Connect with us

Thị Trường

Dệt may tăng tốc đầu năm 2025

Published

on

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý I-2025 và đang đàm phán cho quý II-2025.

Nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đổi mới công nghệ, tận dụng tốt sự dịch chuyển đơn hàng trong bối cảnh cầu sản phẩm dệt may trên thế giới gia tăng là những lợi thế giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tự tin chinh phục mục tiêu xuất khẩu 48 tỉ USD trong năm 2025.

Đơn hàng không thiếu

Từ tháng 12-2024 đến nay, Công ty TNHH Việt Thắng Jean liên tục tăng ca để đáp ứng cho đơn hàng xuân, hè năm 2025. Với chính sách chấp nhận những đơn hàng nhỏ và mặt hàng thời trang, công ty này đã có đơn hàng đến tháng 6-2025. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean, tự tin năm nay sẽ tăng trưởng khả quan hơn năm 2024.

“Xuất khẩu dệt may đã phục hồi tốt trong các tháng cuối năm 2024. Doanh nghiệp cũng đã chủ động khâu nguyên liệu, xanh hóa khâu sản xuất để đáp ứng các nhu cầu của thị trường nhập khẩu, kể cả những thị trường khó tính nhất” – ông Việt nói.

Việt Thắng Jean là một trong khá nhiều doanh nghiệp lớn ngành dệt may đã có đơn hàng ổn định đến quý II/2025. Tại khu vực phía Nam, Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Thành Công, Công ty TNHH May mặc Dony… cũng nhận được đơn hàng dồi dào từ cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Hàng dệt may Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Diệt may Việt Nam (Vitas), cho biết bên cạnh các khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, khối CPTPP (các nước trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), các nước ASEAN… hàng dệt may Việt Nam cũng đã khai thác những thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…

Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam về đích với khoảng 44 tỉ USD, tăng trưởng khoảng 11% so với năm 2023 và vươn lên vị trí thứ 2 trong số các nước xuất khẩu nhiều hàng dệt may nhất thế giới.

Ông Giang phân tích năm 2024, một số doanh nghiệp đã đón được luồng đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar. Tuy nhiên, đây là những đơn hàng cơ bản, phân khúc giá thấp. Đáng chú ý, từ quý IV/2024, xuất khẩu của Bangladesh sang Mỹ và EU đã có sự phục hồi, khả năng sẽ trở lại bình thường sau quý II/2025. Đến lúc đó, Bangladesh sẽ trở lại cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam.

“Trong ngắn hạn, từ nay đến hết quý II/2025, ngành may mặc sẽ tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2024. Doanh nghiệp cũng đón nhận tín hiệu tăng trưởng khi các thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật tiếp tục phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng, tồn kho giảm mạnh” – ông Giang nói.

Vượt lên thách thức

Tuy đơn hàng đã quay trở lại, xuất khẩu năm 2025 có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng các doanh nghiệp ngành không chủ quan mà chủ động chuẩn bị để thích ứng với các khó khăn. Các doanh nghiệp chỉ ra thách thức lớn hiện nay là đơn giá thấp, không tăng so với năm 2024 và tính ổn định của đơn hàng không cao, Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Các đối tác thay đổi phương án mua hàng rất nhanh. Mặc dù đơn hàng đã đàm phán nhưng chỉ cần sức mua chững lại 1 – 2 tuần, các nhãn hàng có thể yêu cầu doanh nghiệp ngưng sản xuất. Bên cạnh đó, việc chia nhỏ đơn hàng, yêu cầu giao nhanh trong thời gian ngắn đồng thời siết chặt các quy định liên quan đến xuất xứ vải, sợi buộc doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng” – ông Phạm Văn Việt chỉ ra.

Ông Việt tiết lộ Việt Thắng Jean đang tích cực gia tăng nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ, Pakistan, Indonesia… để thay thế nguyên liệu Trung Quốc cho các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Dù vậy, tại công ty này, tỉ lệ nguyên liệu từ Trung Quốc vẫn đang chiếm 30%-35%.

Người lao động dệt may nhận thưởng Tết 2025 bao nhiêu?

Công ty TNHH May mặc Dony là một trong số ít doanh nghiệp ngành dệt may đạt được tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024.

Mặc dù không tiết lộ mức tăng trưởng cụ thể nhưng ông Phạm Quang Anh – Giám đốc công ty, cho biết doanh số xuất khẩu đã vượt lên mức 20% tổng doanh số công ty năm 2024.

“Ngoài yếu tố sức mua tăng do cầu thị trường phục hồi, tăng trưởng của công ty đến từ hoạt động mở rộng thị trường. Theo đó, tăng trưởng của công ty có được từ thị trường nội địa và các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Đông lẫn những thị trường mới khai phá như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga… Mới đây, công ty đã ký hợp đồng với khách hàng ở châu Phi. “Chúng tôi đã sản xuất đồng phục trong nhiều năm, chuyên làm sản phẩm theo yêu cầu riêng của khách hàng nên quy trình, đội ngũ, phương pháp, giá cả đều tốt” – ông Quang Anh nói về lợi thế cạnh tranh.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, chỉ ra áp lực kép của chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong sản xuất. Doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi, cải thiện năng lực cạnh tranh nếu không muốn bị đào thải, trong khi chi phí để chuyển đổi (đầu tư thay đổi máy móc, công nghệ, hệ thống quản trị… ) không hề nhỏ, đơn hàng thiếu ổn định và giá bán không tăng.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, thực hiện chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031-2035, ngành dệt may sẽ phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Riêng về thị trường Mỹ, Chủ tịch Vitas cho rằng ngành dệt may Việt Nam đang có nhiều lợi thế lẫn cơ hội gia tăng xuất khẩu vào Mỹ.

Khi Tổng thống Donald Trump lên điều hành chính quyền và thực thi chính sách thuế mới đối với các đối tác thương mại của Mỹ, có khả năng dệt may Việt Nam phải chịu thêm 10% thuế. Đây là một khó khăn lớn bởi Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành nhưng ở chiều tích cực, Việt Nam sẽ có khả năng san bằng khoảng cách về giá hàng dệt may với Trung Quốc tại thị trường này, đồng nghĩa với khả năng mở rộng thị phần.

“Ngành dệt may Việt Nam tại Mỹ sẽ có nhiều cơ hội nếu làm tốt, nhất là tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng…” – ông Giang nhấn mạnh.

Theo Người Lao Động

Continue Reading

Quốc Tế

Trung Quốc phản đòn bằng ‘cú tát’ vào hàng xa xỉ: Bán túi Hermès, quần áo LV ngay trên TikTok, giảm giá 90%

Published

on

Cuộc tấn công toàn diện của các nhà sản xuất Trung Quốc vào hàng hiệu phương Tây đang làm lung lay hình ảnh xa xỉ vốn được xây dựng qua nhiều thập kỷ, trung Quốc phản đòn.

Giữa lúc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, các nhà máy tại Trung Quốc – từng là đối tác gia công cho những thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới – đang có bước đi đầy táo bạo: trực tiếp bán ra thị trường các sản phẩm “nguyên bản chưa gắn nhãn” với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ so với hàng chính hãng.

Theo ghi nhận từ The Indian Express, các sản phẩm như túi xách Hermès Birkin, quần áo của Louis Vuitton hay mỹ phẩm từ Esteé Lauder, Chanel, Bobbi Brown… đang được giới thiệu trên mạng xã hội với mức giá thấp hơn đến 90%. Một chiếc túi Birkin vốn được bán lẻ với giá 38.000 USD, theo một video lan truyền, thực tế chỉ tốn khoảng 1.000 USD để sản xuất. Một mẫu legging tương tự sản phẩm của Lululemon được rao bán với giá chỉ 5-6 USD nếu mua trực tiếp từ nhà máy.

“Cuộc chơi đổi luật” nhờ thương chiến Mỹ – Trung

Trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok và X (Twitter), các nhà máy Trung Quốc không ngần ngại công khai quy trình sản xuất: từ việc chọn chất liệu da thật, công đoạn cắt may thủ công tinh xảo, đến độ chính xác của từng đường chỉ may—tất cả đều được thực hiện theo tiêu chuẩn cao cấp không khác gì hàng chính hãng. Nhiều tài khoản còn cung cấp bảng phân tích chi phí sản xuất chi tiết, hướng dẫn cách đặt hàng trực tiếp thông qua các nền tảng như Taobao và WeChat để tránh thuế quan và các khâu trung gian.

Trung Quốc phản đòn bằng 'cú tát' vào hàng xa xỉ: Bán túi Hermès, quần áo LV ngay trên TikTok, giảm giá 90% - ảnh 1

Một tài khoản chia sẻ quá trình gia công và hoàn thiện mẫu túi xách của Birkin với chi phí chỉ hơn 1.000 USD, nhưng được bán giá 38.000 USD với thương hiệu của hãng

Sự lan tỏa mạnh mẽ của các video này đã tạo nên một trào lưu mới trên mạng xã hội mang tên “Trade War TikTok” (tạm dịch: “Chiến tranh thương mại trên TikTok”). Đây được xem là phản ứng ngầm nhưng mạnh mẽ của các nhà sản xuất Trung Quốc trước chính sách thuế của Mỹ, đồng thời cũng là một cách để khẳng định vị thế “người làm ra sản phẩm thật” phía sau ánh hào quang của những thương hiệu phương Tây.

Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ quy trình sản xuất, nhiều nhà cung cấp còn khẳng định sẽ chi trả toàn bộ chi phí vận chuyển quốc tế và thuế nhập khẩu, khiến các sản phẩm “xịn không cần nhãn” càng trở nên hấp dẫn với người tiêu dùng toàn cầu.

Một nhà cung cấp Trung Quốc tiết lộ rằng chiếc túi Birkin được bán lẻ với giá 34.000 USD thực tế chỉ tiêu tốn khoảng 1.400 USD để sản xuất. “Chúng tôi – những người trực tiếp làm ra sản phẩm – chỉ nhận được biên lợi nhuận rất thấp, trong khi phần lớn lợi nhuận rơi vào tay các thương hiệu nhờ vào giá trị của logo”, chủ tài khoản này chia sẻ trong một đoạn video đang lan truyền mạnh mẽ trên TikTok và X.

Làn sóng công khai bán hàng “không nhãn” này không phải hiện tượng ngẫu nhiên, mà là hệ quả tất yếu của cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, chính quyền Mỹ từng mạnh mẽ kêu gọi các tập đoàn đưa dây chuyền sản xuất rời khỏi Trung Quốc và quay trở lại Mỹ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia.

Đáp lại, các nhà sản xuất Trung Quốc – vốn đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu – dường như đang chủ động phản công thông qua mặt trận mới: mạng xã hội. Họ không chỉ hé lộ quy trình sản xuất chi tiết vốn từng được giữ kín, mà còn công khai bảng phân tích chi phí để chứng minh rằng giá trị thực tế của các sản phẩm xa xỉ thấp hơn nhiều so với giá bán ra thị trường.

Sự nổi lên của các sản phẩm này cũng đồng thời đặt ra câu hỏi lớn về giá trị thực sự của hàng xa xỉ: liệu người tiêu dùng đang trả tiền cho chất lượng, hay chỉ đơn thuần là để sở hữu một cái tên? Khi khoảng cách giữa sản phẩm thật và hàng không logo ngày càng mờ nhòe, các thương hiệu xa xỉ có thể sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin lớn hơn bao giờ hết.

Trung Quốc phản đòn bằng 'cú tát' vào hàng xa xỉ: Bán túi Hermès, quần áo LV ngay trên TikTok, giảm giá 90% - ảnh 2
Do mức thuế quan cao, người dùng TikTok tại Mỹ bị thu hút bởi các lựa chọn thay thế rẻ hơn từ các nhà sản xuất Trung Quốc trực tuyến

Nhiều người dùng cho rằng các sản phẩm bị dán nhãn “hàng nhái” thực chất là hàng chính hãng không logo – được sản xuất tại chính các nhà máy cung cấp cho những thương hiệu xa xỉ phương Tây. “Yang dupe kau beli tu actually ori” (tạm dịch: “Cái hàng nhái bạn mua thực ra là hàng thật đấy”), một người dùng bình luận và nhận được hàng chục nghìn lượt đồng tình.

Các đoạn video lan truyền không chỉ thu hút sự chú ý về mặt tiêu dùng mà còn châm ngòi cho một cuộc tranh luận gay gắt trên không gian mạng: Liệu chiến lược chiến tranh thương mại của Mỹ còn hiệu quả?

Một người dùng từ Mỹ trên nền tảng X bình luận: “Điều nực cười là ngay cả khi đã tính thuế nhập khẩu và phí vận chuyển, sản phẩm vẫn rẻ hơn nhiều so với khi mua qua các tập đoàn Mỹ. Chúng ta có lẽ đã thua trong cuộc chiến thương mại này ngay từ đầu”.

Mặc dù Mỹ đã áp mức thuế lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm kiềm chế nền kinh tế số 2 thế giới, Bắc Kinh không có dấu hiệu nhượng bộ. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách nâng thuế trả đũa lên 125%, đồng thời đẩy mạnh cải cách trong nước và tích cực mở rộng mạng lưới đối tác thương mại ngoài phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.

Chủ tịch Tập Cận Bình gọi chính sách của Mỹ là “hành vi bắt nạt từ một phía”, và khẳng định Trung Quốc sẽ không khuất phục trước bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài. Các bộ trưởng trong Chính phủ của ông cũng nhấn mạnh lập trường cứng rắn, cam kết “chiến đấu đến cùng” trong cuộc đối đầu thương mại lẫn truyền thông toàn cầu.

Tham khảo Economic Times

Continue Reading

Trong Nước

FDI từ Trung Quốc lũ lượt vào Việt Nam: Có 2 dự án ‘khủng’ lên tới hơn 600 triệu USD vừa động thổ

Published

on

Trong 3 tháng đầu năm nay, có hơn 1,47 tỷ USD vốn đầu tư từ Trung Quốc đăng ký vào Việt Nam, tăng 68,5% so với cùng kỳ năm trước. FDI từ Trung Quốc lũ lượt vào Việt Nam, trong đó có nhiều dự án lớn liên tiếp được khởi động.

FDI từ Trung Quốc lũ lượt vào Việt Nam: Có 2 dự án 'khủng' lên tới hơn 600 triệu USD vừa động thổ- Ảnh 1.

Dự án Nhà máy Victory Giant Technology Việt Nam

Cuối tháng 3, Bắc Ninh đón thêm hai nhà máy linh kiện công nghệ cao.

Đó là dự án Nhà máy Victory Giant Technology Việt Nam của Công ty cổ phần công nghệ Victory Giant (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc); chuyên nghiên cứu và phát triển, sản xuất, kinh doanh các loại bảng mạch sử dụng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu lớn, Internet công nghiệp, ô tô năng lượng xanh, công nghệ truyền thông thế hệ mới, hàng không vũ trụ, thiết bị y tế…. Dự án có tổng vốn đầu tư 520 triệu USD.

Tiếp theo là dự án nhà máy của Công ty TNHH Green Precision Manufacturing Việt Nam.

Đây là doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc chuyên nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các linh kiện cấu trúc chính xác cho sản phẩm tiêu dùng điện tử như loa, điện thoại, máy tính bảng, thiết bị thanh toán điện tử…Dự án với tổng vốn đầu tư hơn 120 triệu USD.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong quý đầu năm, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai, với 1,23 tỷ USD, chiếm 28,5% tổng vốn đăng kí cấp mới (sau Singapore).

Về đầu tư, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế có đầu tư FDI và tại 55/63 tỉnh thành Việt Nam. Tính đến cuối năm 2024, Trung Quốc có 5111 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 30,83 tỷ USD.

FDI từ Trung Quốc lũ lượt vào Việt Nam: Có 2 dự án 'khủng' lên tới hơn 600 triệu USD vừa động thổ- Ảnh 2.

Đáng chú ý, chất lượng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã có sự cải thiện vượt bậc, theo nhận định của Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành tại Hội thảo “Giới thiệu Hội chợ Canton Fair 2025” hồi đầu năm.

Theo ông thành, nếu trước đây, các dự án chủ yếu tập trung vào dệt may, da giày, nay đã dịch chuyển mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, điện tử, xe điện và các ngành công nghiệp hiện đại.

“Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc với quy mô quốc tế đã triển khai các dự án lớn, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, đồng thời tạo ra hàng loạt cơ hội việc làm và chuyển giao công nghệ”, ông Thành từng nhấn mạnh.

Trong cuộc gặp Thủ tướng hồi cuối năm ngoái, Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) và PowerChina đang đề xuất tham gia vào các dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam như Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn và Hải Phòng – Quảng Ninh – Móng Cái. Đồng thời cũng mong muốn tham gia các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt đô thị tại TP.HCM…

Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 9/2024, Ngân hàng HSBC cho biết, tại Đông Nam Á, khách hàng Trung Quốc của HSBC quan tâm nhiều nhất đến việc mở rộng thị trường sang Singapore, kế đến là Việt Nam. “Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư láng giềng bởi mối quan hệ kinh tế chặt chẽ”, HSBC nhận định.

Theo Cafebiz.vn

Continue Reading

Pháp Luật

Mạnh tay chấn chỉnh livestream bán hàng

Published

on

Từ những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội đến những chiêu trò “lùa gà” tinh vi, nhiều KOL đang đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Mạnh tay chấn chỉnh livestream bán hàng.

Trong kỷ nguyên số, những người nổi tiếng trên mạng xã hội (KOL) đã trở thành một “thế lực”, có sức ảnh hưởng không thể phủ nhận trong lĩnh vực thương mại điện tử, mạnh tay chấn chỉnh livestream bán hàng.

Phạt tiền – chưa đủ!

Chỉ với vài lời giới thiệu, một buổi livestream ngắn ngủi, không ít KOL có thể “hô biến” những sản phẩm chưa ai biết tới trở thành “hot trend”, thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng triệu lượt mua. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang và những con số ấn tượng ấy lại ẩn chứa không ít góc khuất, nơi những chiêu trò quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm đang dần bào mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã xử phạt bà Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) và ông Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) do có sai phạm trong hoạt động quảng cáo sản phẩm kẹo Kera.

Trong khi đó, ngay sau khi dư luận xôn xao về việc quảng cáo quá mức, “chiến thần livestream” Chu Thanh Huyền phải lên tiếng trên trang cá nhân với 3,8 triệu người theo dõi, trần tình về việc bị tố quảng cáo sai sự thật sản phẩm “sữa nước” hươu cao cổ từ Hàn Quốc.

Một “chiến thần livestream” có hàng triệu lượt theo dõi khác cũng vừa bị người tiêu dùng phản ánh kêu gọi trữ hàng với lý do sàn thương mại điện tử sắp tăng phí vào đầu tháng 4-2025. KOL này còn bị “tố” bán hàng với giá rẻ không tưởng, thấp hơn nhiều lần so với thị trường, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động bán lẻ hàng hóa tại các cửa hàng truyền thống…

Việc livestream bán hàng đã trở thành nghề kinh doanh “hốt bạc” của nhiều KOL

Việc livestream bán hàng đã trở thành nghề kinh doanh “hốt bạc” của nhiều KOL

Theo ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia – Bộ Công Thương, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định người có ảnh hưởng khi tham gia cung cấp thông tin, có nhận tài trợ từ phía doanh nghiệp thì phải thông báo trước cho người tiêu dùng rằng mình được tài trợ để cung cấp thông tin, không phải xuất phát từ chia sẻ cá nhân qua quá trình sử dụng. Từ đó, người tiêu dùng có thể đánh giá khách quan hơn về sản phẩm.

Trong trường hợp không thực hiện đúng trách nhiệm, người có ảnh hưởng có thể bị phạt 20-30 triệu đồng. Việc đưa thông tin không chính xác về sản phẩm hàng hóa do bên thứ 3 cung cấp cũng có thể bị phạt 20-30 triệu đồng…

Tuy vậy, ông Bách cho rằng mức phạt tiền như trên là quá ít so với thù lao mà người nổi tiếng, người có ảnh hưởng nhận được thông qua hợp đồng tài trợ. Pháp luật cũng có chế tài khác là công khai danh tính người bị xử lý vi phạm trên không gian mạng. Việc này có thể tác động tới hoạt động nghề, uy tín của họ.

Thời gian qua, TikTok đã gỡ bỏ chức năng bán hàng của hơn 500 nhà sáng tạo nội dung. Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết nền tảng này đã yêu cầu người có ảnh hưởng khi livestream bán hàng phải tuân thủ các quy định, như phải nói đúng về sản phẩm, thông tin đưa đến cho khách hàng.

Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng

“Quan trọng hơn là trao quyền cho người tiêu dùng. Nếu nhận thấy hàng hóa không đúng với thông tin cung cấp của người bán, bao gồm cả hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa khác với mô tả, nền tảng sẽ giải quyết khiếu nại trong 72 giờ và hoàn tiền gấp 2 lần giá trị hàng hóa” – đại diện TikTok Việt Nam khẳng định.

Theo đại diện TikTok Việt Nam, hệ thống pháp luật đã cơ bản đầy đủ. Dù vậy, vẫn cần đẩy mạnh tuyên truyền để người có ảnh hưởng và người tiêu dùng nắm rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình.

“TikTok cam kết tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng; ngăn chặn người bán hàng quảng cáo sai sự thật, không chịu trách nhiệm về sản phẩm với mục đích bán được nhiều hàng hơn so với người đầu tư trí tuệ giải thích sản phẩm chi tiết để thuyết phục người mua” – ông Thanh cho biết.

Trong khi đó, ông Bùi Thanh Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mặt khác, người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, nếu phát hiện sai so với quảng cáo, tem mác thì nên phản ánh, khiếu kiện, thay vì thực tế hiện nay là hầu như bỏ qua mà không lên tiếng.

Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng của người tiêu dùng trong việc mua sắm trên không gian mạng. Cùng với đó, nghiên cứu các quy định pháp luật để hạn chế hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Trước thực tế trên, TS Đào Cẩm Thủy, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing, Viện Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Kinh tế – ĐHQG Hà Nội, cho rằng cần quản lý đa chiều hơn lĩnh vực này. KOL muốn bán hàng cần có giấy phép hoạt động để cung cấp thông tin, dịch vụ trên mạng xã hội, đăng ký khuyến mãi theo quy định, bảo đảm chất lượng…

TS Đào Cẩm Thủy đề xuất cơ quan quản lý cần xây dựng chế tài xử phạt mạnh tay đối với hành vi quảng cáo sai sự thật. Bên cạnh đó, cấm người có ảnh hưởng xuất hiện trên mạng xã hội nếu vi phạm; nếu nghiêm trọng có thể yêu cầu chấm dứt hành nghề, để tránh việc “tẩy trắng” sau khi vi phạm.

Phân loại KOL để quản lý

Theo Bộ Tài chính, các KOL được chia thành 3 nhóm chính: Người có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội, từ đó tạo ra ảnh hưởng trên không gian mạng (chiếm khoảng 21,8%); người không có uy tín trong xã hội nhưng tạo ra ảnh hưởng nhờ có lượng theo dõi lớn trên không gian mạng (khoảng 42%); người có ảnh hưởng gián tiếp trên không gian mạng (khoảng 36,2%).

Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy một số KOL khi livestream quảng cáo, bán hàng có doanh thu hàng chục tỉ, thậm chí cả trăm tỉ đồng. Đây là một trong những lý do Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của cá nhân, hộ kinh doanh.

Theo nld.com.vn

Continue Reading

Trending

Copyright © 2024 Ver2solution.com .