Pháp Luật
Mạnh tay chấn chỉnh livestream bán hàng

Từ những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội đến những chiêu trò “lùa gà” tinh vi, nhiều KOL đang đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Mạnh tay chấn chỉnh livestream bán hàng.
Phạt tiền – chưa đủ!
Chỉ với vài lời giới thiệu, một buổi livestream ngắn ngủi, không ít KOL có thể “hô biến” những sản phẩm chưa ai biết tới trở thành “hot trend”, thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng triệu lượt mua. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang và những con số ấn tượng ấy lại ẩn chứa không ít góc khuất, nơi những chiêu trò quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm đang dần bào mòn niềm tin của người tiêu dùng.
Vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã xử phạt bà Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) và ông Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) do có sai phạm trong hoạt động quảng cáo sản phẩm kẹo Kera.
Trong khi đó, ngay sau khi dư luận xôn xao về việc quảng cáo quá mức, “chiến thần livestream” Chu Thanh Huyền phải lên tiếng trên trang cá nhân với 3,8 triệu người theo dõi, trần tình về việc bị tố quảng cáo sai sự thật sản phẩm “sữa nước” hươu cao cổ từ Hàn Quốc.
Một “chiến thần livestream” có hàng triệu lượt theo dõi khác cũng vừa bị người tiêu dùng phản ánh kêu gọi trữ hàng với lý do sàn thương mại điện tử sắp tăng phí vào đầu tháng 4-2025. KOL này còn bị “tố” bán hàng với giá rẻ không tưởng, thấp hơn nhiều lần so với thị trường, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động bán lẻ hàng hóa tại các cửa hàng truyền thống…
Việc livestream bán hàng đã trở thành nghề kinh doanh “hốt bạc” của nhiều KOL
Theo ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia – Bộ Công Thương, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định người có ảnh hưởng khi tham gia cung cấp thông tin, có nhận tài trợ từ phía doanh nghiệp thì phải thông báo trước cho người tiêu dùng rằng mình được tài trợ để cung cấp thông tin, không phải xuất phát từ chia sẻ cá nhân qua quá trình sử dụng. Từ đó, người tiêu dùng có thể đánh giá khách quan hơn về sản phẩm.
Trong trường hợp không thực hiện đúng trách nhiệm, người có ảnh hưởng có thể bị phạt 20-30 triệu đồng. Việc đưa thông tin không chính xác về sản phẩm hàng hóa do bên thứ 3 cung cấp cũng có thể bị phạt 20-30 triệu đồng…
Tuy vậy, ông Bách cho rằng mức phạt tiền như trên là quá ít so với thù lao mà người nổi tiếng, người có ảnh hưởng nhận được thông qua hợp đồng tài trợ. Pháp luật cũng có chế tài khác là công khai danh tính người bị xử lý vi phạm trên không gian mạng. Việc này có thể tác động tới hoạt động nghề, uy tín của họ.
Thời gian qua, TikTok đã gỡ bỏ chức năng bán hàng của hơn 500 nhà sáng tạo nội dung. Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết nền tảng này đã yêu cầu người có ảnh hưởng khi livestream bán hàng phải tuân thủ các quy định, như phải nói đúng về sản phẩm, thông tin đưa đến cho khách hàng.
Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng
“Quan trọng hơn là trao quyền cho người tiêu dùng. Nếu nhận thấy hàng hóa không đúng với thông tin cung cấp của người bán, bao gồm cả hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa khác với mô tả, nền tảng sẽ giải quyết khiếu nại trong 72 giờ và hoàn tiền gấp 2 lần giá trị hàng hóa” – đại diện TikTok Việt Nam khẳng định.
Theo đại diện TikTok Việt Nam, hệ thống pháp luật đã cơ bản đầy đủ. Dù vậy, vẫn cần đẩy mạnh tuyên truyền để người có ảnh hưởng và người tiêu dùng nắm rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình.
“TikTok cam kết tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng; ngăn chặn người bán hàng quảng cáo sai sự thật, không chịu trách nhiệm về sản phẩm với mục đích bán được nhiều hàng hơn so với người đầu tư trí tuệ giải thích sản phẩm chi tiết để thuyết phục người mua” – ông Thanh cho biết.
Trong khi đó, ông Bùi Thanh Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mặt khác, người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, nếu phát hiện sai so với quảng cáo, tem mác thì nên phản ánh, khiếu kiện, thay vì thực tế hiện nay là hầu như bỏ qua mà không lên tiếng.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng của người tiêu dùng trong việc mua sắm trên không gian mạng. Cùng với đó, nghiên cứu các quy định pháp luật để hạn chế hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Trước thực tế trên, TS Đào Cẩm Thủy, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing, Viện Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Kinh tế – ĐHQG Hà Nội, cho rằng cần quản lý đa chiều hơn lĩnh vực này. KOL muốn bán hàng cần có giấy phép hoạt động để cung cấp thông tin, dịch vụ trên mạng xã hội, đăng ký khuyến mãi theo quy định, bảo đảm chất lượng…
TS Đào Cẩm Thủy đề xuất cơ quan quản lý cần xây dựng chế tài xử phạt mạnh tay đối với hành vi quảng cáo sai sự thật. Bên cạnh đó, cấm người có ảnh hưởng xuất hiện trên mạng xã hội nếu vi phạm; nếu nghiêm trọng có thể yêu cầu chấm dứt hành nghề, để tránh việc “tẩy trắng” sau khi vi phạm.
Phân loại KOL để quản lý
Theo Bộ Tài chính, các KOL được chia thành 3 nhóm chính: Người có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội, từ đó tạo ra ảnh hưởng trên không gian mạng (chiếm khoảng 21,8%); người không có uy tín trong xã hội nhưng tạo ra ảnh hưởng nhờ có lượng theo dõi lớn trên không gian mạng (khoảng 42%); người có ảnh hưởng gián tiếp trên không gian mạng (khoảng 36,2%).
Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy một số KOL khi livestream quảng cáo, bán hàng có doanh thu hàng chục tỉ, thậm chí cả trăm tỉ đồng. Đây là một trong những lý do Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của cá nhân, hộ kinh doanh.
Theo nld.com.vn
Pháp Luật
Yêu cầu của Tổng Bí thư và quyền tự do kinh doanh của Nhân dân

Khi số lượng quy định về điều kiện kinh doanh quá nhiều mà chất lượng lại thấp chính là biểu hiện rõ nét của tư duy “không quản được thì cấm”, tạo ra hệ thống pháp luật thiên về kiểm soát hơn là kiến tạo, tạo cơ hội và không gian phát triển. Yêu cầu của Tổng Bí thư và quyền tự do kinh doanh của Nhân dân.
Có thể xóa tan thành tựu của Nghị định 15/2018/NĐ-CP
Trong cuộc tọa đàm gần đây về sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, một vị đại diện doanh nghiệp FDI đã bày tỏ sự bất lực rằng: “Như vậy, quy định trong dự thảo có thể xóa tan thành tựu của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, thậm chí gây tốn kém hơn nữa”.
Để chứng minh, ông phân tích, dự thảo quy định tổng cộng 31 nội dung doanh nghiệp phải tự công bố, cao hơn nhiều so với 5 nội dung, theo Nghị định 15 hiện hành.
Bên cạnh đó, vẫn theo Nghị định 15, doanh nghiệp được sản xuất, kinh doanh ngay sau khi nộp hồ sơ. Trong khi đó, theo dự thảo sửa đổi, sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ, trong 7 ngày cơ quan quản lý sẽ đăng tải lên website, và trong vòng 3 tháng sau khi đăng tải sẽ soát xét hồ sơ. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp chỉ được sản xuất sau 3 tháng 7 ngày.
Xin kể lại vắn tắt tinh thần cải cách của Nghị định 15. Trước đây, Nghị định 38/2012/NĐ-CP về an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế yêu cầu doanh nghiệp phải xin cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hoặc Giấy xác nhận công bố thì mới được tiến hành sản xuất, kinh doanh.

CIEM ước tính mỗi năm có từ 35.000 đến 45.000 lượt doanh nghiệp phải làm thủ tục này. Trung bình, doanh nghiệp sẽ mất khoảng 4 tháng với chi phí 10 triệu đồng đối với thực phẩm thường và 30 triệu đồng đối với thực phẩm chức năng để hoàn tất thủ tục chứng nhận và công bố sự phù hợp.
Yêu cầu này, cùng rất nhiều yêu cầu khác, đã gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp trong một thời gian dài.
Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, Nghị định 15/2018/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định 38, với phương pháp quản lý an toàn thực phẩm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan Nhà nước, nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố. Sự thay đổi này giúp giảm đến 90% chi phí hành chính, tiết kiệm 10 triệu ngày công và 3.700 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp, theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Kể lại câu chuyện này để thấy quá trình cải cách thể chế trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm quả là gian nan. Lẽ ra, doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu, phát triển, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, hơn là suốt ngày phải lo về thủ tục hành chính như thế này.
Điều kiện kinh doanh núp bóng tiêu chuẩn, quy chuẩn
Điều kiện kinh doanh đã nở rộ như nấm sau mưa, như chúng tôi đã phân tích trong bài “Bảo vệ quyền tự do kinh doanh”. Trên thực tế, các điều kiện kinh doanh còn “núp bóng” hoặc “ẩn” trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Một số quy chuẩn kỹ thuật yêu cầu doanh nghiệp phải có cơ sở vật chất nhất định, đáp ứng diện tích tối thiểu của các cơ sở sản xuất, hay yêu cầu chứng chỉ hành nghề của nhân sự ở một số bộ phận… khi sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ.
Những quy chuẩn “núp bóng” đó, về bản chất, chính là các điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn, từng có đề xuất quy định điều kiện về diện tích, cơ sở vật chất… đối với siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại. Không rõ những quy định như trên có mục tiêu quản lý nhà nước ra sao, nhưng rõ ràng chúng ảnh hưởng đến lợi ích của các bên liên quan, trước hết là những người đầu tư kinh doanh thương mại.
VCCI tính toán, mỗi năm có khoảng 20 luật, gần 150 nghị định và khoảng 600 thông tư được ban hành. Bên cạnh đó là hàng nghìn công văn điều hành, trong đó không ít công văn có chứa đựng quy phạm pháp luật.
Văn bản hướng dẫn thi hành các luật quá nhiều về số lượng, chồng chéo, trùng lặp, hay thay đổi về nội dung, gây nguy cơ tùy ý và khó dự đoán trong thực thi, tạo rủi ro cho doanh nghiệp và người dân.
Câu hỏi đặt ra là liệu có xuất hiện tình trạng khôi phục lại các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, hoặc ban hành mới các quy định bất hợp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật như trường hợp dự thảo Nghị định 15 nói trên – trong “rừng” văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, gây cản trở cho doanh nghiệp?.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong bài viết “PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN – ĐÒN BẨY CHO MỘT VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG” rằng: Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia… Kinh tế tư nhân cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, để đạt mục tiêu đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030…
Ông khẳng định, điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách,… Vì thế, Nhà nước phải có phương thức quản lý phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân. Cần xóa bỏ mọi rào cản, minh bạch hóa chính sách, loại bỏ lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực, không phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong mọi chính sách.
Đồng thời, cần nhất quán quan điểm “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, xây dựng chính sách làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và doanh nhân. Quan trọng hơn, phải tạo dựng niềm tin mạnh mẽ giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, qua đó khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và tham gia vào các lĩnh vực kinh tế có tính chiến lược.
Doanh nghiệp, người dân trong nước gặp quá nhiều rào cản kinh doanh như vậy thì làm sao phát triển, lớn lên để trở thành động lực quan trọng nhất?.
Cũng xin trích dẫn những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm đang tạo nên sự thay đổi lớn để đất nước bước vào kỷ nguyên mới:
Thứ nhất, thể chế hiện nay là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” đối với phát triển; đột phá thể chế là “đột phá của đột phá”.
Thứ hai, phải từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” trong xây dựng pháp luật; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”… và chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo không gian mới và động lực phát triển.
Thứ ba, luật pháp không chỉ để quản lý mà còn phải khuyến khích đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy phát triển, tạo cơ hội và mở rộng không gian phát triển.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống pháp luật… nhanh chóng khắc phục những chồng chéo, bất cập trong hệ thống hiện hành, tạo nền tảng pháp lý ổn định, dễ tuân thủ. Tinh thần là: một vấn đề, một nội dung chỉ quy định tại một luật; doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Thứ năm, phân cấp mạnh, toàn diện cho địa phương theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế “xin – cho” và tư duy bao cấp.
Không thể hạn chế quyền tự do kinh doanh của dân
Cần nhận thức rõ rằng các điều kiện kinh doanh, về bản chất, là rào cản hạn chế gia nhập thị trường. Càng có nhiều quy định về điều kiện kinh doanh thì càng lớn cản trở đối với cạnh tranh lành mạnh, đổi mới sáng tạo và phát triển, đặc biệt đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Khi số lượng quy định về điều kiện kinh doanh quá nhiều mà chất lượng lại thấp chính là biểu hiện rõ nét của tư duy “không quản được thì cấm”, tạo ra hệ thống pháp luật thiên về kiểm soát hơn là kiến tạo, tạo cơ hội và không gian phát triển.
Vì vậy, cần phải triệt để tháo bỏ những “điểm nghẽn” do các quy định về điều kiện kinh doanh các ngành nghề gây ra trong những Luật chuyên ngành để đảm bảo quyền tự do kinh doanh đã được hiến định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp 2013).
Rà soát tất cả các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng trong Luật Đầu tư và pháp luật chuyên ngành. Chỉ giữ lại các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi điều chỉnh theo khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 và quản lý theo hình thức cấp giấy phép, giấy chứng nhận.
Thực hiện chương trình “cách mạng” về tinh giản quy định pháp luật, minh bạch hóa, số hóa và tự động hóa các quy trình, thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác. Chương trình này cần được triển khai trên nền tảng ứng dụng rộng rãi công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có môi trường kinh doanh thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, với thể chế trở thành năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực.
Theo Vietnamnet.vn
Pháp Luật
Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho hàng từ 1 triệu trở xuống qua thương mại điện tử

Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho hàng từ 1 triệu trở xuống. Như vậy so với quy định hiện nay, mức trị giá hàng được miễn thuế giảm một nửa, từ 2 triệu xuống còn 1 triệu.
Dự thảo nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho hàng từ 1 triệu trở xuống, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử đang được lấy ý kiến góp ý, Bộ Tài chính đã có đề xuất như trên.
Theo Bộ Tài chính, một vài năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ, như công bố mới nhất của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử của Việt Nam mỗi năm từ 15-20%.
Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỉ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023.
Việt Nam hiện đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, chỉ sau Indonesia (65 tỉ USD) và Thái Lan (26 tỉ USD).
Tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh cả về quy mô và hình thức. Tuy nhiên, thách thức đối với Việt Nam hiện nay là có thể bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh xuyên biên giới để trốn thuế, gây thất thoát thu ngân sách.
Mặt khác, doanh nghiệp kinh doanh không cần có trụ sở, thực hiện giao dịch bằng phương thức điện tử.
Máy chủ có thể đặt ở nước ngoài nên gây khó khăn trong xác định danh tính người nộp thuế và căn cứ tính thuế. Thêm nữa, cơ quan chức năng khó khăn trong kiểm soát dòng tiền do người mua hàng sử dụng phương thức thanh toán là tiền mặt và tiền điện tử.
Đề xuất giảm một nửa mức trị giá hàng được miễn thuế nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử
Để đảm bảo không thất thu ngân sách, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như theo thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu.
Như vậy mức giá miễn thuế nhập khẩu được đề xuất giảm một nửa so với hiện nay, từ 2 triệu đồng giảm xuống còn 1 triệu đồng/đơn hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử.
Đồng thời mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng chính sách miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu này không quá 48 triệu đồng Việt Nam/năm.
Trước đó, Thủ tướng ban hành quyết định bãi bỏ miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu qua thương mại có trị giá 1 triệu đồng.
Theo đó từ ngày 18-2, hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Về kinh nghiệm quản lý hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử, trong tờ trình dự thảo nghị định nói trên, Bộ Tài chính cho biết Thái Lan thu 7% thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có giá dưới 1.500 baht (tương đương 1.100.000 đồng).
Hàn Quốc đang xem xét sửa đổi Đạo luật Thương mại điện tử để bắt buộc các nhà khai thác nền tảng trực tuyến lớn của nước ngoài phải thành lập văn phòng địa phương tại Hàn Quốc.
Còn tại Trung Quốc, người bán phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng để bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời Trung Quốc quy định chặt chẽ việc cho phép một số hàng hóa được phép nhập khẩu vào thị trường nước này qua thương mại điện tử như phải thuộc danh sách hàng hóa được nhập khẩu bán lẻ tại Trung Quốc thông qua thương mại điện tử; chỉ cho phép bán hàng hóa tới người tiêu dùng cuối cùng chứ không được mua đi bán lại.
Theo Tuoitre.vn
-
Social8 tháng ago
Cách kháng nghị tài khoản facebook bị hạn chế quảng cáo 2023
-
Social8 tháng ago
13 nội dung bị cấm trên Facebook
-
Social7 tháng ago
Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội học
-
Livestream7 tháng ago
Nghề livestream – Kỳ 5: Nghề hái ra tiền thời bùng nổ thương mại điện tử
-
Thị Trường8 tháng ago
30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa trong nửa đầu năm
-
Social9 tháng ago
Tìm hiểu về Baby Boomers, Gen X, Gen Y, Gen Z và Gen Alpha
-
Social6 tháng ago
Người dùng Facebook sắp thấy thêm nhiều nội dung từ người lạ
-
Livestream8 tháng ago
Rà soát kê khai, nộp thuế sau những phiên livestream bán hàng triệu USD