Connect with us

Pháp Luật

Rà soát thông tin, ‘siết’ quản lý thuế bán hàng online, xử lý người trốn thuế

Published

on

Cơ quan thuế đang thu thập thông tin về người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử. Trường hợp không nhận được sự hợp tác, ngành thuế sẽ xử lý các hành vi trốn thuế.

Theo Cục Thuế (Bộ Tài chính), cơ quan thuế đã và đang rà soát, thu thập thông tin, dữ liệu về người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phục vụ công tác quản lý thuế.

Cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ việc trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến kinh doanh thương mại điện tử, trên nền tảng số.

Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chấp hành nghiêm túc pháp luật thuế, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, khai báo thiếu doanh thu, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế từ hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số.

Điều này gây thất thu ngân sách nhà nước, vi phạm pháp luật và cạnh tranh không công bằng.

Trong thư ngỏ ngày 12.5, cơ quan thuế khuyến nghị, chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp; người đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số chủ động tiếp cận, tìm hiểu về quy định pháp luật thuế và chấp hành việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo quy định.

Cá nhân đã và đang kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nhưng chưa thực hiện đăng ký thuế cần khẩn trương đăng ký, kê khai, nộp thuế đầy đủ, đúng hạn, kịp thời với cơ quan thuế.

Trường hợp không nhận được sự hợp tác từ người nộp thuế, ngành thuế sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định.

Đối với các trường hợp cố tình không chấp hành, cơ quan thuế sẽ củng cố hồ sơ chuyển sang cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý về hành vi trốn thuế theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 11.4, ngành thuế cũng có thư ngỏ tương tự dành cho cá nhân là chủ doanh nghiệp, người đại diện của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, đại diện hộ kinh doanh ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế; doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đã xuất hóa đơn, sau đó bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng chưa khai thuế, khai thiếu thuế, còn nợ thuế.

Ngành thuế đề nghị các trường hợp trên khẩn trương liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để hoàn thành các nghĩa vụ kê khai, nộp thuế.

Nếu không nhận được sự hợp tác chủ động từ phía người nộp thuế, cơ quan thuế sẽ tiến hành công khai danh sách thông tin người nộp thuế; củng cố, hoàn tất hồ sơ để chuyển đề nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố, xử lý.

Theo Cục Thuế, trong quý 1/2025, đã có 148 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ước đạt 2.832 tỉ đồng.

Cùng đó, hơn 66.000 hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đã đăng ký và thực hiện các nghĩa vụ thuế trên Cổng kê khai nộp thuế thương mại điện tử, đạt gần 548 tỉ đồng.

Theo thanhnien.vn

Continue Reading
Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Pháp Luật

Các tỉnh sẽ mở đợt cao điểm đấu tranh với tội phạm làm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Published

on

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Trong vòng một tháng qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng mở đợt cao điểm đấu tranh chống sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Để triển khai thực hiện Công điện số 65/QĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hôm nay, 17/5, Bộ Y tế đã ra văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh tiếp tục triển khai các công việc sau:

VT_ CA cung cap1 .jpg
Nhiều loại thuốc giả đã được phát hiện.

Mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ ngày 15/05/2025 đến ngày 15/06/2025 theo đúng yêu cầu của Công điện số 65/CĐ-TTg đối với các sản phẩm thuốc, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế, hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế.

Tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về việc xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả, số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về việc xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả; Công văn số 2352/BYT-QLD ngày 20/04/2025 và số 2936/BYT-QLD ngày 15/5/2025 về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Phối hợp với Bộ Y tế triển khai thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 614/KH-BYT ngày 13/5/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai các công điện trên tại địa bàn tỉnh, thành phố.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; tập trung đấu tranh phòng chống các loại tội phạm có tổ chức, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc phòng chống tội phạm và tội phạm có tổ chức; siết chặt công tác quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, dấu hiệu tội phạm để có biện pháp phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm tận gốc, nhằm ngăn chặn, xử lý và kiến nghị khởi tố trong trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan phổ biến và yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phổ biến tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ, các quy chế, quy định, quy trình công tác; nâng cao trách nhiệm, đạo đức, ý thức công vụ; tuyệt đối không chịu tác động, ảnh hưởng, không lợi ích nhóm trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc thẩm định, cấp giấy phép hoạt động, công bố sản phẩm trong lĩnh vực y tế trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện các quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, bao che, dung túng theo quy định của pháp luật.

“Công chức, viên chức chịu trách nhiệm pháp lý nếu để xảy ra sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế giả trên địa bàn” – Bộ Y tế nhấn mạnh, đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các nội dung đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên.

Theo Viettimes.vn

Continue Reading

Pháp Luật

Truy quét hàng lậu, hàng giả… trên cả nước

Published

on

Ngày 15-5, các tỉnh, thành trên cả nước đã khởi động đợt cao điểm ra quân chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hàng loạt hành động, chỉ đạo cụ thể đã được triển khai ngay từ ngày đầu.

Chiều 15-5, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, đơn vị đã và đang tăng cường mở đợt truy quét, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng không rõ xuất xứ… từ 15-5 đến 15-6.

Trong đó, để kiểm soát tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lực lượng QLTT TPHCM sẽ đẩy mạnh kiểm tra đột xuất tại các khu vực nổi cộm như: chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và các kho chứa hàng hóa…

Bên cạnh đó, lực lượng QLTT cũng xây dựng các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam…

Trước đó, vào chiều 14-5, Chi cục QLTT TPHCM đã kiểm tra, phát hiện 1 điểm kinh doanh tại chợ Bình Tây (quận 6) bày bán hàng loạt hộp yến sào tinh chế loại 100g/hộp, trị giá gần 60 triệu đồng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, khi kiểm tra 1 điểm kinh doanh tại quận 8, lực lượng QLTT phát hiện hơn 100 gói bột thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc, hàng được rao bán trên website thương mại điện tử…

Tại tỉnh Lào Cai, sáng 15-5, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết tình hình những tháng đầu năm và phát động đợt cao điểm chống hàng lậu, hàng giả, thực phẩm mất an toàn vệ sinh, gian lận thương mại… kéo dài từ nay đến ngày 15-6. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thành Sinh trực tiếp chủ trì, yêu cầu toàn bộ các sở ngành dù đang sáp nhập, tinh gọn bộ máy vẫn không được bỏ trống địa bàn, không để các đối tượng buôn lậu lợi dụng kẽ hở quản lý. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, tỉnh này đã phát hiện và xử lý 294 vụ vi phạm hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại với tổng trị giá xử lý trên 5,6 tỷ đồng.

Tại tỉnh Bắc Ninh, ngay trước thời điểm chính thức ra quân, lực lượng quản lý thị trường đã bất ngờ kiểm tra một cơ sở kinh doanh ở xã Đại Lai (huyện Gia Bình), phát hiện 40.000 gói rong biển đóng sẵn không có chứng từ, hóa đơn hợp lệ. Đại diện Đội QLTT số 5 (Bắc Ninh) cho biết loại thực phẩm này nếu không có nguồn gốc rõ ràng, rất dễ gây ngộ độc, nhất là với trẻ em và người ăn chay. Bắc Ninh vốn là địa bàn trung chuyển, tập kết hàng lậu, trong năm 2024 và quý 1-2025, tỉnh đã phát hiện tới 2.560 vụ vi phạm, với tổng trị giá gần 480 tỷ đồng.

Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, thông tin được cung cấp ngày 15-5 cho biết, Đội QLTT số 5 và công an kinh tế đã phát hiện gần 800kg thịt heo đã mổ, bỏ nội tạng, có dấu hiệu hư hỏng tại một nhà hàng ở TP Vĩnh Yên. Toàn bộ số hàng được tiêu hủy ngay lập tức. Chủ cơ sở bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.

Trong khi đó, ngày 13-5 Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết đã phát hiện gần 8 tấn hàng hóa, gồm: sữa, rượu, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tinh dầu… không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, giấy phép lưu hành sản phẩm. Theo đó, nhận được tin báo của người dân, Công an xã Hồ Đắc Kiện đã kiểm tra tại hộ gia đình bà N.T.C. (thuộc xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) thì bắt quả tang 3 nam thanh niên đang có hoạt động bóc tách bao bì, nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 413 thùng hàng, 67 bao đựng sản phẩm các loại, với tổng trọng gần 8 tấn, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, giấy phép lưu hành sản phẩm. Qua làm việc, 3 đối tượng trên khai nhận được người đàn ông Đ.K.H. (ngụ Long Biên, Hà Nội) thuê để thực hiện công việc tháo gỡ, bóc tách các bao bì sản phẩm…

Ngày 15-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 65/CĐ-TTg về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thủ tướng yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15-5 đến ngày 15-6. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung nhận diện các tổ chức, cá nhân nghi vấn có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi liên quan, triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng nhằm kịp thời răn đe, cảnh tỉnh.

Theo Cục Hải quan và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ riêng trong tháng 4-2025, cả nước đã phát hiện 1.330 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, trị giá hàng hóa vi phạm gần 1.867 tỷ đồng. Trong 2 năm thực hiện Kế hoạch 92 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, toàn quốc đã phát hiện và xử lý gần 295.000 vụ vi phạm, trong đó có hơn 24.000 vụ hàng lậu, hàng cấm, 10.000 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó có tới 5.280 vụ đã bị khởi tố hình sự.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch năm 2025, nắm chắc địa bàn, xác định nhóm hàng trọng điểm, chủ động phòng ngừa, truy quét tận gốc các đường dây lớn. Trách nhiệm người đứng đầu sẽ bị truy cứu nếu để xảy ra các vụ nổi cộm.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng

Continue Reading

Pháp Luật

Hà Nội: Bắt hàng loạt vụ hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, thực phẩm bẩn

Published

on

Trong những ngày vừa qua, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã liên tiếp bắt giữ nhiều vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn, trong đó có cả thảo dược giả.

Một sản phẩm kém chất lượng vừa bị thu giữ. (Nguồn: Vietnam+)
Một sản phẩm kém chất lượng vừa bị thu giữ. (Nguồn: Vietnam+)

Trong những ngày vừa qua, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã liên tiếp bắt giữ nhiều vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn, trong đó có cả thảo dược giả.

Ngày 13/5/2025, Phòng PC03 (Đội 6) phối hợp Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội (Đội Quản lý thị trường số 17) tiến hành kiểm tra điểm tập kết hàng hoá tại địa chỉ: Ngõ 197 Thuý Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội do Đỗ Kim Anh (sinh năm: 1994; trú tại tổ 4 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) làm chủ.

Qua kiểm tra phát hiện, tạm giữ 800kg thực phẩm đông lạnh (tràng, trứng gà non) không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 48.960.000 đồng. Phòng PC03 (Đội 6) đang tiếp tục phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội (Đội Quản lý thị trường số 17) hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với Đỗ Kim Anh về hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định pháp luật với tổng số tiền phạt dự kiến là 35.000.000 đồng.

Ngày 14/5/2025, Phòng PC03 (Đội 6) phối hợp Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội (Đội Quản lý thị trường số 14) kiểm tra xe ô tô BKS 30H-7148 do Hoàng Đức Thọ (sinh năm: 1980; trú tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) điều khiển đang dừng đỗ tại khu vực cầu Thanh Trì, gần quốc lộ 5, huyện Gia Lâm, Hà Nội có dấu hiệu nghi vấn.

Qua kiểm tra phát hiện, tạm giữ: 10.000 sản phẩm là xúc xích do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc thuộc sở hữu của Trần Văn Đại (sinh năm: 1995; trú tại: huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).

Tổng trị giá hàng hóa vi phạm: 95.000.000 đồng. Phòng PC03 (Đội 6) đang tiếp tục phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội (Đội Quản lý thị trường số 14) hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Văn Đại về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu là thực phẩm theo quy định pháp luật, với tổng số tiền phạt dự kiến là 70.000.000 đồng.

Ngày 15/5/2025, Phòng PC03 (Đội 6) phối hợp Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội (Đội Quản lý thị trường số 17) tiến hành kiểm tra điểm tập kết hàng hoá tại địa chỉ: Số 14, ngõ 53 Đức Giang, quận Long Biên, thành phố Hà Nội do Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh năm: 1994; trú tại Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) làm chủ.

Qua kiểm tra phát hiện, tạm giữ: 300 sản phẩm là sữa bột, sữa nước trẻ em do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Tổng trị giá hàng hoá 82.350.000 đồng.

Phòng PC03 (Đội 6) đang tiếp tục phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội (Đội Quản lý thị trường số 17) hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Văn Đại về kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm và không đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, với tổng số tiền phạt dự kiến là 77.500.000 đồng.

Ngày 15/5/2025, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03-Đội 6) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17-Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và Công an xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai đã tiến hành kiểm tra tại xưởng sản xuất tại thôn Năm Trại, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội (xưởng sản xuất được đặt tại một vị trí kín đáo, sâu trong ngõ nhỏ ít người qua lại, nằm giữa khu dân cư thôn Năm Trại – nơi có địa hình hẹp, khó phát hiện hoạt động từ bên ngoài.

Cổng xưởng được sơn vẽ nguỵ trang bằng các hình vẽ loang lổ nhằm tránh sự chú ý và kiểm tra bất ngờ từ cơ quan chức năng. Đồng thời, hệ thống camera giám sát 24/24 được lắp đặt ngay phía trước cổng, giúp đối tượng chủ động kiểm soát, phát hiện người lạ đến gần để đối phó, che giấu hoạt động bên trong.

Đây là thủ đoạn tinh vi nhằm che đậy hành vi sản xuất và kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình theo dõi và xử lý).

Tại địa điểm kinh doanh số 30, ngõ 23, phố Đỗ Quang, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) thuộc Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can, do ông Nguyễn Hữu Hoàn (sinh năm 1984, hộ khẩu thường trú tại Xóm 4, Sài Khê, Sài Sơn, Quốc Oai, thành phố Hà Nội) làm Giám đốc, lực lượng chức năng phát hiện 11.430 hộp thực phẩm các loại (trà, sữa hạt, viên uống…) có dấu hiệu vi phạm pháp luật, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên tới 985.300.000 đồng.

Hiện Phòng PC03 (Đội 6) đang phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can với các hành vi không thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi sau công bố đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật; hàng hoá có nhãn nhưng không ghi đủ nội dung bắt buộc theo quy định; ghi nhãn sản phẩm với thông tin sai lệch, không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa-cụ thể là mô tả công dụng sản phẩm theo hướng gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về tính năng, tác dụng điều trị hoặc chữa bệnh của thực phẩm.

Đáng chú ý, hành vi của Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can là quảng cáo bán các sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội (website, tiktok, shopee…) và ghi nhãn quá mức công dụng thực phẩm như trên đang trở nên phổ biến hiện nay, đặc biệt với các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Việc cố tình đưa ra thông tin sai lệch khiến người tiêu dùng hiểu lầm thực phẩm là thuốc chữa bệnh, từ đó đặt niềm tin sai lệch, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, đồng thời làm sai lệch môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tổng mức xử phạt dự kiến đối với các hành vi vi phạm là 177.350.000 đồng. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc có yếu tố “quảng cáo công dụng vượt mức”./.

Theo Vietnamplus

Continue Reading

Trending

Copyright © 2024 Ver2solution.com .