tiếp thị của Tencent tăng vọt 20% lên 31,9 tỷ Nhân dân tệ, nhờ “nhu cầu mạnh mẽ của nhà quảng cáo” đối với các video ngắn và nội dung khác bên trong ứng dụng mạng xã hội WeChat của công ty.
Theo Tencent, thành công này là nhờ tập đoàn đã “nâng cấp AI” đối với nền tảng quảng cáo của mình.
Trên thực tế, những báo cáo tích cực của Tencent, Alibaba hay JD.com đều cho thấy sự góp mặt của AI trong mảng quảng cáo, qua đó cho thấy những biến động lớn sẽ diễn ra trong ngành này.
AI làm marketing
Hãng tin CNBC cho hay nhờ áp dụng tích cực AI mà Tencent nâng tỷ lệ nhấp chuột (click-through rate), vốn là thước đo thành công của quảng cáo trực tuyến, lên gần 3%.
Chính Tencent cũng phải thừa nhận con số này tăng mạnh so với tỷ lệ nhấp chuột 0,1% đối với quảng cáo biểu ngữ theo truyền thống và khoảng 1% đối với quảng cáo nguồn cấp dữ liệu.
Tổng số người dùng trung bình hàng tháng của WeChat (Tencent), được gọi là Weixin tại Trung Quốc, đã vượt mốc 1,4 tỷ lần đầu tiên trong quý I/2025. Ứng dụng này cung cấp một trong hai hệ thống thanh toán di động lớn được sử dụng tại Trung Quốc.
Nhiều quán cà phê và nhà bán lẻ trực tuyến cũng sử dụng các ứng dụng nhỏ trong WeChat để khách hàng đặt hàng. Tencent cho biết hoạt động TMĐT của họ đã phát triển đến mức giờ đây nó đã trở thành một đơn vị mới hoàn toàn trong WeChat.
“Quảng cáo AI cải thiện hiệu quả và thuật toán, điều này sẽ chuyển thành mục tiêu tốt hơn đối với người tiêu dùng ngay cả khi các điều kiện vĩ mô không tối ưu. Dù vẫn còn hơi sớm để định lượng mức lợi ích gia tăng mà quảng cáo AI mang lại so với quảng cáo truyền thống nhưng chúng tôi đã thấy một số khoản tiền kiếm được từ quảng cáo do AI thúc đẩy”, chiến lược gia Wang của Morningstar cho biết.
Đồng quan điểm, phía JD cho biết doanh thu tiếp thị của họ đã tăng 15,7% lên 22,32 tỷ Nhân dân tệ trong quý I/2025 một phần cũng nhờ các công cụ AI.
Công ty này cho biết nhóm nghiên cứu và phát triển quảng cáo của họ đang sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn để cải thiện tỷ lệ chuyển đổi quảng cáo và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu quảng cáo.
Thành công này khiến tập đoàn đang tích cực triển khai các công cụ AI mới, cho phép người bán “thực hiện các chiến dịch quảng cáo phức tạp” chỉ bằng một lệnh đơn giản.
Trên thực tế, đây không phải vấn đề mới khi ngày càng nhiều hãng công nghệ áp dụng AI để gia tăng hiệu quả marketing.
Mới đây, Youtube cũng đã thông báo rằng các nhà quảng cáo có thể sử dụng mô hình AI Gemini của Google để nhắm mục tiêu quảng cáo đến người xem khi họ tương tác nhiều nhất với video.
Quay trở lại với ông lớn Alibaba, tập đoàn này cũng cho biết doanh thu tiếp thị quý I/2025 đã tăng 12% so với cùng kỳ năm trước lên gần 10 tỷ USD một phần nhờ vào việc sử dụng nhiều hơn công cụ AI của công ty để thúc đẩy hiệu quả tiếp thị cho người bán.
Nhờ phát trực tiếp cảnh nhổ lông phao câu gà, quán ăn ở Tứ Xuyên bất ngờ thành hiện tượng mạng, kéo theo doanh số bán hàng tăng vọt.
Wang Yuxian, một phụ nữ ngoài 30 tuổi sống tại thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, đang điều hành một quán ăn nhỏ cùng bạn mình Yang Yanli. Cửa hàng của họ chuyên phục vụ các món đặc sản địa phương như thịt gà, thịt thỏ và lưỡi vịt.
Từ đầu năm 2025, hoạt động kinh doanh của Wang bắt đầu giảm sút, kéo theo doanh thu sụt giảm. Trong lúc tìm cách thu hút khách hàng mới, Wang đã chia sẻ một video vào tháng 3, ghi lại cảnh cô nhổ lông phao câu của một con gà. Đoạn clip nhanh chóng thu hút hơn 5 triệu lượt xem và truyền cảm hứng để cô bắt đầu phát trực tiếp, theo SCMP.
Trong các buổi phát sóng, Wang sử dụng thiết bị khuếch đại âm thanh để làm nổi bật tiếng nhíp nhổ lông gà – một yếu tố tạo nên trải nghiệm ASMR độc đáo. Hiệu ứng này thu hút lượng lớn người theo dõi, với hơn 12.000 người xem đồng thời và thời gian theo dõi trung bình lên tới 38 phút, đặc biệt và
Một số người xem cho biết việc theo dõi quá trình nhổ lông gà giúp họ giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Không ít người sau khi xem đã đặt món ăn từ cửa hàng của Wang và bày tỏ sự hài lòng về hương vị. Theo chia sẻ, một phần thịt gà 250 g được bán với giá 26 nhân dân tệ (khoảng 4 USD), với 6 hương vị khác nhau như cay, tỏi và hạt tiêu Tứ Xuyên.
Kể từ khi bắt đầu phát trực tiếp, doanh số bán hàng hàng tháng của Wang vượt mốc 200.000 nhân dân tệ (khoảng 28.000 USD). Một số người xem vẫn đặt câu hỏi về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt với phao câu gà – nơi có nhiều mỡ và tuyến tiết. Đáp lại, Wang khẳng định toàn bộ nguyên liệu đều được làm sạch kỹ lưỡng trước khi chế biến.
Wang chia sẻ đã dùng hết 5 chiếc nhíp trong 2 tháng khi thực hiện nhiệm vụ lặp đi lặp lại này. Ảnh: QQ.com.
Theo cô, phần đuôi gà thường được tẩm ướp rồi chiên ngập dầu hoặc nướng cùng ớt, thìa là và vừng. Đây là món ăn phổ biến tại miền Nam Trung Quốc, thường dùng kèm với rượu và được coi là món ăn vặt bổ dưỡng.
Tuy nhiên, việc sản xuất số lượng lớn cũng mang lại nhiều vất vả. Hiện nay, mỗi ngày Wang và Yang phải nhổ lông hơn 15 kg gà, với sự giúp đỡ của người thân. Trong 2 tháng qua, họ đã thay tới 5 chiếc nhíp và thường xuyên bị đau tay, khuỷu tay do công việc lặp đi lặp lại.
Các buổi phát sóng của Wang tiếp tục thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc, trong đó nhiều cư dân mạng bày tỏ sự tò mò và bất ngờ trước hiệu ứng thư giãn mà hoạt động tưởng chừng khô khan này mang lại.
Mọi người không còn kết bạn với nhau nhiều trên Facebook. iPhone không còn quá cần thiết sau một thập kỷ. Google tìm kiếm đang sụt giảm.
Đây là những sự thật được tiết lộ từ hai phiên xử chống độc quyền chống lại Meta và Google. Nó cũng là lời thừa nhận hiếm hoi từ các lãnh đạo công nghệ rằng các sản phẩm tiên tiến một thời của họ ngày nào đó sẽ mất đi ý nghĩa.
Silicon Valley luôn tự hào về đổi mới sáng tạo, không ngừng tìm kiếm “điều vĩ đại tiếp theo”. Cuộc đua để không bị bỏ lại là cuộc đua không ngừng nghỉ. Dù vậy, thời thế thay đổi, ngay cả những “ông lớn” công nghệ cũng đối mặt với áp lực từ trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng xã hội mới.
Facebook, iPhone, Google đều có thể bị xóa sổ trong thời gian tới. Ảnh: TechCrunch
Facebook, Google, Apple đã giúp định hình thế giới web hiện đại trong hai thập kỷ qua.
Công cụ tìm kiếm của Google giành chức vô địch cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000 nhờ hệ thống xếp hạng kết quả tìm kiếm theo sự liên quan và tầm quan trọng thay vì chủ đề. Facebook góp công lớn trong việc biến mạng xã hội thành bảng tin tương tác gây nghiện.
Và không thể không kể đến công cụ giúp Google, Facebook phổ biến: smartphone. Apple không đi đầu nhưng chính là hãng đưa khái niệm này đến với nhiều người dùng hơn thông qua iPhone ra mắt năm 2007.
Thành công của những sản phẩm nói trên biến Apple, Google, Meta thành những công ty siêu giá trị. Song tại phòng xử án, lãnh đạo các hãng ám chỉ người tiêu dùng đang dần mất hứng thú với những gì họ mang lại.
Eddy Cue, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách dịch vụ Apple, tiết lộ lượng tìm kiếm Google trên thiết bị đã giảm lần đầu tiên trong tháng 4. Nó là dấu hiệu khác cho thấy người dùng có thể đang dựa vào chatbot AI thay vì công cụ tìm kiếm truyền thống. Hãng nghiên cứu Gartner năm 2024 ước tính lượt sử dụng công cụ tìm kiếm sụt giảm 25% vào năm 2026 do các công cụ AI.
Meta cũng ghi nhận tình trạng người dùng quay lưng với mục đích sử dụng ban đầu của Facebook: kết bạn và chia sẻ nội dung. CEO Mark Zuckerberg cho biết số lượng bạn bè mới mà mọi người kết bạn đang sụt giảm dù không có con số chính xác. Tuy nhiên, một điều an ủi với doanh nhân là lượng tin nhắn trực tiếp lại tăng mạnh.
Trước đó, Trung tâm nghiên cứu Pew báo cáo lượt dùng Facebook giảm dần trong 10 năm qua. Chỉ 32% teen Mỹ nói đang sử dụng Facebook, giảm so với 71% năm 2014 và 2015, dù chúng vẫn dùng Instagram thường xuyên.
Ngay cả iPhone cũng có nguy cơ không còn được yêu thích trong 10 năm tới. Ông Cue thừa nhận “bạn có thể không cần đến iPhone trong 10 năm tới, kể từ bây giờ, dù nó nghe thật điên rồ”.
Với 19% thị phần smartphone xuất xưởng Quý 1/2025, theo IDC, iPhone là thương hiệu smartphone phổ biến thứ hai thế giới. Song cũng như các hãng khác, công ty đang phải xác định hướng đi tiếp theo. Câu trả lời có thể là kính thông minh, dùng AI để phân tích thế giới thực và thực hiện những nhiệm vụ mà không cần đến điện thoại. Đây là tầm nhìn mà Meta, Samsung, Google đang đặt cược.
Apple cũng tin bước tiếp theo trong điện toán sẽ liên quan đến thiết bị đeo trên mặt. Công ty đã giới thiệu kính Vision Pro 3.500 USD.
Cùng lúc này, người tiêu dùng không nâng cấp điện thoại thường xuyên như trước vì không có đổi mới đáng kể qua từng năm.
Hiện tại, khách hàng vẫn lướt Instagram và tìm kiếm Google trên iPhone. Thay đổi là một điều tốt vì nó thể hiện doanh nghiệp vẫn còn không gian phát triển, đồng thời tránh được ánh mắt soi xét từ nhà chức trách chống độc quyền. Dù vậy, một sự thật là các hãng công nghệ thống trị đầu những năm 2000 và 2010 có thể gặp khó khăn hơn trong việc dẫn đầu xu thế.