Social

Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, WhatsApp và Threads đã trở thành những cái tên quen thuộc với hàng tỷ người dùng trên toàn cầu. Trong đó, Facebook vẫn giữ vững vị trí là mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 3 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng (Theo báo cáo tài chính vào năm 2023 của Meta).

Published

on

Từ mong muốn kết nối mọi người, Facebook với biểu tượng chữ F quen thuộc đã trải qua một hành trình dài, không ngừng thay đổi và phát triển. Từ một nền tảng đơn thuần để chia sẻ hình ảnh và cập nhật trạng thái, Facebook đã trở thành một mạng xã hội khổng lồ, nơi người dùng có thể kết nối, khám phá và tương tác với thế giới xung quanh. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, Facebook không ngừng cải tiến sản phẩm và dịch vụ của mình.

Vậy đâu là những thay đổi của Facebook trong 20 năm tới mà các thương hiệu và nhà sáng tạo cần lưu ý? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Gen Z trở thành động lực phát triển chính trong tương lai của Facebook

Vào 3 năm trước, ông Mark Zuckerberg, Giám đốc Điều hành Meta đã công bố kế hoạch định hướng lại Facebook, đặt trọng tâm vào việc thu hút người dùng trẻ tuổi. Ông cho biết nền tảng này sẽ trải qua một quá trình “tái cơ cấu” đáng kể để đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng 18-29 tuổi, thậm chí có thể dẫn đến việc giảm số lượng người dùng lớn tuổi hơn. Ông Zuckerberg nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi này sẽ là một hành trình dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì và đầu tư lớn từ công ty.

Ở hiện tại, những thay đổi mà Meta đã đề cập trước đó đang dần được thể hiện rõ nét. Ông Tom Alison, Phó Chủ tịch nền tảng Facebook, Meta đã xác nhận điều này trong buổi họp báo “The Future of Facebook 2024”. Ông cho biết: “Facebook vẫn chào đón tất cả mọi người, nhưng chúng tôi đang thực hiện những thay đổi đáng kể để đáp ứng nhu cầu của những người dùng trẻ tuổi”.

Theo ông Tom Alison: “Trong 20 năm tới, chúng tôi sẽ chú trọng xây dựng thế hệ mạng xã hội tiếp theo dành cho giới trẻ và tập trung vào khả năng của những sản phẩm mới được xây dựng dựa trên AI”

Theo Meta, Facebook đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng người dùng trẻ tuổi trong những năm gần đây, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Canada. Với hơn 40 triệu người dùng trẻ tuổi hoạt động hàng ngày, nền tảng này đang trở thành một điểm đến quen thuộc cho thế hệ trẻ. Để đáp ứng nhu cầu kết nối và khám phá của nhóm đối tượng này, Facebook đã không ngừng cập nhật và cải tiến các tính năng. Từ việc tìm kiếm bạn bè mới, khám phá những sở thích chung cho đến việc tìm kiếm việc làm và nhà ở, Facebook đang trở thành một trợ lý đắc lực trong những cột mốc quan trọng trong cuộc sống của người dùng.

Meta cho biết có hơn 40 triệu người dùng trẻ tuổi hoạt động hàng ngày trên Facebook tại Hoa Kỳ và Canada, và hơn 1,8 tỷ người dùng tham gia vào các nhóm trên Facebook mỗi tháng. Nguồn: Meta

Facebook cũng thực hiện một số thay đổi đối với sản phẩm cốt lõi của mình, chẳng hạn như tính năng ReelsGroups. Những tính năng này không chỉ giúp người dùng giải trí mà còn tạo điều kiện để họ khám phá những sở thích mới, kết nối với cộng đồng và tìm kiếm những người có cùng chí hướng. Bên cạnh đó, Facebook Marketplace cũng là một công cụ hữu ích để người trẻ tìm kiếm những món đồ nội thất hoặc các sản phẩm khác phục vụ cho cuộc sống độc lập.

Điều này cho thấy Meta đang tích cực điều chỉnh các tính năng, nội dung và giao diện của Facebook để tạo ra một trải nghiệm phù hợp hơn với sở thích và hành vi của giới trẻ.

Những cập nhật quan trọng trong tính năng của Facebook mà thương hiệu và nhà sáng tạo cần lưu ý

1. Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo nhằm cá nhân hóa nội dung hiển thị của người dùng 

Ban đầu, Facebook được xem như một không gian riêng tư để kết nối với những người quen biết. Tuy nhiên, nhu cầu của người dùng ngày càng đa dạng. Họ muốn khám phá thế giới rộng lớn hơn, tương tác với nhiều đối tượng mới mẻ và tiếp cận những thông tin hữu ích. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho Facebook trong việc giữ được tính kết nối cá nhân nhưng cũng đồng thời đáp ứng nhu cầu khám phá và mở rộng mối quan hệ của người dùng.

Để nâng cao trải nghiệm người dùng, Facebook đã không ngừng đầu tư vào công nghệ trí tuệ nhân tạo. Nền tảng mạng xã hội này đã nâng cấp công nghệ để sắp xếp lượt hiển thị nội dung trên Reels và Feed (Nguồn cấp dữ liệu) của mình, từ đó đưa ra các đề xuất cụ thể, cá nhân hóa.

Một ví dụ điển hình là tính năng tương tác trực tiếp với nội dung. Khi xem một video học guitar, người dùng có thể đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời từ Meta AI ngay lập tức. Điều này tạo ra một trải nghiệm tương tác liền mạch và giúp người dùng khám phá thế giới xung quanh một cách chủ động.

Meta AI cho phép người dùng đặt câu hỏi song song với nội dung đang xem, tạo ra một trải nghiệm tương tác liền mạch và giúp người dùng khám phá thế giới xung quanh một cách chủ động

Hơn hết, với mục tiêu trở thành nền tảng có công nghệ đề xuất tốt nhất thế giới vào cuối năm 2026, Facebook đã không ngừng nghiên cứu và phát triển các giải pháp AI tiên tiến. Nền tảng mạng xã hội này đã phát minh ra kiến ​​trúc mô hình mới với khả năng học hỏi từ các tập dữ liệu lớn một cách hiệu quả. Kiến ​​trúc mô hình này đã thúc đẩy những cải tiến đáng kể trong quá trình thử nghiệm với Facebook Reels của nền tảng mạng xã hội.

Trong khoảng một năm tới, công nghệ đề xuất nâng cao này sẽ hỗ trợ nhiều sản phẩm hơn, bao gồm toàn bộ hệ sinh thái video và đề xuất trên Feed. Facebook cũng đang xây dựng một trong những bộ sưu tập tốt nhất thế giới về các mô hình, công cụ và tài nguyên mở dành cho AI tổng hợp với Meta Llama.

2. Cập nhật trình phát video toàn màn hình và thanh trượt bỏ qua trong các video dài 

Hiện tại, các định dạng video như video ngắn Reels, video dài và Live (Phát trực tiếp) đã chiếm hơn 60% thời lượng sử dụng của Facebook và Instagram, trong đó, Reels đang là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng này. Tỷ lệ chia sẻ nội dung theo cách riêng tư trên Facebook cũng ngày càng tăng, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Facebook đang không ngừng phát triển để trở thành một nền tảng video toàn diện, đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng qua định dạng video ngắn và cả những định dạng dài hơn, chuyên sâu hơn.

Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng của người dùng về các loại nội dung đa dạng. Giới trẻ hiện nay muốn chia sẻ và khám phá không chỉ những video giải trí ngắn mà còn những video hướng dẫn, học tập. Facebook đang ‘lắng nghe’ những nhu cầu đó và không ngừng cải tiến để tạo ra một nền tảng video phù hợp với mọi đối tượng.

Nền tảng mạng xã hội này đã cập nhật trình phát video toàn màn hình và thanh trượt để người dùng dễ dàng xem các nội dung họ quan tâm trong video dài. Trình phát này hiện đã được triển khai trên toàn cầu, mang đến trải nghiệm video tiện lợi và cá nhân hóa hơn cho người dùng. Bên cạnh đó, mọi người còn có thể nhanh chóng gửi video đến những người bạn có cùng sở thích ngay trên Facebook hoặc thông qua các nền tảng khác như WhatsApp.

Mặc dù video tự động hiển thị theo chiều dọc, người dùng vẫn có thể tận hưởng trải nghiệm xem video toàn màn hình theo chiều ngang trên hầu hết các video, mang đến sự linh hoạt trong cách thưởng thức nội dung

Thanh trượt ở cuối trình phát giúp người dùng linh hoạt điều khiển quá trình xem, có thể dễ dàng tua nhanh hoặc chuyển đến bất kỳ phần nào họ muốn

Cơ hội dành cho những nhà sáng tạo nội dung trên Facebook: Biến đam mê trở thành sự nghiệp với tính năng Professional Mode

Trong thời đại công nghệ số, con người “tiêu thụ” nội dung trực tuyến chủ yếu trên nền tảng mạng xã hội. Đi kèm với xu hướng về nhu cầu giải trí này, số lượng người tham gia sáng tạo nội dung ngày càng “bùng nổ”.

Để hỗ trợ cộng đồng nhà sáng tạo nội dung ngày càng phát triển, Facebook đã ra mắt tính năng Chế độ Chuyên nghiệp (Professional Mode). Tính năng này cung cấp cho người dùng các công cụ và tính năng chuyên nghiệp để tạo ra và chia sẻ nội dung một cách hiệu quả hơn. Những người dùng mới có thể dễ dàng xây dựng thương hiệu cá nhân và tăng lượng người theo dõi.

Với tính năng Professional Mode, nhà sáng tạo nội dung trên Facebook khi bình luận về các bài đăng công khai, nút “Theo dõi” sẽ hiển thị ngay bên cạnh tên, tạo cơ hội thu hút thêm người theo dõi mới

Ngoài ra, Facebook cũng tạo ra một mô hình thanh toán linh hoạt hơn, giúp các nhà sáng tạo nội dung tạo thu nhập dựa trên hiệu quả hoạt động của nội dung của họ. Không chỉ giới hạn trong việc hiển thị quảng cáo, mô hình này đánh giá hiệu suất video dựa vào số lượt xem và mức độ tương tác mà nội dung thúc đẩy. Điều này đồng nghĩa với việc những nhà sáng tạo không còn phải tập trung vào việc tối ưu hóa cho các độ dài video và có thể dành thời gian của mình để tạo ra nội dung phù hợp với thị hiếu của khán giả.

Trending

Exit mobile version